Sắp kết thúc quý đầu tiên trong năm 2013, trước một thị trường chứng khoán tiếp tục khó khăn và lao đao với những tin đồn, không ít sếp công ty chứng khoán đã từ nhiệm, rời ghế nóng. Chỉ còn duy nhất một chi nhánh còn hoạt động trong nước, nhưng công ty chứng khoán Sacombank (SBS) cũng tiến hành thay đổi giám đốc ngay trong quý đầu năm 2013. Sau 14 tháng tại nhiệm, ông Hoàng Thanh Tuấn đã bị đình chỉ công tác, và phải giao lại ghế điều hành cao nhất của SBS cho ông Mạc Hữu Danh, phó tổng giám đốc trước đó.
Sau thua lỗ, SBS tiếp tục làm "nóng" thị trường với thông tin thay ghế lãnh đạo. |
Từng là ông lớn với quy mô vốn điều lệ ngày lên sàn đứng thứ 4 trên thị trường và thuộc top 3 thị phần môi giới chứng khoán năm 2009, hình ảnh của SBS giờ đây chỉ còn là cái bóng của chính mình. Dưới thời hai tổng giám đốc tiền nhiệm là ông Lê Bá Hoàng Quang và ông Hoàng Thanh Tuấn, SBS không có kết quả hoạt động như mong đợi. Không chỉ thay giám đốc chi nhánh, SBS thậm chí còn cắt lương, thưởng của HĐQT và ban kiểm soát của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm vì kinh doanh thua lỗ. Với kế hoạch chấm dứt hoạt động của chi nhánh tại Campuchia trong tháng 3 này, thêm một sếp nữa của SBS cũng đứng trường nguy cơ phải rời "cuộc chơi" sớm.
Trước và sau vụ việc SBS thay ghế lãnh đạo, nhiều công ty chứng khoán khác cũng có sự đổi ngôi trên 2 vị trí giám đốc và phó giám đốc. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013, trên website của 2 sở giao dịch đã có 10 công ty chứng khoán đã đưa ra thông báo miễn nhiệm hoặc thay đổi người đứng đầu chi nhánh, công ty như Chứng khoán Hòa Bình, Chứng khoán Thiên Việt... Ngay cả chiếc ghế chủ tịch của Chứng khoán Phương Nam cũng đổi chủ, khi con trai của đại gia Trầm Bê - Trầm Khải Hòa - rời vị trí, trước khi công ty này miễn nhiệm giám đốc tài chính và đóng cửa một chi nhánh.
Theo thông báo của các công ty, hầu hết các vị trí này đều ra đi một cách tự nguyện, với lý do cá nhân thay vì sức ép từ phía công ty. Làn sóng tái cơ cấu nhân sự theo hướng thu hẹp trong 6 tháng gần đây đã tác động không chỉ tới nhóm nhân viên, mà còn quét qua cả những cấp lãnh đạo tầm trung và cao cấp của các công ty chứng khoán.
Giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ, nếu như thời điểm cuối năm 2011, áp lực với CEO chủ yếu là tái cơ cấu, vạch phương hướng để giữ công ty vượt qua khủng hoảng thì trong năm nay, an toàn tài chính và tái cấu trúc danh mục đầu tư là yêu cầu đặt ra với tất cả các sếp đang giữ ghế nóng ở công ty chứng khoán.
"Trong khi áp lực lợi nhuận từ phía cổ đông là thường trực, giám đốc công ty chứng khoán cũng phải lo cả những vấn đề pháp luật, và những yêu cầu mới khắt khe hơn từ phía Ủy ban Chứng khoán, đặc biệt là về các chỉ tiêu tài chính. Chưa kể tới việc thu nhập sa sút, không còn nhiều cơ hội trong nghề, và bảng thành tích với nhiều lần không hoàn thành kế hoạch cũng khiến nhiều người lựa chọn tự rời cuộc chơi sớm", vị này cho hay.
Trước làn sóng thay tướng ồ ạt của các công ty chứng khoán, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng đây là hoạt động trong nội bộ các công ty, có liên quan đến việc đổi chủ các công ty này. "Ngay cả việc HĐQT thay ghế cũng là nguyên nhân khiến nhiều sếp chứng khoán phải ra đi, vì ông chủ mới cũng đồng nghĩa với những kế hoạch mới, dễ nảy sinh mâu thuẫn với ban điều hành cũ. Ví như nếu chứng khoán Xuân Thành không còn trong tay bầu Thụy nữa, có lẽ cũng sẽ có một ban giám đốc nữa phải ra đi", chuyên gia này chia sẻ.
Theo Infonet