Phía sau những cánh rừng: Nỗi niềm của những người giữ rừng (Bài 3)

Phía sau những cánh rừng: Nỗi niềm của những người giữ rừng (Bài 3)

Trịnh Thị Thơ

Trịnh Thị Thơ

Thứ 3, 12/12/2023 07:00

Không chỉ bị đe dọa tính mạng, lực lượng bảo vệ rừng còn phải làm việc trong điều kiện kham khổ, khó khăn chồng chất nhưng mức thu nhập không đảm bảo cuộc sống.

Người thân bị dọa “xử”

Trực tiếp tham gia cuộc chiến bảo vệ những cánh rừng, nhiều cán bộ kiểm lâm không chỉ mang trên mình nhiều thương tích mà còn bị các đối tượng tìm cách hãm hại, đe dọa “xử” cả người thân.

Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Hào, cán bộ Trạm Kiểm lâm số 7, Vườn quốc gia Yók Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Anh Hào cho biết, hơn 27 năm gắn với rừng, bản thân anh đã vô số lần đối diện với những tình huống trớ trêu khi “chạm trán” với lâm tặc.

Đơn cử, năm 2008, sau khi nghe tiếng cưa từ trong rừng lúc 2h sáng, anh Hào và Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 5, Vườn Quốc gia Yók Đôn mò mẫm lần theo tiếng cưa đi ngăn chặn hành vi vi phạm lâm luật.

Khoảng 4h sáng, khi vừa đến tiểu khu 441, các anh phát hiện có 7 đối tượng đã khai thác 1 cây gỗ hương, khối lượng hơn 8m3. Thời điểm này, các đối tượng đang ngồi nghỉ giải lao, đốt củi để nấu mì tôm ăn.

Dân sinh - Phía sau những cánh rừng: Nỗi niềm của những người giữ rừng (Bài 3)

Hơn 27 năm gắn với rừng, anh Nguyễn Văn Hào, cán bộ Trạm Kiểm lâm số 7, Vườn quốc gia Yók Đôn đã không ít lần phải đổ máu vì bị lâm tặc tấn công. 

Lúc này, anh Hào và lãnh đạo trạm phải chờ cho đến khi các đối tượng ăn xong và tiếp tục bổ các khúc gỗ còn lại mới ập đến bắt giữ. Khi các đối tượng vừa nổ cưa lên cũng là lúc các anh nổ súng chỉ thiên, tiếp cận hiện trường.

Tuy nhiên, lợi dụng đêm tối, các đối tượng bỏ chạy tán loạn. Trong lúc bỏ chạy, một đối tượng bị cây le chọc xuyên bắp chân. Ngay lập tức, đối tượng này quay lại vu vạ cho Hào dùng súng bắn người bị thương. Nghe vậy, một đối tượng khác cầm gậy đánh trúng vào vai của cán bộ trạm trưởng. Khi đối tượng giơ cây lên đánh cái thứ 2, anh Hào nhanh tay đỡ thì bị đánh nhiều cái vào người.

Không còn cách nào khác, anh Hào tiếp tục nổ súng chỉ thiên để trấn áp và tìm cách nói chuyện với người lớn tuổi nhất trong nhóm để phân tích cái đúng, cái sai.

Đồng thời, gọi điện thoại báo cho lãnh đạo và lực lượng của Vườn quốc gia Yók Đôn đến hỗ trợ, đưa đối tượng bị thương đi cấp cứu. Vụ việc cũng nhanh chóng được báo cho Viện kiểm sát, công an vào phối hợp điều tra, làm rõ.

Dân sinh - Phía sau những cánh rừng: Nỗi niềm của những người giữ rừng (Bài 3) (Hình 2).

Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yók Đôn làm việc không kể ngày đêm để ngăn chặn rừng "chảy máu".

Thế nhưng, trong quá trình điều tra, các đối tượng vẫn khăng khăng, đổ vạ cho anh Hào dùng súng bắn người bị thương. Tuy nhiên, kết quả giám định vết thương sau đó khẳng định, vết thương của đối tượng do cây xuyên vào chứ không phải kiểm lâm dùng súng bắn.

Liên quan đến vụ việc này, có 5 đối tượng bị xử phạt mức án từ 2 năm tù trở lên, 2 đối tượng còn lại chưa đủ tuổi nên đưa về cộng đồng giáo dục. Đây cũng là vụ án cam go và đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm kiểm lâm của Hào.

Tiếp đó, năm 2012, lúc đó khoảng 10h đêm, trong lúc đi tuần tra, anh Hào và một đồng nghiệp bắt được một chiếc xe tải đang vận chuyển gỗ từ trong rừng ra nên đã báo cho lãnh đạo vườn vào đưa phương tiện và tang vật về làm việc, lập biên bản.

