Thời gian gần đây, dư luận lên tiếng gay gắt về phim Việt cho rằng điện ảnh Việt Nam đang rơi vào xu hướng "mì ăn liền". Đặc biệt là sự cẩu thả trong diễn xuất của các diễn viên nên "đùn ra" trên màn ảnh những nhân vật ngây ngô đến nỗi "xem mà tức anh ách".
Trên các diễn đàn công luận, nhiều ý kiến đặt câu hỏi: Tại sao ngày xưa điều kiện vật chất, kỹ thuật thua kém rất nhiều nhưng vẫn có những bộ phim những vai diễn cho đến ngày nay người xem vẫn nức nở khen.
Đạo diễn Quốc Trọng hiện nay
Ngủ mơ thấy Vũ Trọng Phụng vì đóng Xuân Tóc Đỏ
Ở tuổi 55, đạo diễn Quốc Trọng là một tên tuổi "khủng" trong điện ảnh Việt Nam với những tác phẩm gây nhiều tiếng vang như: Bí thư tỉnh ủy, Ngõ lỗ thủng, Đường đời, Mùa lá rụng, Huơng đất, Một lần đi bụi…
Nhưng theo ông thì chính vai diễn Xuân Tóc Đỏ mới chính là cái mốc đầu tiên giúp cái tên Quốc Trọng được mọi người biết đến. Tuy được giao vai một cách ngẫu nhiên nhưng với vốn kiến thức về các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng trước đó, đạo diễn Quốc Trọng "hiểu Xuân Tóc Đỏ đến từng sợi lông".
Năm 1989, khi bộ phim Số Đỏ khởi quay, đạo diễn Quốc Trọng lúc đó đang là sinh viên khóa 2 lớp diễn viên điện ảnh. Anh vừa "thoát thân" từ một kĩ sư cơ khí, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng niềm đam mê nghệ thuật thì có thừa. Công việc ban đầu của anh ở đoàn làm phim là trợ lý trường quay.
Hồi đó, đạo diễn Hà Văn Trọng đã lùng sục khắp nơi để tìm kiếm người vào vai Xuân Tóc Đỏ. Bao nhiêu người đến thử rồi lại ra đi sau cái lắc đầu ngán ngẩm của đạo diễn. "Lúc đó mình thèm vai này lắm, và nghĩ rằng sẽ đóng đuợc nhưng không dám nói vì... sợ. Xuân Tóc Đỏ là vai diễn có nhiều yếu tố trào phúng. Tuy nhiên bản chất của anh ta không phải là hề. Nếu dùng cái hề để đóng nhân vật này thì không thể thành công được".
"Sau nhiều ngày ấp ủ, một hôm tôi mạnh dạn nói với đạo diễn Hà Văn Trọng: "Cháu đóng vai này có khi còn hay hơn". Cụ Hứa Văn Định, lúc đó cũng tham gia cố vấn, quay ra nhìn tôi chăm chú pha lẫn ngạc nhiên: "ờ ta quên mất thằng này cũng là diễn viên đấy, cho nó thử xem sao!". Thế là tôi bén duyên với Xuân Tóc Đỏ. Sau khi tôi thử vai xong, một người trong đoàn làm phim nói to lên: "Thì ra Xuân Tóc Đỏ ở ngay đây mà ta không biết".
Đạo diễn Quốc Trọng giải thích: "Thực ra sự thất bại của những người trước đó là do họ chưa hiểu nhiều về nhân vật Xuân Tóc Đỏ cũng như tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Truớc khi đóng vai này, tôi có dịp đọc rất nhiều tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Vì đọc sách là thú vui và đam mê lớn nhất của tôi lúc đó.
Ngày ấy, thư viện Hà Nội nhẵn mặt và tên tôi. Sách còn hiếm, người ta không cho mượn về thì chỉ còn một cách là lên đó mà đọc. Thế hệ chúng tôi ngày đó chỉ có đọc sách, nhờ thế mà vốn sống, kinh nghiệm cũng đuợc tích lũy nhiều hơn. Tôi còn nhớ cách sinh viên chúng tôi chuyền sách cho nhau. Mỗi nguời sau khi đọc xong sẽ phải chép lấy mười trang mà mình thích nhất. Rồi tập hợp thành từng quyển. Người sau đọc và nghiên cứu tác phẩm nhiều khi qua những cuốn sách viết tay đặc biệt như thế. Nhưng mà quý giá và sâu sắc lắm".
Ám ảnh Xuân Tóc Đỏ
Đạo diễn Trần Quốc Trọng nhớ lại những ngày tháng khó quên trong quãng đời đầu tiên của nghiệp diễn. "Khi đạo diễn tuyên bố được vào vai Xuân Tóc Đỏ, tôi còn không tin vào tai mình. Đêm về không ngủ được vì sướng. Thế nhưng suớng chưa được bao lâu thì... khổ. Ngày đó đóng phim vất vả lắm, thiếu thốn đủ bề. Lúc vào vai Xuân Tóc Đỏ tôi chỉ có 47 kg. Thế mà suốt ngày phải bế hết cô này, đến bà nọ nên xương khớp cứ rã hết cả ra".
Bà "Phó Đoan" và "Cô Tuyết" lúc đó đều xấp xỉ 62 kg. Nhân vật đóng bà Phó Đoan là diễn viên gạo cội nên chị ấy rất biết cách để mình bế được dễ nhất. Còn "cô Tuyết ngây ngây thơ thơ" thì diễn bế là cứ thế đứng như trời trồng mặc cho mình làm gì thì làm. Cái thân 47kg mà vác xong 62kg thì cứ phải nói là nhừ, bê người mà cứ như bê bao gạo. Xong "đúp phim" nào với Tuyết là tôi thở không còn ra hơi".
Đạo diễn Quốc Trọng trong vai Xuân Tóc Đỏ
Đạo diễn Trần Quốc Trọng tâm sự: "Trong cuộc đời làm phim, có lẽ đây là vai diễn ám ảnh nhiều nhất. Khi chúng tôi làm phim (1989) cũng là kỉ niệm 50 năm ngày sinh của Vũ Trọng Phụng (1912-1939). Ông mất khi tuổi đời còn quá trẻ, khi tài năng đang nở rộ. Cuộc đời của ông vua phóng sự đất Bắc này cũng có nhiều bi kịch, ngang trái, ngay cả khi ông không còn trên cuộc đời. Một thời gian dài, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng không được in, không được đọc. Mãi đến những năm cuối thập niên 80, người ta mới "cởi trói" cho chúng. Vào vai Xuân Tóc Đỏ, có những lần tôi đọc thâu đêm, suốt sáng tác phẩm của ông. Từ tiểu thuyết đến phóng sự, kí sự và thấy cả một thời đại, một xã hội Việt Nam nóng bỏng thời đó. Rồi những đêm tôi mộng mị, mơ thấy ông, nghe ông nói chuyện về các tác phẩm của mình. Chuyện tìm kiếm nhân vật một cách tình cờ, bất ngờ và những thành công ngoài sức tưởng tượng như thể được cụ phù trợ, bảo hộ.
Những ngày phim ra rạp chiếu là những ngày cả đoàn phim hạnh phúc nhất, vì lần nào cũng cháy vé. Công an đứng dày đặc vì sợ vỡ rạp. Riêng bản thân tôi, ở mỗi rạp, trong mỗi lần chiếu đều có tiêu chuẩn 5 vé nhưng vẫn không có đủ để cho bạn bè, người thân. Không phải vì họ không đủ tiền mà là không thể chen chân để mua vé. Đó là niềm vui lớn nhất của người làm phim.
> Đọc thêm: Gia đình Lã Thanh Huyền 'xử ép' con dâu?
ĐB