Tạo sinh kế cho người dân để giảm áp lực lên rừng
Đứng trước hàng loạt khó khăn, thách thức, áp lực, thời gian qua Vườn quốc gia Yók Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Yók Đôn cho biết, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Theo đó, đặt các bảng tuyên truyền cấm hành vi phá rừng, phát nương làm rẫy, săn bắt động vật rừng; tuyên truyền trực tiếp cho bà con nhân dân tại các nhà cộng đồng buôn, tại vườn; tuyên truyền trong các trường học trên địa bàn; tuyên truyền di động, sử dụng ô tô đi vào các ngõ của thôn, buôn để tuyên truyền thông qua loa phát thanh; tuyên truyền trên đài phát thanh của các xã vùng đệm.
Qua đó, giúp cho người dân hiểu được giá trị của rừng đối với đời sống con người, sinh vật nói chung. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về Luật Lâm nghiệp.
Đặc biệt, Vườn quốc gia Yók Đôn còn nỗ lực tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn bằng cách khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng. Hiện nay, Vườn đang khoán bảo vệ 35.000ha rừng cho nhiều hộ dân. Cứ mỗi 1ha, người dân được hưởng 400.000 đồng/năm. Theo đó, người dân có nhiệm phối hợp với cán bộ kiểm lâm của vườn để quản lý, bảo vệ rừng.
Không chỉ vậy, trong năm 2023, Vườn quốc gia Yók Đôn đã triển khai giao khoán cho 17 cộng đồng thôn, buôn, trị giá 14 tỷ đồng.
Ông Linh lý giải: “Trước đây, đơn vị thực hiện giao khoán bảo vệ rừng theo hộ nhưng hiện nay là giao khoán cho cộng đồng nhằm nâng cao trách nhiệm cho từng cá nhân trong từng cộng đồng. Theo đó, mỗi cộng đồng phải chia ra các nhóm để cùng với lực lượng kiểm lâm của Vườn tuần tra, bảo vệ rừng. Nếu có người vi phạm lâm luật thì cộng đồng đó sẽ đứng ra phân xử. Mỗi khi Vườn thông báo họp để tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, nếu có người vắng thì cộng đồng đó cũng phải chịu trách nhiệm. Bằng giải pháp này sẽ tạo ra sức mạnh của cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản của quốc gia”.
Hàng năm, Vườn quốc gia Yók Đôn còn hỗ trợ cho các thôn, buôn theo Quyết định số 24 ngày 1/6/2012 của Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020.
Theo đó, mỗi thôn, buôn được hỗ trợ 40 triệu đồng/năm nhằm phát triển kinh tế cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình và từng bước giảm áp lực lên rừng. Trong năm 2023, vườn đã triển khai hỗ trợ ở 35 thôn, buôn, với số tiền 1,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vườn quốc gia Yók Đôn cũng triển khai quy chế phối hợp với 18 cơ quan, đơn vị để siết chặt công tác bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội. Qua đó, góp phần tăng cường công tác tuần tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm lâm luật.
Theo Giám đốc Vườn quốc gia Yók Đôn, nhờ việc triển khai nhiều biện pháp nói trên đã góp phần rất lớn trong việc kéo giảm tình trạng vi vi phạm pháp luật về lâm luật trên địa bàn. “Năm 2014, trên địa bàn Vườn quản lý đã xảy ra 173 vụ vi phạm lâm luật thì đến nay, sau gần 10 năm giảm còn 39 vụ trong năm 2023”, ông Linh chỉ rõ.
Không chỉ vậy, thông qua công tác giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng nên hạn chế hành vi hung hãn của các đối tượng vi phạm. Mấy năm gần đây, không xảy ra các trường hợp cán bộ kiểm lâm của Vườn quốc gia Yók Đôn bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ, từ 2017 đến nay, chỉ có 2 vụ chống người thi hành công vụ. Mặt khác, cũng giảm đáng kể tình trạng vi phạm có tổ chức.
Giám đốc Vườn quốc gia Yók Đôn nhấn mạnh, để công tác quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả, giảm áp lực lên rừng thì vấn đề quan trọng nhất là phải tạo được sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.
Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cũng đã xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng. Đồng thời, tổ chức hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo với các trường đại học, các nhà khoa học, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện nghiên cứu và đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn giám sát đa dạng sinh học tại khu bảo tồn...
Cần có chính sách đãi ngộ phù hợp
Ngoài việc đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng thì việc giữ chân người giữ rừng cũng là một vấn đề cấp thiết hiện nay đối với ngành Lâm nghiệp và cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, để cán bộ bảo vệ rừng yên tâm làm việc, mỗi khi xuống cơ sở, ông đều tâm sự với lực lượng các cơ sở rằng, hiện nay lực lượng lâm nghiệp rất khó khăn nên mọi người phải đồng tâm hiệp lực.
Đối với các Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, cần phải quan tâm đến đời sống anh em cấp dưới, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm địa bàn trong cơ chế cho phép để tạo kiện cho anh em làm việc.
“Bản thân tôi luôn xác định tinh thần, lãnh đạo Chi cục chỉ hoàn thành nhiệm vụ khi các Hạt trưởng hoàn thành nhiệm vụ. Các Hạt trưởng muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải nhờ các đồng chí kiểm lâm viên ở cơ sở. Vì thế, quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi không dùng quyền để chỉ đạo mà dùng cái tâm của mình để làm việc với anh em”, ông Hưng chia sẻ.
Đối với những cán bộ kiểm lâm địa bàn làm xa nhà, Hạt trưởng các Hạt Kiểm lâm cần sắp xếp để anh em về làm việc trên địa bàn gần nhà, gần gia đình.
“Tôi quan niệm, phải để anh em an tâm việc ở nhà thì mới toàn tâm toàn ý với ngành. Chứ lúc nào cũng lo canh cánh chuyện gia đình, con đau, vợ ốm, gia đình thiếu thốn, không ai lo thì không thể toàn tâm toàn ý với công việc được. Do đó, ngay sau khi về nhận nhiệm vụ Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, tôi đã chỉ đạo Trưởng phòng Tổ chức xây dựng lực lượng rà soát, thống kê các anh em kiểm lâm địa bàn ở xa nhà để từng bước điều chuyển về gần nhà. Bởi thực tế, trong lực lượng kiểm lâm đã có một số đồng chí vì thường xuyên phải làm việc ở rừng, xa nhà nên khi xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng rất khó hàn gắn dẫn đến phải ly dị”, ông Hưng nói.
Không chỉ vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nội dung theo Quyết định số 83 ngày 4/10/2007 của Bộ NN&PTNT về nhiệm vụ công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã cho phù hợp với điều kiện thực tế hoạt động kiểm lâm trên địa bàn tại cơ sở. Đồng thời, cần có chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút và khuyến khích công chức kiểm lâm địa bàn gắn bó với địa phương, yêu ngành, yêu nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, cần phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện tư duy giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Giáo dục đại học phải mang tính mở, tính đa dạng, tính linh hoạt, có sức sáng tạo đột phá nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho thực tiễn phát triển lâm nghiệp. Mặt khác, cần phải có chính sách thu hút, sử dụng nhân lực...
Khánh Ngọc