Theo cáo trạng của VKSND tỉnh C, khoảng 3h ngày 5/10, anh Đỗ Văn (35 tuổi, ngụ ấp L, xã P, huyện P, tỉnh C) đi kiểm tra vuông tôm thì phát hiện Đặng Việt (52 tuổi, ngụ cùng ấp) đang bắt trộm tôm.
Sẵn khúc gỗ trên tay, anh Văn đánh Việt. Việt giật được khúc gỗ và đánh lại khiến anh Văn bất tỉnh, té xuống vuông, ngạt nước và tử vong. Gây án xong, Việt bỏ về nhà.
Sáng cùng ngày, người thân của anh Văn ra thăm vuông tôm thì thấy thi thể anh này nằm úp mặt xuống nước, đầu và mặt có nhiều vết thương. Sự việc được báo cho công an địa phương.
Qua điều tra, cơ quan điều tra xác định Đặng Việt là hung thủ gây án nên đã tiến hành bắt giữ. Sau khi bị bắt, Việt thừa nhận mình gây ra cái chết cho anh Văn khi đang trộm tôm của anh này.
Với những hành vi trên, VKS quyết định truy tố bị can Đặng Việt về tội Giết người theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 93, BLHS năm 2009.
Ngày 15/12, TAND tỉnh C mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Lâm Thao. Đại diện VKS, kiểm sát viên Đỗ Văn Thủy. Luật sư Lê Thu Hương, đoàn luật sư H.N, bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại Văn. Luật sư Văn Quốc Bảo, đoàn luật sư tỉnh C bào chữa cho bị cáo Đặng Việt. Gia đình bị hại Đỗ Văn.
VKS: Nạn nhân tử vong vì bị cáo quá vô cảm
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Đặng Việt khai nhận khi đang bắt trộm tôm thì bị anh Văn bắt quả tang. Trong lúc hai bên giằng co, Việt giật được cây gỗ trên tay anh Văn và đánh anh này bất tỉnh, té xuống vuông tôm. Thay vì cứu nạn nhân, Việt bỏ mặc nạn nhân ở đó rồi bình tĩnh đi về nhà. Nếu lúc đó Việt cứu giúp nạn nhân, rất có thể anh Văn đã không thiệt mạng.
Hành vi của bị cáo thể hiện tính côn đồ, coi thường tính mạng của người khác, coi thường pháp luật. Việc Việt sát hại anh Văn là để che giấu hành vi trộm cắp Việt vừa thực hiện trước đó. Đây chính là tình tiết tăng nặng định khung được quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 93, BLHS.
Do đó, VKS đề nghị áp dụng mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt đối với bị cáo Đặng Việt là tử hình.
Bị cáo Đặng Việt: Lúc đó bị cáo chỉ muốn đánh anh Văn ngất thôi
Sau khi được các điều tra viên và luật sư phân tích, bị cáo đã biết mình sai rồi. Bị cáo rất hối hận. Có thể mọi người không tin nhưng lúc đó bị cáo không hề có ý định sát hại anh Văn mà chỉ muốn làm anh này ngất đi để bị cáo lấy trộm tôm trót lọt. Chính vì vậy mà khi anh Văn ngã xuống vuông tôm, bị cáo đã không làm gì tiếp mà bỏ về. Khi đó bị cáo không biết anh Văn đã bị bất tỉnh. Nếu biết, bị cáo chắc chắn sẽ vớt anh ấy lên bờ.
Giờ sự việc đã xảy ra rồi, dù bị cáo có nói thế nào cũng không thể làm anh Văn sống lại. Bị cáo chỉ xin gia đình anh Văn tha thứ, cho bị cáo một cơ hội để sửa sai. Bị cáo thấy mức hình phạt mà đại diện VKS vừa đề nghị là quá nặng, mong HĐXX xem xét.
Luật sư bào chữa cho bị cáo: Bị cáo đã nhận thức được tội lỗi của mình
Tiếp xúc với bị cáo tại trại giam, tôi thấy bị cáo đã nhận thức được tội lỗi của mình và rất hối hận vì đã gây ra cái chết cho anh Văn. Trước khi vụ án xảy ra, giữa bị cáo và anh Văn không hề có mâu thuẫn hay thù oán gì.
Vì bị anh Văn bắt quả tang khi đang bắt trộm tôm, lại bị anh này dùng cây gỗ đánh nên Việt phản ứng bằng cách giằng cây gỗ rồi đánh lại. Không ngờ cú đánh của Việt đã khiến anh Văn bất tỉnh, ngã xuống vuông tôm, sau đó tử vong.
Về ý chí chủ quan, trong vụ án này, bị cáo không có ý muốn sát hại nạn nhân mà chỉ muốn đánh anh này ngất đi để thực hiện hành vi trộm cắp. Việc anh Văn thiệt mạng nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Nếu có ý định giết người thì ngay sau khi anh Văn ngã xuống vuông tôm, bị cáo sẽ phải dìm anh này xuống nước cho đến chết. Đằng này bị cáo lại bỏ đi ngay.
Với những phân tích trên, tôi cho rằng hành vi của bị cáo Đặng Việt chỉ cấu thành tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo quy định tại Điều 104 chứ không phải tội Giết người theo quy định tại Điều 93. Đề nghị HĐXX xem xét.
Luật sư bảo vệ gia đình bị hại: Hành vi của bị cáo quá tàn nhẫn
Kính thưa HĐXX, sau khi nghe bị cáo và luật sư bào chữa của bị cáo trình bày quan điểm trước tòa, tôi và thân chủ của mình vô cùng phẫn nộ. Vì ở cùng ấp nên anh Văn và bị cáo không lạ gì nhau. Ở đây, ai cũng biết bị cáo thường xuyên có hành vi trộm cắp tài sản. Vì liên tục bị mất tôm nên thân chủ của tôi rất bức xúc.
Tối hôm đó, anh Văn quyết tâm phục kích để bắt quả tang kẻ gian. Ai ngờ khi bị phát hiện, Việt không những không hối lỗi mà lại đánh anh ấy đến chết khiến bố mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, gia đình mất đi trụ cột về kinh tế. Nỗi đau này không gì có thể bù đắp được.
Đáng căm phẫn ở chỗ nếu khi anh Văn bị ngã xuống nước mà Việt vớt anh ấy lên thì rất có thể giờ này anh Văn vẫn còn sống. Tuy nhiên bị cáo lại nhẫn tâm bỏ đi, bỏ mặc anh Văn ở vuông tôm khiến anh ấy mất mạng.
Chúng tôi không đồng ý với phần bào chữa của luật sư khi cho rằng bị cáo không có ý định giết người, rằng anh Văn chết nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Đây chỉ là cách nói ngụy biện, phủ nhận hành vi tội ác.
Ngoài tội danh Giết người, lẽ ra bị cáo còn phải bị truy tố, xét xử về tội Trộm cắp tài sản theo Điều 138, BLHS nữa mới đúng bản chất của vụ án. Việc VKS cho rằng bị cáo chưa lấy được tôm mang ra khỏi vuông nên không đủ yếu tố cấu thành tội Trộm cắp tài sản là chưa chính xác.
Dù chưa lấy được tôm nhưng bị cáo đã thể hiện rõ ý chí đột nhập vào vuông tôm để lấy trộm tài sản. Việc bị cáo chưa mang được tôm ra ngoài là vì bị anh Văn phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Do vậy, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự dù phạm tội chưa đạt.
HĐXX: Hành vi của bị cáo có tính nguy hiểm cao
Căn cứ hồ sơ vụ án, căn cứ lời khai nhận tội của bị cáo và diễn biến tại phiên tòa hôm nay, HĐXX nhận thấy việc VKS truy tố bị cáo Đặng Việt về tội Giết người theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 93 là hoàn toàn có cơ sở, không oan.
Bị bắt quả tang đang trộm tôm, Việt đã đánh nạn nhân bất tỉnh, ngã xuống vuông tôm rồi tử vong. Hành vi này đã cấu thành tội Giết người vì khi thực hiện hành vi Việt buộc phải biết rõ hành vi đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của anh Văn nhưng vẫn cố tình thực hiện. Khi nạn nhân ngã xuống nước, thay vì cứu người, Việt lại nhẫn tâm bỏ mặc nạn nhân ở đó rồi bỏ về như không có chuyện gì xảy ra. Đây chính là hành vi giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác.
Sở dĩ bị cáo không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản là vì bị cáo phạm tội chưa đạt, hậu quả chưa xảy ra (bị cáo mới đặt dụng cụ để bắt trộm tôm chứ chưa lấy được tôm cho vào bao). Trước đó bị cáo cũng chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa bị kết án về tội Chiếm đoạt tài sản hoặc bị kết án về tội Chiếm đoạt tài sản nhưng đã được xóa án tích.
Trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 1, Điều 138, BLHS năm 2009, thì không thể xác định được hành vi vi phạm của bị cáo đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa vì không thể xác định được giá trị tài sản bị chiếm đoạt; do đó, áp dụng khoản 2, Điều 89, Bộ luật Tố tụng Hình sự; Điều 18, BLHS, cơ quan điều tra đã không khởi tố Đặng Việt về tội danh này.
Xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, không thể cải tạo, cần phải loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội. Căn cứ quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 93, BLHS, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Đặng Việt mức án tử hình về tội Giết người. Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 300 triệu đồng gồm tiền thu nhập bị mất, tiền tổn thất tinh thần. Buộc bị cáo phải chu cấp cho con của anh Văn mỗi tháng 1.200.000 đồng cho đến khi cháu đủ 18 tuổi.
Bị cáo, gia đình bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương