Park Ji Sung không hề muốn rời khỏi Manchester United (MU). Nhưng sau một cuộc hội đàm trong phòng điều hành của đội bóng khổng lồ nước Anh, quyết định đầy bất ngờ đã được đưa ra.
Ngôi sao bóng đá thành công nhất châu Á thập kỷ qua, một biểu tượng từng giúp Manchester United khai phá thị trường Hàn Quốc giàu có, đã phải tức tưởi khăn gói đến Queen Park Rangers. Vụ chuyển nhượng sẽ giúp Manchester thu về tối đa 7,5 triệu bảng. Nhưng đằng sau nó, người ta còn thấy lờ mờ những toan tính “sặc mùi” tiền bạc khác của đội bóng nước Anh
Park Ji Sung không còn là cầu thủ MU
Cuộc ra đi tức tưởi
Những con số thống kê không biết nói dối. 7 năm sau ngày chuyển đến Manchester United từ PSV Eihovend, Park Ji Sung đã trải qua tổng cộng 274 trận, ghi 27 bàn thắng. Cùng “gia tài” đồ sộ ấy, thành tích đến với ngôi sao Hàn Quốc có 3 lần vào chung kết Champions League (một lần vô địch), 4 lần lên ngôi tại giải Ngoại hạng Anh và nhiều danh hiệu khác. Bảng thành tích ấy như một lời khẳng định: Park ở Manchester United không phải “người thừa”, chỉ xuất hiện với vai trò… bán áo.
Thương hiệu MU tăng giá 2 tỷ bảng từ khi có Park Thật trùng hợp, năm 2005 (thời điểm Park gia nhập MU) cũng là lúc đội bóng này rơi vào tay gia đình nhà tài phiệt Glazer. Thời điểm đó, Glazer đã vay 525 triệu bảng để mua toàn bộ cổ phiếu và trở thành sở hữu của CLB khổng lồ này. 7 năm sau, theo định giá của Forbes, MU có thể đáng giá 2,57 tỷ bảng, nếu họ thực hiện thành công các vụ IPO tại Mỹ và Singapore. Như vậy, trong 7 năm sở hữu Park Ji Sung, giá trị MU đã tăng lên 2 tỷ bảng, một kỷ lục. |
Nhưng sau khi đã gắn bó bên nhau đến 7 năm, được nâng lương nhiều lần (Park hiện lĩnh lương 70.000 bảng/tuần), được nhiều fan hâm mộ thành phố Manchester yêu mến và chưa một lần bày tỏ ý định rời bỏ đội bóng, Park đột nhiên nhận được thông báo rằng anh sẽ “không còn là một phần trong kế hoạch tiếp theo của Sir Alex Ferguson”. Park Ji Sung đã từ chối bình luận về thông báo có vẻ phũ phàng này. Song điều chắc chắn là không giống như cách anh nhận lời nhanh chóng về Queen Park Rangers, thâm tâm Park nặng trĩu cảm giác của một người bị phụ bạc.
Một vài nguồn tin thân cận từ sân Old Trafford nhận định, có thể lãnh đạo Manchester United đã không thể cưỡng nổi sức hấp dẫn của lời đề nghị lên đến 7,5 triệu bảng từ Queen Park Rangers giành cho Park (trong đó, 5 triệu bảng trả ngay và 2,5 triệu trả theo phong độ). Con số ấy rõ ràng là quá hời, nếu xét đến việc Park năm nay đã 31 tuổi và gần như chẳng đóng góp được gì về chuyên môn cho Manchester United suốt cả mùa trước vì chấn thương dài hạn. Hơn thế, 7 năm trước, Sir Alex Ferguson cũng chỉ mất có 4 triệu bảng để có Park ở đỉnh cao phong độ.
Song, khi Park Ji Sung im lặng, chấp nhận rời Manchester, người ta tin rằng sự kết thúc này không chỉ đơn thuần từ vấn đề chuyên môn hay do Queen Park Rangers giúp MU kiếm lời 1-2 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng. Park ra đi, bởi những chuyên gia makerting hàng đầu của MU biết rằng anh không còn bất kỳ vai trò nào nữa của đội bóng này trong việc đảm bảo hình ảnh của một ngôi sao hàng đầu, một cỗ máy kiếm tiền tại châu Á. Vai trò ấy, bây giờ đã thuộc về một cầu thủ khác: Bản hợp đồng trị giá 17 triệu bảng đến từ Nhật Bản, Shinji Kagawa.