2 ngày sau, trong lúc làm việc tại Hạt Kiểm lâm Yók Đôn, dù không có cơ sở nhưng chủ xe tải bất ngờ vu vạ cho Hào lấy trộm 1 lốp sơ cua của xe tải, 1 đèn xe và dụng cụ để nâng bánh xe lên. Ngay tối hôm đó, căn nhà của gia đình anh Hào đối diện với cổng Vườn Quốc gia Yók Đôn đã bị một số đối tượng dùng bom xăng đốt lúc 2h sáng nhưng may mắn được dập tắt kịp thời.

Dân sinh - Phía sau những cánh rừng: Nỗi niềm của những người giữ rừng (Bài 3) (Hình 3).

Một người phụ nữ vào rừng khai thác gỗ bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, bắt giữ. 

Cũng trong năm 2012, khi đang là Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động của Vườn quốc gia Yók Đôn, anh Hào nhận được chỉ đạo dẫn lực lượng ra Tỉnh lộ 1 chặn xe ô tô của các đối tượng lâm tặc đang vận chuyển gỗ từ trong Vườn ra. Khi tổ công tác vừa tới nơi thì bị một đối tượng cầm dao chạy lại chỉ vào mặt đe dọa.

Thấy vậy, anh Hào lui vào trong thì tiếp tục bị một đối tượng khác dùng gậy vụt vào lưng. “Chứng kiến toàn bộ vụ việc, vợ con, người thân không ngừng khuyên ngăn tôi bỏ nghề để bảo toàn tính mạng”, anh Hào chia sẻ.

Anh Hào còn kể, có lần, cả gia đình anh đang đi trên xe ô tô thì bị một nhóm đối tượng chặn đường, đe dọa giết cả gia đình. Cho đến khi lực lượng công an chạy đến thì gia đình anh Hào mới được giải vây. Đỉnh điểm, có lần, các đối tượng còn đe dọa nếu không cho khai thác gỗ thì họ sẵn sàng giết vợ con của anh.

Hay vào cuối năm 2013, anh Hào nhận được thông tin có 10 người đi xe ô tô chở gỗ từ bãi tập kết gần sông Sêrêpốk (thuộc buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk).

Sau khi nhận lệnh, anh dẫn thêm 6 đồng nghiệp của Đội Kiểm lâm cơ động chạy đến hiện trường để ngăn chặn. Khi tổ công tác vừa đến nơi thì bị các đối tượng dùng đá cục tấn công. Để đảm bảo an toàn, anh Hào yêu cầu các đồng nghiệp nhảy ra khỏi xe. Thấy vậy, nhiều đối tượng dùng gậy tre tấn công khiến 3 cán bộ kiểm lâm bị thương, trong đó có anh Hào.

Đối diện với quá nhiều áp lực, năm 2015, anh Hào xin xuống làm nhân viên kiểm lâm của Vườn quốc gia Yók Đôn để gia đình, vợ con được sống yên ổn.

Dân sinh - Phía sau những cánh rừng: Nỗi niềm của những người giữ rừng (Bài 3) (Hình 4).

Vườn Quốc gia Yók Đôn được xem rừng khộp “độc nhất vô nhị” của Việt Nam.

Thiếu thốn đủ đường

Không chỉ đổ máu, để giữ bình yên cho những cánh rừng, lực lượng bảo vệ rừng còn phải sống kham khổ, thiếu thốn, thậm chí phải hy sinh hạnh phúc của riêng mình.

Theo đó, họ phải túc trực hàng ngày, hàng giờ trong rừng để tuần tra, kiểm soát, tìm các dấu vết vi phạm. Thế nhưng, các đối tượng lâm tặc vẫn theo dõi, lợi dụng thời điểm cán bộ kiểm lâm về ăn trưa, buổi tối để xâm phạm vào rừng. Thậm chí, nhiều đối tượng ẩn trú trong các chòi rẫy của người dân để vào rừng khai thác gỗ, săn bắt, hái lượm.

Dân sinh - Phía sau những cánh rừng: Nỗi niềm của những người giữ rừng (Bài 3) (Hình 5).

Lực lượng kiểm lâm khiêng xe máy qua suối để đi tuần tra.

