Theo cáo trạng của VKSND huyện T.C, tỉnh T.V, sáng 31/9, N.H.P. (học sinh lớp 3) lấy trộm tiền của gia đình mang đến lớp ném cho bạn bè nhặt. Cô giáo chủ nhiệm lớp biết được nên báo cho gia đình.
Trưa hôm đó tan học về nhà, bé P. bị cha dượng là Trần Văn Khương (28 tuổi, ngụ xã T.S, huyện T.C) bắt cởi quần áo và dùng cây tre đánh liên tục đến khi cây tre tan nát mới dừng tay. Sau đó, Khương còn dùng miệng cắn vào ngực, tai trái và dùng ghế nhựa đánh vào đầu bé P. nhiều lần.
Sự việc xảy ra ngay trước mặt mẹ đẻ bé P. là chị Trần Thu Thủy (26 tuổi, ngụ cùng địa phương) nhưng chị này không đưa bé P. đi chữa trị mà vẫn đưa con đến trường như bình thường.
Sau khi biết tin, cha đẻ bé P. là anh N.V.B đã trình báo cơ quan công an. Ngày 2/10, bé P. được đưa đi giám định thương tích, vụ án được khởi tố. Kết quả giám định thương tích cho thấy bé P. bị vật cứng tác động mạnh gây tổn hại 16% sức khỏe. Trên người bé có đến 18 vết sẹo, 35 vết thâm tím và 5 vết trầy xước.
Ngày 4/10, Công an huyện T.C đã thực hiện lệnh bắt tạm giam khẩn cấp Trần Văn Khương về hành vi cố ý gây thương tích. Sau đó Trần Văn Khương bị khởi tố bị can về tội danh trên.
Căn cứ kết luận điều tra, VKSND huyện T.C quyết định truy tố Trần Văn Khương về tội Cố ý gây thương tích theo điểm d, khoản 1, Điều 104, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);
Ngày 10/11, TAND huyện T.C mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án trên. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Thạch Phước. Đại diện VKSND là bà Lê Na.
Luật sư Trần Công, đoàn luật sư tỉnh T.V, bào chữa cho bị cáo Trần Văn Khương. Luật sư Hoàng Bách, đoàn luật sư H.N, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bé P.. Người giám hộ hợp pháp của bé P., anh N.V.B.
VKS: Cách dạy trẻ của bị cáo là phạm pháp
Tại cơ quan điều tra, Khương khai nhận vì quá tức giận khi biết chuyện bé P. lấy tiền của nhà mang đến lớp cho các bạn nên khi thấy P. đi học về, Khương đã đánh bé. Theo lý giải của Khương thì bị cáo chỉ muốn dạy dỗ bé P. để lần sau bé không làm như vậy nữa. Tuy nhiên, vì không kiềm chế được bản thân có bị cáo hơi “quá tay” với bé.
Kết quả giám định thương tích cho thấy bé P. bị tổn hại 16% sức khỏe với 58 vết thương trên cơ thể. Điều đó cho thấy hành vi của Khương quá dã man, thể hiện tính côn đồ, nhất là khi nạn nhân chỉ mới 8 tuổi. Tuy rằng bé P. có lỗi nhưng điều đó không có nghĩa là Khương được phép đánh đập cháu đến mức thương tích đầy mình như vậy.
Trẻ em là đối tượng được pháp luật bảo vệ do đó, VKS truy tố Khương theo điểm d, khoản 1, Điều 104 với mức hình phạt đề nghị là 3 năm tù.
Bị cáo: Tôi thương cháu P. như con đẻ
Thưa HĐXX, sau khi kết hôn với Thủy, tôi đã yêu thương bé P. như con đẻ. Chính vì thế tôi mới muốn dạy dỗ cháu nên người. Đây không phải là lần đầu tiên cháu lén lấy tiền của gia đình.
Những lần trước tôi và mẹ cháu đã nhắc nhở, phê bình cháu không được tái phạm. Ai ngờ lần này cháu vẫn làm như vậy, hơn nữa lại còn mang đến lớp ném cho các bạn nhặt. Khi nghe cô giáo chủ nhiệm của cháu thông báo, tôi đã giận đến run người. Cũng vì không bình tĩnh nên tôi đã đánh cháu.
Sau khi sự việc xảy ra, tôi rất hối hận. Giờ tôi chỉ mong được giảm nhẹ hình phạt, về chăm sóc cho cháu, để chuộc lại lỗi lầm mình đã gây ra.
Luật sư bào chữa cho bị cáo: “Thương cho roi cho vọt…”
Xét về lý, cha mẹ không nên và không được phép dùng bạo lực với con cái. Nhưng nói thì dễ, khi đối diện với những chuyện xảy ra trên thực tế, không phải ai cũng giữ được bình tĩnh. Tôi được biết bé P. không phải là đứa trẻ hư nhưng khá lì lợm và bướng bỉnh. Không ít lần bé khiến mẹ và cha dượng phải sang nhà hàng xóm xin lỗi vì những trò nghịch ngợm tinh quái của mình.