Kagawa là “con bài tẩy” khiến MU quyết định đẩy Park ra đường
Quy luật đào thải khắc nghiệt
Nhìn vào đội hình của MU, người ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng chính sách phát triển trên quy mô toàn cầu mà các ông chủ người Mỹ áp dụng. Tại nước Anh, Quỷ đỏ (biệt hiệu của MU) có Wayne Rooney – ngôi sao xuất chúng nhất mà bóng đá xứ sương mù sản sinh ra trong một thập kỷ qua. Tại Nam Mỹ, MU có Antonio Valencia, Rafael, Anderson. Ở Mexico, Javier Hernandez giúp đội bóng nước Anh thu hút một lượng người hâm mộ đông đảo.
Tại châu Á, nơi có hàng tỷ người quan tâm đến bóng đá, Ferguson từng có Park Ji Sung. Họ đều là những người tạo ra nền tảng vững chãi về mặt thương hiệu và giúp Manchester kiếm bộn tiền. Nhưng trong chiến lược phát triển lâu dài, Park Ji Sung – một cầu thủ đã 31 tuổi, bị hành hạ liên miên bởi chấn thương và sa sút phong độ, rõ ràng là biểu tượng cần sự thay thế dài hạn khác.
Trong toan tính này, sự xuất hiện của Shinji Kagawa, cầu thủ mới 25 tuổi nhưng đã nổi như cồn tại Bundesliga (giải vô địch quốc gia Đức) và cả đội tuyển Nhật Bản, rõ ràng là một sự lựa chọn không thể lý tưởng hơn. Nhiều nguồn tin khẳng định, Manchester United đã nhắm đến Shinji Kagawa từ mùa hè 2011, song đã bị Borussia Dortmund chối từ.
Đấy cũng chính là lý do bộ sậu lãnh đạo MU còn giữ Park Ji Sung lại thêm một mùa giải. Còn năm nay, khi bản hợp đồng trị giá lên đến 17 triệu bảng đã hoàn tất, thì MU chẳng còn cần đến Park Ji Sung nữa. Anh đã hết tác dụng, với vai trò “đại sứ thương hiệu” của MU tại châu Á. Vậy thì, việc Park phải ra đi, như hệ quả tất yếu của quy luật đào thải khắc nghiệt cũng là điều dễ hiểu.
Với Kagawa, chiến lược phát triển toàn cầu của MU vẫn được bảo đảm. Nhưng sau cuộc ra đi thầm lặng của Park Ji Sung, người ta hiểu hơn rằng trong bóng đá chuyên nghiệp thời nay, chữ tình chẳng mấy giá trị khi đặt bên cạnh những toan tính kiếm tiền của các ông chủ. Manchester United từng tung hô Park lên tận “mây xanh” rồi thẳng tay ném anh ra cửa ngay khi họ có “quân bài” thay thế hoàn hảo hơn. Vậy thì hãy tin rằng, Kagawa, rồi cũng sẽ có lúc bị đối xử tương tự nếu anh không còn giá trị thương mại để sử dụng.
Vì sao Park Ji Sung chưa muốn về quê Trước khi về đầu quân cho Queen Park Rangers, Park Ji Sung từng được “gợi ý” trở về Hàn Quốc thi đấu. Hàng tá CLB ở quê nhà đã liên hệ và sẵn sàng trả giá cao hơn cả Queen Park Rangers để có chữ ký của tiền vệ 31 tuổi này. Nhưng cuối cùng, Park Ji Sung đã lựa chọn giải pháp ở lại nước Anh. Ngôi sao này tin rằng anh vẫn còn khả năng trụ lại Premier League. Nhưng ngoài lý do chuyên môn, Park lý giải anh chưa muốn về Hàn Quốc bởi lo ngại cuộc sống bị đảo lộn. Tại quê nhà, Park quá nổi tiếng và mỗi hành động của anh sẽ bị giới truyền thông đeo bám không rời. Còn tại Anh quốc, Park nói rằng anh có thể làm những gì mình thích và thoải mái ra đường mua sắm, đi dạo một cách bình dị. |
Gia Minh