Vì lẽ đó, nhiều đêm, các cán bộ kiểm lâm phải dùng võng làm nhà di động, ăn ở lại trong rừng để ngăn chặn các hành vi vi phạm. Anh Nguyễn Văn Hào, cán bộ Trạm Kiểm lâm số 7, Vườn quốc gia Yók Đôn chia sẻ: “Cách đây hơn 10 năm, nhiều khi chúng tôi phải đi tuần tra, truy quét trong rừng 15 ngày mới trở về đơn vị. Để đủ lương thực trong thời gian đi tuần tra, chúng tôi phải tính toán chi li từng lạng gạo. Nhiều khi, bữa ăn trong rừng của anh em chỉ có cơm trắng với muối ớt, hay gói mì tôm ăn sống cho đỡ đói. Do không thể liên lạc với người thân, gia đình nên có lần, sau 15 ngày chờ đợi không thấy chồng trở về, vợ tôi suýt nữa đòi li dị”.

Cũng vì sống ở trong rừng nhiều hơn ở nhà, không có thời gian chăm sóc gia đình nên anh Ngô Lê Nhật Tiến, Phó Trạm trưởng Trạm số 7, Vườn quốc gia Yók Đôn đành phải chấm dứt cuộc hôn nhân sau 8 năm kết hôn.

Anh Tiến tâm sự: “Năm 2012, sau 3 năm vào ngành, tôi lập gia đình để yên bề gia thất. Tuy nhiên, do tính chất công việc, mỗi tháng, tôi chỉ được về với gia đình 4 ngày và không có ngày lễ, Tết, hay cuối tuần nên mọi việc trong gia đình đều do vợ gánh vác, đảm nhận. Không có thời gian gần gũi để hiểu nhau nên 2 vợ chồng ngày càng phát sinh nhiều mâu thuẫn. Do đó, năm 2020, tôi và vợ chính thức chia tay, đến nay không dám nghĩ đến việc tìm hạnh phúc mới vì sợ lại làm khổ thêm một người nữa”.

Dân sinh - Phía sau những cánh rừng: Nỗi niềm của những người giữ rừng (Bài 3) (Hình 6).

Những bữa cơm đạm bạc giữa rừng.

Không riêng gì anh Tiến, được biết, trong vòng 5 năm gần đây, có 15 cặp vợ chồng là cán bộ Vườn quốc gia Yók Đôn phải đi đến quyết định chia tay, ly hôn.

Khó khăn, áp lực là vậy nhưng thực tế mức thu nhập của lực lượng bảo vệ rừng vẫn chưa được đảm bảo để ổn định cuộc sống. Anh Hào cho biết, anh vào ngành từ ngày 1/8/1996, với mức thu nhập lúc đầu là 70.000 đồng/tháng. Sau khi được biên chế, mức thu nhập của anh là 170.000 đồng/tháng. Đến nay, sau hơn 27 năm công tác nhưng tổng thu nhập cũng chỉ hơn 12 triệu đồng/tháng.

Dân sinh - Phía sau những cánh rừng: Nỗi niềm của những người giữ rừng (Bài 3) (Hình 7).

Bữa ăn của lực lượng bảo vệ rừng nhiều khi chỉ là gói mì tôm sống.

Dân sinh - Phía sau những cánh rừng: Nỗi niềm của những người giữ rừng (Bài 3) (Hình 8).

Các cán bộ Trạm Kiểm lâm số 11, Vườn quốc gia Yók Đôn trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn. 

Tượng tự, công tác trong ngành lâm nghiệp đến nay đã 11 năm nhưng tổng thu nhập của anh Hồ Sỹ Hà, nhân viên Trạm kiểm lâm số 2, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô chỉ có hơn 6 triệu đồng/tháng. Hay anh Lê Tấn Hoàng, nhân viên Trạm Kiểm lâm số 8, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã công tác trong ngành 16 năm nay nhưng mức thu nhập cũng chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng.

Vườn Quốc gia Yók Đôn được xem rừng khộp “độc nhất vô nhị” của Việt Nam, với diện tích 115.545ha nằm trên 3 huyện, 2 tỉnh, phía Tây giáp ranh Campuchia với chiều dài hơn 70km. Ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Yók Đôn cho biết, đặc thù của Vườn là tương đối bằng phẳng, không có rừng tiếp giáp, không có đường độc đạo nên nơi nào cũng vào được rừng. Không chỉ vậy, 3 cạnh của rừng tiếp giáp ruộng rẫy của bà con, khu dân cư. Mặt khác, trên đường biên giáp với nước bạn Campuchia, có Quốc lộ 14C đi qua rừng, giao thông thuận lợi nên việc “chộp giật” tài nguyên rừng dễ xảy ra. 

Hơn thế nữa, diện tích đất đai xung quanh khu vực Vườn quốc gia Yók Đôn đóng chân rất khô cằn, kém màu mỡ nên việc canh tác nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn, năng suất thấp. Đặc biệt, trong vùng lõi của vườn có một buôn (làng) người đồng bào dân tộc tại chỗ. Từ đó, dẫn đến những áp lực lên rừng rất lớn...

Còn nữa...

Khánh Ngọc

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.