Bình thường, bị cáo rất thương và chiều bé P., điều này được hàng xóm, láng giềng và gia đình chị Thủy xác nhận. Vì trước đó bé P. đã nhiều lần lấy trộm tiền của gia đình nên hôm đó bị cáo đã không kiềm chế được tức giận và gây ra sự việc đáng tiếc trên.
Các cụ ta có câu: “Thương cho roi, cho vọt/Ghét cho ngọt, cho bùi”. Mục đích của bị cáo chỉ là muốn dạy dỗ, uốn nắn cháu P. nên người, không có mục đích gì khác.
Ngoài việc trừng trị hành vi vi phạm pháp luật, pháp luật còn có tính giáo dục, răn đe. Trước khi phạm tội, bị cáo có nhân thân tốt, lại thành khẩn khai báo, thể hiện thái độ ăn năn hối lỗi. Đề nghị HĐXX xem xét trước khi lượng hình.
Người giám hộ của bị hại: “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau”
Tôi không đồng ý với quan điểm của vị luật sư bào chữa khi cho rằng bị cáo làm vậy với con tôi là vì thương cháu, muốn cháu nên người. Từ khi sinh cháu đến giờ, tôi chưa từng đánh cháu, dù chỉ một lần. Sau khi ly hôn, theo yêu cầu vợ, tôi đã để cháu sống với mẹ những mong mẹ con gần gũi, tình cảm. Ai ngờ, cha dượng của cháu lại đối xử với cháu tàn nhẫn như vậy.
Khi nhìn những vết thương trên cơ thể con, lòng tôi như có ai xát muối. Tôi càng đau lòng hơn khi biết mẹ cháu chứng kiến việc Khương đánh cháu nhưng không làm gì để ngăn cản, sau đó cũng không cho cháu đi bệnh viện thăm khám, chữa trị.
Nếu các bạn cháu không phát hiện ra thì bây giờ sức khỏe của con tôi sẽ ra sao? Tôi không cho phép ai, kể cả mẹ cháu được đánh đập, bạo hành con tôi. Vì vậy, tôi đề nghị HĐXX phải xử bị cáo thật nghiêm để răn đe.
Luật sư bảo vệ bị hại: Có nhiều cách để dạy dỗ trẻ
Cứ cho là những gì bị cáo khai tại tòa là sự thật rằng cháu P. đã nhiều lần phạm lỗi, lì lợm, bướng bỉnh… Nhưng vấn đề là chúng ta có rất nhiều cách để giáo dục con trẻ. Dù sao bé P. cũng chỉ mới 8 tuổi, chưa ý thức được hành vi của mình nghiêm trọng ra sao. Là cha mẹ cháu, bị cáo phải phân tích, chỉ bảo cháu rằng làm như thế là sai.
Nếu cháu vẫn không nghe, có thể nhờ người lớn trong gia đình hoặc nhà trường thuyết phục, giáo dục cháu. Mọi hành vi đánh đập, ngược đãi trẻ đều không được phép.
Những vết thương trên thân thể bé P. rồi là lành nhưng những gì mà bị cáo đã gây ra cho cháu mới là vết thương lớn nhất trong tâm hồn, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của cháu.
Chính vì thế tôi và thân chủ của mình đề nghị HĐXX phải có mức hình phạt thích đáng, tương xứng với hành vi mà bị cáo đã gây ra cho cháu P.. Ngoài ra, đề nghị HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường cho cháu P. toàn bộ chi phí điều trị là 50 triệu đồng, tiền tổn thất tinh thần là 50 triệu đồng.
HĐXX: Phải lên án những hành vi bạo hành trẻ em
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, căn cứ vào diễn biến phiên tòa và phần tranh tụng công khai, HĐXX nhận thấy có cơ sở để kết luận bị cáo Trần Văn Khương đã phạm tội Cố ý gây thương tích, tội danh được quy định tại Điều 104, BLHS.
Thời gian qua, những vụ bạo hành hay xâm hại tình dục trẻ em luôn khiến dư luận phẫn nộ, bức xúc. Thay vì yêu thương, giáo dục các em, nhiều người, thậm chí là cha mẹ, ông bà tự cho mình cái quyền được dạy con, cháu bằng vũ lực. Đây là điều bị pháp luật nghiêm cấm. Mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của trẻ em đều phải bị xử lý nghiêm khắc và kịp thời.
Bằng cây tre và chân tay, bị cáo đã gây ra 58 vết thương trên cơ thể bé P., khiến bé bị tổn hại 16% sức khỏe. Hành vi này không chỉ xâm phạm đến thân thể cháu bé mà còn gây ra dư luận xấu tại địa phương, cần phải xử lý nghiêm.
Bị cáo có nhân thân tốt, tại phiên tòa lại tỏ ra thành khẩn, thể hiện thái độ ăn năn hối hận, HĐXX sẽ xem xét những tình tiết này trước khi quyết định hình phạt chính.
Áp dụng điểm p, khoản 1, Điều 46; điểm d, khoản 1, Điều 104, BLHS, xử phạt bị cáo Trần Văn Khương 3 năm tù giam về tội Cố ý gây thương tích. Buộc bị cáo phải bồi thường cho cháu P. 100 triệu đồng gồm chi phí điều trị và tiền tổn thất tinh thần.
Bị cáo, đại diện hợp pháp của bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương