Trở về nước sau thảm bại tại Ba Lan - Ukraine, thuyền trưởng Laurent Blanc đã bị thanh lý hợp đồng. Song, chiến lược gia này chắc chắn không phải là người phải trả giá cuối cùng.
Thông báo chính thức của Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) khẳng định, hàng loạt ngôi sao đình đám khác của đội tuyển sẽ bị kỷ luật nặng. Tuyên bố này đã được dự báo từ trước, nhưng động cơ của nó thì đang khiến dư luận Pháp nghi ngờ nhằm phục vụ cho một lợi ích khác của chính tân chủ tịch FFF Noel Le Graet.
Từ trái qua phải Samir Nasri, Jeremy Mezes, Ben Arfa và Yann M'Vila
Tại sao là họ?
Câu hỏi ấy đã được tờ L’Equipe đặt ra và không khó để những người theo dõi hành trình của tuyển Pháp tại Euro 2012 tìm câu trả lời. Samir Nasri, Ben Arfa, Yann M’Vila và Jeremy Menez là những nhân tố chính gây nên hàng loạt chuyện lùm xùm, làm hoen ố hình ảnh đội tuyển Pháp trong hành trình Euro thất bại. Hàng loạt scandal xuất phát từ họ, thậm chí đã bị người hâm mộ đội bóng áo Lam ví von là thảm họa lịch sử, là trò hề đáng xấu hổ nhất sau kỳ World Cup đầy rẫy scandal trên đất Nam Phi hai năm trước.
Lật lại khoảng thời gian diễn ra Euro 2012, rắc rối bắt đầu ập lên đầu tuyển Pháp từ sau thảm bại 0-2 trước Thụy Điển ở trận cuối cùng vòng bảng. Trong phòng thay đồ sau đó, Nasri đã bị Alou Diarra chỉ trích vì lối chơi ích kỷ. Lời qua tiếng lại, cả hai suýt nữa đã lao vào nói chuyện bằng nắm đấm với nhau.
Không dừng lại ở đó, Ben Arfa - người bị thay ra ở phút 59 của trận đấu, cũng nổi khùng chỉ mặt huấn luyện viên Blanc nói rằng ông đã trùm úm mình. Trước mặt các thành viên đội tuyển và ban huấn luyện, Ban Arfa còn không ngại thách thức: “Blanc, nếu không dùng tôi thì có giỏi hãy đuổi tôi về nước. Toàn bộ câu chuyện đáng xấu hổ ấy đã được L’Equipe tiết lộ, khiến dư luận Pháp được một phen chấn động.
Đến trận tứ kết gặp Tây Ban Nha, những trò lố lại tiếp tục được lặp lại. Ngay trong thời gian khởi động, Nasri M’Vila Menez đã bị phát hiện có hành động trêu ghẹo rất thiếu văn hóa dành cho Sara Carbonero, phóng viên đài truyền hình Telecinco đang tác nghiệp dưới sân. Điều đáng nói, Sara là bạn hứa hôn của đội trưởng Iker Casillas bên phía tuyển Tây Ban Nha.
Đoạn băng ghi lại toàn bộ chuỗi hành động này sau đó cũng bị đẩy lên You Tube, khiến lãnh đạo FFF phải lên tiếng xin lỗi thay các tuyển thủ. Sau khi trận đấu gặp Tây Ban Nha kết thúc, chính Nasri, trên đường rời sân còn gây gổ chửi bới và suýt hành hung phóng viên nước chủ nhà đang tác nghiệp.
Với một chuỗi hành động đáng xấu hổ ấy, thì việc FFF lôi cả Nasri, Menez, M’Vila và Ben Arfa ra kỷ luật không khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng điều khiến dư luận Pháp đặt câu hỏi, lại nằm ở thái độ sốt sắng của chính Chủ tịch FFF Le Graet và hơn thế là những câu chuyện thuộc hàng thâm cung bí sử phía sau một án kỷ luật dự báo nặng nề dành cho nhóm tuyển thủ vi phạm.
“Động cơ ngoài bóng đá
Nghi ngờ của người hâm mộ Pháp bắt nguồn từ một sự kiện diễn ra song song với vòng chung kết Euro 2012. Ngày 19/6/, tức là chỉ vài ngày trước thời điểm Pháp đối đầu Tây Ban Nha, nội bộ Liên đoàn bóng đá Pháp diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch. Một cuộc lật đổ không tưởng đã xảy đến ở đó, khi Noel Le Graet lật đổ đương kim Chủ tịch FFF, ông Fernand Duchaussoy.
Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm công khai, Graet nhận được 54,39% số phiếu ủng hộ còn Fernand Duchaussoy chỉ có 45,50%. Thất bại ấy của ông Fernand đã làm cả nước Pháp ngỡ ngàng, bởi chính khách 68 tuổi được nhận định là người có công lớn giúp bóng đá nước nhà vượt cơn khủng hoảng tồi tệ hơn một năm trước. Bên cạnh đó, Fernand Duchaussoy còn mang về bản hợp đồng kỷ lục 374 triệu USD với Nike, đồng thời tạo ra ảnh hưởng cực lớn trong làng bóng đá nước này.
Hạ đối thủ một cách ngoạn mục, nhưng chiến thắng của tân Chủ tịch Noel Le Graet cũng vì thế mà vấp phải rất nhiều xì xào. Nhiều nguồn tin đồn đoán ông đã dùng võ nơi hậu trường để tiếm quyền. Trong khi số khác cho rằng chẳng sớm thì muộn, Le Graet cũng không trụ nổi trên ghế nóng. Giữa những tiếng xì xào ấy, Le Graet hiểu rằng ông cần phải tìm kiếm sự ủng hộ của giới truyền thông, đồng thời tạo ra dấu ấn cá nhân mạnh mẽ để cải tổ bóng đá Pháp để củng cố vị trí của mình. Cơ hội tuyệt vời đã đến, khi đội tuyển Pháp thảm bại trở về từ Euro 2012.
Laurent Blanc, chiến lược gia đã làm được rất nhiều việc cho tuyển Pháp kể từ năm 2010 bị loại. Bởi Le Graet không muốn tiếp tục sử dụng di sản do người tiền nhiệm Fernand Duchaussoy để lại. Trong khi đó, bất chấp việc Nasri tỏ ra ăn năn bằng hành động họp báo xin lỗi đông đảo dư luận, việc đưa ra một án phạt nghiêm khắc cho ngôi sao này và nhóm tuyển thủ vi phạm còn lại hứa hẹn sẽ giúp cải thiện đáng kể hình ảnh của Le Graet, với tư cách một Chủ tịch nghiêm khắc, sẵn sàng đấu tranh để đưa bóng đá Pháp tiến lên.
Bởi phân tích ấy, L’Equipe và hàng loạt tờ báo lớn của Pháp đều tin rằng, nhóm 4 tuyển thủ sẽ không có cơ hội được ân xá. Nasri buộc phải đối mặt cùng án treo giò đội tuyển 2 năm. Còn với Menez, M’Vila và Arfa, tương lai của họ trong màu áo Lam cũng trở nên tăm tối hơn bao giờ hết. Bởi sau đây, liệu có HLV nào muốn làm trái ý ngài chủ tịch để triệu tập những mầm nội loạn.
Graet bỏ quên một scandal của Evra Quyết xử các ngôi sao vi phạm, nhưng dư luận Pháp lại tin rằng Le Graet đã bỏ quên scandal tồi tệ khác của hậu vệ Patrice Evra. Trong một trận giao hữu trước thềm Euro 2012, Evra đã dùng áo đội tuyển lau mông rồi đưa lên mũi ngửi. Hành động của Evra đã bị fan hâm mộ Pháp phản đối kịch liệt, vì tin rằng đó là sự sỉ nhục với chiếc áo thiêng liêng của đội tuyển quốc gia. |
Gia Minh