Theo cáo trạng của VKSND tỉnh B, ngày 16/11, một công nhân vệ sinh phát hiện đầu 1 người đàn ông đựng trong túi nilon tại thị xã T., tỉnh B. Vì mặt nạn nhân có nhiều thương tích nghiêm trọng nên chưa thể nhận dạng. Ngày 18/11, một số bộ phận cơ thể khác tiếp tục được phát hiện khi bắt đầu phân hủy.
Sau khi điều tra, cơ quan công an xác định nạn nhân tên là Trần Tính (37 tuổi, quê tỉnh S, hiện trú tại thị xã T, tỉnh B). Hung thủ gây án chính là Hoàng Thanh, vợ nạn nhân.
Tại cơ quan điều tra, nghi phạm Hoàng Thanh (32 tuổi, quê tỉnh H) khai nhận đã giết chồng. Án mạng xảy ra ở phòng trọ của vợ chồng Thanh tại thị xã T. Thanh khai vì chồng ngoại tình nên vợ chồng Thanh nhiều lần cãi vã. Tối xảy ra án mạng, anh Tính đi nhậu về, vợ chồng tiếp tục to tiếng. Anh Tính cầm dao dọa chém vợ nhưng Thanh giằng được dao sau đó chém chồng tử vong. Để tránh bị phát hiện, Thanh đã phân xác chồng thành nhiều mảnh, mang vứt ở nhiều nơi.
Căn cứ kết luận điều tra, VKS ra quyết định truy tố bị can Hoàng Thanh ra trước TAND về tội Giết người theo điểm n (có tính chất côn đồ), i (thực hiện tội phạm một cách man rợ) khoản 1 Điều 93 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Ngày 21/12, TAND tỉnh B mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án trên. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Đào Công Danh. Đại diện VKSND, bà Nguyễn Minh Nguyệt. Luật sư Lê Thịnh, đoàn luật sư tỉnh B, bào chữa cho bị cáo Hoàng Thanh. Luật sư Nguyễn Hoàng, đoàn luật sư tỉnh B, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại. Đại diện gia đình bị hại là anh trai của nạn nhân.
Đại diện VKS: Tội ác man rợ
Sau khi bị bắt, bị cáo Thanh một mực đổ lỗi cho nạn nhân, cho rằng mình giết người vì phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, các bằng chứng mà cơ quan điều tra thu thập được lại cho thấy bị cáo đã cố ý đoạt mạng nạn nhân.
Bị cáo khai nhận vì quá hoảng loạn nên phân xác nạn nhân mang đi vứt ở nhiều nơi. Những gì bị cáo đã làm với thi thể nạn nhân quá man rợ, nhất là khi bị cáo là nữ giới, được xem là “chân yếu tay mềm”.
Chỉ vì vợ chồng cãi vã mà bị cáo nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của chồng, khiến con mồ côi cha. Trong vụ án này, bị cáo vừa phạm tội có tính chất côn đồ lại vừa thực hiện tội phạm một cách man rợ. Do vậy, VKS đề nghị xử phạt bị cáo mức án cao nhất: Tử hình.
Bị cáo: Tôi chỉ phòng vệ chính đáng
Hôm đó, anh Tính về nhà trong tình trạng say xỉn nên tôi có nói mấy câu. Thế là anh Tính chửi tôi rồi lấy dao chém tôi. Trong lúc giằng co, tôi giật được con dao rồi chém loạn xạ. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ được rằng nếu tôi không làm thế thì anh Tính cũng sẽ giết tôi…
Sau khi biết anh Tính đã chết, vì sợ lộ chuyện, tôi đã phân xác rồi mang đi vứt ở nhiều nơi. Tôi nghĩ một khi thi thể không còn nguyên vẹn thì sẽ khó xác định được danh tính. Như vậy, tội lỗi của tôi sẽ không bị phát hiện. Ai hỏi thăm chồng, tôi đều nói anh Tính đã về quê. Nhưng tôi không ngờ các anh công an lại giỏi thế.
Chồng tôi đã chết, giờ VKS lại đề nghị tử hình tôi, vậy ai sẽ nuôi các con tôi? Ai sẽ phụng dưỡng cha mẹ tôi? Mong quý tòa xem xét.
Luật sư bào chữa cho bị cáo: Cho bị cáo cơ hội sống để 2 đứa trẻ khỏi bơ vơ
Sau khi được chỉ định làm luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa hôm nay, tôi đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ cũng như tâm lý của bị cáo trước, trong và sau khi phạm tội. Theo chia sẻ của gia đình bị cáo, từ khi biết tin anh Tính có người khác, bị cáo đã nói chuyện nghiêm túc với chồng.
Tuy nhiên, anh Tính không thừa nhận, thậm chí còn mắng chửi bị cáo là ghen bóng, ghen gió. Vốn trầm tính, lại sống khép kín nên bị cáo gần như suy sụp, thường xuyên mất ngủ, có dấu hiệu bị trầm cảm. Chính vì thế mà khi anh Tính cầm dao định chém bị cáo, bị cáo đã không kiềm chế được cơn tức giận, giằng lấy dao và gây ra án mạng.
Thưa quý tòa, là vợ chồng, lại có với nhau 2 đứa con, bản thân bị cáo cũng không muốn mình rơi vào cảnh góa bụa. Theo quan điểm của tôi, trong vụ án này bị cáo chỉ phạm tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, tội danh được quy định tại Điều 96 BLHS. Nếu nạn nhân không cầm dao tấn công thì bị cáo cũng sẽ không phản ứng như vậy. Đề nghị HĐXX xem xét.
Đại diện gia đình bị hại: Em tôi đã lấy phải “đồ tể” chứ không phải vợ
Khi đại diện VKS công bố cáo trạng, nêu rõ quá trình phạm tội của bị cáo, chúng tôi ngồi nghe mà như đứt từng khúc ruột. Ai ngờ một người hiền lành như Tính lại có ngày chết không toàn thây và chết dưới tay của chính người mình yêu thương nhất.
Chúng tôi biết tin về vụ án qua báo đài và các trang mạng xã hội. Khi ấy, dù chưa biết nạn nhân là Tính nhưng chúng tôi đã cảm thấy phẫn nộ với sự tàn nhẫn của hung thủ. Lúc cán bộ công an báo tin, cả nhà như chết đứng. Có nằm mơ chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được một người như Thanh lại có hành động tàn ác với chồng mình đến vậy.
Khi vợ chồng Tính rời quê lên tỉnh B, dù chẳng dư giả gì nhưng chúng tôi vẫn đón các con của Tính về chăm sóc, để vợ chồng tập trung làm việc. Bình thường Thanh là người ít nói, ít giao lưu. Ngay cả chuyện Tính có bồ, chúng tôi cũng chỉ biết khi gia đình Thanh kể lại. Khi chúng tôi hỏi, Thanh nói đó là Thanh nghi ngờ thế thôi chứ không có có chứng cứ gì. Nào ngờ vì chuyện này mà nó sát hại chồng. Đau đớn quá.
Dù không muốn các con của Tính mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng tội ác của Thanh là không thể tha thứ. Ngay cả khi Thanh bị xử chết cả ngàn lần thì vẫn là quá nhẹ. Về phía các con của Tính, dù mẹ cháu có là người thế nào, chúng tôi cũng sẽ vẫn yêu thương, nuôi dưỡng các cháu nên người.
Luật sư bảo vệ gia đình bị hại: Hành động của bị cáo làm băng hoại luân thường đạo lý
Thưa quý tòa, tôi xin phép không trình bày lại những gì bị cáo đã gây ra với nạn nhân vì nó quá khủng khiếp, nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Dù đã từng tiếp xúc với nhiều kẻ sát nhân nhưng khi đọc hồ sơ vụ án, tôi vẫn thấy rùng mình bởi cách phi tang xác của bị cáo còn “máu lạnh” hơn cả những sát thủ chuyên nghiệp.
Hành vi giết chồng của bị cáo không chỉ tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác mà còn làm băng hoại luân thường đạo lý, phá hoại kỷ cương, gây rối loạn xã hội.
Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay, bị cáo một mực khai rằng do nạn nhân ngoại tình và dùng dao chém bị cáo trước nên bị cáo tức giận mà giằng dao chém lại. Tuy nhiên, bị cáo cũng thừa nhận rằng đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của bị cáo, không có bằng chứng cụ thể. Theo lời khai của anh An, hàng xóm của bị cáo, đêm hôm xảy ra án mạng, anh có nghe thấy anh Tính van xin “đừng giết tôi”. Điều đó có nghĩa là khi nạn nhân đã không còn sức chống cự, bị cáo vẫn quyết tâm phạm tội tới cùng.
Chỉ vì ghen tuông vô cớ, bị cáo đã khiến 2 con của mình mồ côi cha, khiến gia đình nạn nhân mất người thân. Giết người phải đền mạng. Đó là lẽ đương nhiên. Ngoài ra, bị cáo còn phải bồi thường cho gia đình bị hại 250 triệu đồng gồm tiền tổn thất tinh thần, tiền thu nhập bị mất…
HĐXX: Kinh hoàng và phẫn nộ
Ngay sau khi bị bắt, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo. Kết quả là bị cáo hoàn toàn bình thường. Tại phiên tòa, bị cáo cũng đã thừa nhận tội của mình. Các bằng chứng thu thập được cũng cho thấy bị cáo chính là người đã sát hại nạn nhân rồi phi tang xác. Do đó, HĐXX nhận thấy cáo buộc của VKS là hoàn toàn chính xác.
Bát đũa còn có lúc xô, huống chi là vợ chồng? Nhưng cách giải quyết mâu thuẫn của bị cáo nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Tuy trước khi gây án bị cáo chưa có tiền án, tiền sự nhưng xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo là quá dã man, không thể cải tạo, cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội để làm gương. Việc phân xác nạn nhân của bị cáo thể hiện bị cáo đã mất hết tính người.
Áp dụng điểm n, i khoản 1, Điều 93 BLHS, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Hoàng Thanh tử hình về tội Giết người. Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 250 triệu đồng gồm tiền tổn thất tinh thần, tiền thu nhập bị mất…
Bị cáo, gia đình bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, tính từ ngày hôm nay.
Ánh Dương