Theo cáo trạng của VKSND tỉnh B, lúc 20h45 ngày 17/8, Trần Thanh Phong (SN 1979, ngụ khu phố 9, phường Bình Tân, thị xã L, tỉnh B) xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau với vợ là chị Nguyễn Thị Thu (SN 1986). Không kìm được cơn nóng giận, Phong đã dùng dao đâm, chém chị Thu nhiều nhát làm nạn nhân tử vong tại chỗ.
Tại cơ quan điều tra, Phong thừa nhận hành vi của mình và tỏ ra vô cùng ân hận.
Căn cứ kết quả điều tra, VKS quyết định truy tố Trần Thanh Phong về tội Giết người theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS.
Ngày 21/8, TAND tỉnh B mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. Tham dự phiên tòa gồm có chủ tọa, thẩm phán Nguyễn Hoàng Quân. Đại diện VKSND, bà Lê Việt Hà. Luật sư Đinh Văn Thu, đoàn luật sư tỉnh B làm người bào chữa theo chỉ định cho bị cáo Phong. Gia đình bị hại không mời luật sư và có mặt tại tòa.
VKS: Khi ra tay với vợ, bị cáo có nghĩ đến hậu quả?
Sau khi bị bắt, Phong khai nhận lúc đó vì quá tức giận bị cáo đã nhẫn tâm xuống tay với vợ mình. Khi thấy vợ chết, bị cáo mới ý thức được hành vi phạm tội của mình nên không bỏ trốn mà chờ cơ quan công an đến bắt giữ.
Hành vi của bị cáo quá côn đồ, nhẫn tâm xuống tay với người đã sinh cho mình 5 đứa con. Hành vi này không chỉ khiến gia đình nạn nhân đau đớn, khiến các con của bị cáo mất mẹ mà còn làm mất trật tự trị an, gây dư luận xấu trong nhân dân.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra, bị cáo luôn tỏ thái độ ăn năn, hối hận và thành khẩn khai báo, giúp cơ quan công an sớm hoàn tất việc điều tra vụ án. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do vậy VKS đề nghị xử phạt bị cáo 12 năm tù giam.
Bị cáo: Nếu không nghĩ tới các con, bị cáo đã tìm đến cái chết
Thưa quý tòa, tôi biết tội của mình rồi. Nếu có một phép mầu, tôi xin lấy cái chết của mình để đổi cho vợ tôi được sống. Tôi biết mình đã phạm tội tày trời nhưng không có cách nào để sửa sai. Những ngày ở trong trại tạm giam, tôi chỉ nghĩ đến cái chết để sám hối với vợ, với người thân. Nhưng nghĩ đến 5 đứa con còn nhỏ dại, tôi lại phải từ bỏ ý định. Tôi đã khiến các cháu mồ côi mẹ, nếu giờ mất luôn cả cha, thì ai sẽ nuôi dạy các cháu? Gia đình tôi và gia đình vợ đều rất nghèo, không thể cưu mang được các cháu. Mong quý tòa xem xét, cho tôi được hưởng mức án nhẹ để sớm trở về nuôi các con.
Đại diện gia đình bị hại: Bị cáo có chết, người thân của tôi cũng không thể sống lại
Chị tôi khổ từ tấm bé vì nhà nghèo, học ít. Sau khi lấy chồng, chị ấy đẻ những 5 đứa con, khó khăn lại càng khó khăn. Vợ làm nông, chồng đi làm thuê, làm mướn, công xá chả được bao nhiêu nên bữa no, bữa đói. Cũng chính vì kinh tế quá khó khăn nên vợ chồng chị ấy thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã.
Giờ chị tôi cũng chết rồi, nhìn các cháu nheo nhóc, chúng tôi vô cùng xót xa mà “lực bất tòng tâm”. Bản thân hai bên nội, ngoại đều rất nghèo, nên dù thương con, thương cháu nhưng cũng không giúp được. Thôi thì chị tôi vắn số, giờ nếu có tử hình bị cáo thì chị ấy cũng không thể sống lại. Mong tòa cho bị cáo mức án nhẹ để sớm để trở về nuôi dạy các con.
Vì biết bị cáo không có tiền nên chúng tôi không yêu cầu bị cáo phải bồi thường.
Luật sư bào chữa cho bị cáo: Mong HĐXX cho bị cáo hưởng mức án khoan hồng để sớm về nuôi con
Trước hết, tôi xin gửi lời xin lỗi tới gia đình nạn nhân. Tôi rất tiếc vì những gì bị cáo đã gây ra với người thân của mình. Sau khi đọc hồ sơ vụ án, tiếp xúc với bị cáo tại trại tạm giam, tôi cũng đã đi tìm hiểu gia cảnh của bị cáo và nạn nhân. Được biết vợ chồng bị cáo có 5 người con (4 gái, 1 trai). Cháu lớn nhất mới 15 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi. Trong đó, bé trai duy nhất lại bị thiếu máu não bẩm sinh nên từ nhỏ phát triển không được bình thường như các bé khác.
Nhà đông con, thu nhập bấp bênh. Đặc biệt từ lúc xuất hiện dịch bệnh covid-19 khiến việc làm ăn càng khó khăn hơn trong khi gia đình có vô số việc phải giải quyết. Cũng vì chuyện cơm áo gạo tiền mà thời gian gần đây, vợ chồng bị cáo thường xuyên to tiếng với nhau. Và trong 1 lần cãi nhau như vậy, bị cáo đã không kiềm chế được hành vi…
Nhìn 5 đứa trẻ mất mẹ, nay lại vắng sự quan tâm của người cha, bản thân tôi cũng thấy xót xa. Cũng may nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và một số nhà hảo tâm nên tới giờ các cháu vẫn có miếng ăn, chưa phải lang thang đầu đường xó chợ. Nhưng tình hình này cũng sẽ không kéo dài được lâu, vẫn phải có người chăm sóc, nuôi dạy các cháu. Và đó cũng là trách nhiệm của bị cáo với người đã khuất.
Chính vì vậy tôi cho rằng mức án VKS đề nghị là phù hợp, vừa đủ để răn đe, giáo dục, vừa cho bị cáo cơ hội cải tạo tốt để sớm trở về nuôi dạy các con. Mong HĐXX xem xét
HĐXX: Bản án đủ sức răn đe
Căn cứ hồ sơ vụ án, căn cứ diễn biến tranh tụng tại phiên tòa hôm nay, HĐXX nhận thấy hành vi của bị cáo Trần Thanh Phong đã cấu thành tội Giết người, đúng như cáo trạng đã truy tố.
Chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng mà bị cáo nhẫn tâm tước đoạt sinh mạng của người khác, khiến con trẻ bơ vơ. Hành vi có tính chất côn đồ của bị cáo phải có một bản án nghiêm minh để làm gương. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy bị cáo có tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn, hối cải nên chỉ cần cách ly khỏi xã hội một thời gian để giáo dục, cải tạo.
Vì các lẽ trên, áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS, điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS, phạt bị cáo 12 năm tù về tội Giết người. Do gia đình bị hại không yêu cầu bồi thường nên HĐXX không xét.
Bị cáo, gia đình bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương