Theo cáo trạng của VKSND huyện C. tỉnh Q, năm 2011, Hoàng Xuân Tú (33 tuổi, ngụ huyện C, tỉnh Q) và vợ là chị Nguyễn Thị Hảo (32 tuổi, ngụ huyện T, tỉnh T.H) ly hôn. Cả hai có con chung là cháu Hoàng Thị Linh Nh. (12 tuổi).
Sau đó, chị Hảo đưa con về quê ở huyện T. để tiện việc học hành của cháu Nh.. Ngày 24/4/2015, Tú về quê vợ cũ, bắt con đưa về huyện C. nhốt trong nhà. Hàng ngày, anh ta đánh đập con gái tàn nhẫn để mong vợ cũ quay lại.
Đỉnh điểm, tối 26/5/2015, Tú túm cổ bé Nh. ném mạnh xuống đất khiến bé bị gãy tay. Hàng xóm phát hiện sự việc nên báo Công an huyện C. Ngay sau đó, cơ quan công an mời Tú về trụ sở làm việc. Tại đây, Tú thừa nhận hành vi hành hạ con ruột.
Cháu Nh. được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị đa thương tích, sưng phù nề gò má phải, mắt trái thâm tím, tay trái bị gãy, khuỷu tay phải bầm tím, rách da, hai phần mông, hông phải bị chấn thương.
Theo kết luận của trung tâm Giám định pháp y tỉnh Q., cháu Nh. bị tổn hại sức khỏe 26%. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện C đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Xuân Tú về hành vi cố ý gây thương tích.
Trong thời gian được tại ngoại, Tú bỏ trốn và bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện C ra quyết định truy nã toàn quốc.
Sau 2 năm bỏ trốn ở nhiều tỉnh thành, ngày 26/7, đối tượng đến địa bàn tỉnh B thì bị trinh sát của phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh B. bắt giữ.
Căn cứ kết quả điều tra, VKS quyết định truy tố Hoàng Xuân Tú về tội Cố ý gây thương tích theo điểm d, khoản 1, Điều 104, BLHS.
Ngày 31/8, TAND huyện C đưa vụ án trên ra xét xử sơ thẩm. Tham gia phiên tòa gồm có thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Trần Hưng. Giữ quyền công tố tại tòa, kiểm sát viên Nguyễn Minh Hòa. Luật sư Hoàng Văn Tình, đoàn luật sư tỉnh Q bào chữa cho bị cáo Tú. Luật sư Vũ Bích Phượng, đoàn luật sư tỉnh T.H bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cháu Nh.. Cháu Nh. có đơn xin xử vắng mặt.
VKS: Bị cáo còn độc ác hơn cả cầm thú
“Hổ dữ không ăn thịt con”, tuy nhiên bất chấp việc trong người cháu Nh. đang chảy dòng máu của mình, bị cáo Tú đã làm một việc táng tận lương tâm đó là ngược đãi con ruột. Sau khi bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích, Tú khai rằng sở dĩ anh ta hành hạ cháu Nh. là muốn vợ cũ vì xót con mà quay lại với mình. Đây chỉ là sự ngụy biện. Nếu vì muốn vợ cũ nối lại tình cảm, Tú có rất nhiều cách để thuyết phục chị này. Nhưng bị cáo lại chọn cách bạo lực nhất, đáng bị lên án nhất.
Trước khi gây tổn hại tới 26% sức khỏe cho con gái, Tú đã nhiều lần đánh đập, hành hạ cháu Nh.. Sự việc này được rất nhiều người dân ở nơi Tú cư trú xác nhận. Tuy nhiên, vì suy nghĩ “đèn nhà ai người nấy rạng” nên tội ác của Tú đã không được ngăn chặn kịp thời.
Hành vi của Tú không chỉ khiến cháu Nh. bị tổn thương về thể xác mà còn làm cháu bị hoảng loạn tinh thần. Theo phản ánh của mẹ cháu, rất lâu sau khi vụ án xảy ra, hầu như đêm nào cô bé cũng hét lên hoảng loạn.
Với tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với trẻ em, chiếu theo quy định tại điểm d khoản 1, Điều 104 BLHS, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Hoàng Xuân Tú mức án cao nhất của khung hình phạt là 3 năm tù.
Bị cáo Tú: Tôi xin chấp nhận mọi hình phạt
Thưa quý tòa, trong suốt 2 năm bỏ trốn khỏi địa phương, bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều về những gì mình đã gây ra. Bị cáo biết mình đã gây ra cho con gái một vết thương rất lớn về cả thể xác lẫn tâm hồn. Khi trốn chạy, rất nhiều lần bị cáo muốn gọi điện cho vợ cũ để hỏi thăm tình hình sức khỏe của con nhưng không dám.
Bị cáo rất yêu vợ và không muốn ly hôn nhưng Hảo nhất quyết đòi chia tay. Tuy nhiên, sau khi ly hôn, bị cáo vẫn không quên được Hảo nên tìm mọi cách để thuyết phục cô ấy quay về. Khi Hảo từ chối, bị cáo đã rất tức giận. Lúc đó bị cáo nghĩ rằng chỉ cần bị cáo bắt con đưa về sống với mình thì Hảo sẽ phải đồng ý tái hợp. Ai ngờ, Hảo vẫn không đổi ý. Và bị cáo đã nghĩ quẩn, tìm cách hành hạ con để Hảo xót mà suy nghĩ lại…
Giờ đây, điều duy nhất bị cáo mong muốn là được con gái tha thứ. Bị cáo chấp nhận mọi hình phạt, dù là cao nhất.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Tú: Đề nghị trưng cầu giám định tâm thần với bị cáo
Với tư cách là một người cha, tôi không đồng tình với những gì thân chủ mình đã làm với con gái. Nhưng với tư cách người bào chữa cho bị cáo, tôi vẫn phải nêu những quan điểm để gỡ tội cho thân chủ mình.
Sau khi vợ chồng ly hôn, thân chủ của tôi bị trầm cảm khá nặng. Suốt một thời gian dài, Tú không tập trung làm được việc gì. Việc duy nhất Tú làm là cố gắng thuyết phục chị Hảo quay lại. Bị từ chối, Tú vô cùng thất vọng. Và trong lúc quẫn trí, bị cáo đã bắt con đưa về quê mình nhằm gây sức ép với vợ cũ.
Điều tôi muốn nói là trước, trong và sau thời gian phạm tội, Tú vẫn chưa thực sự bình thường trở lại. Để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, tôi đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định tâm thần đối với Tú.
Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại: Liều thuốc nào chữa được vết thương trong tâm hồn nạn nhân?
Khi mới đọc hồ sơ vụ án này và nhìn những vết bầm tím trên cơ thể bé Nh., trái tim tôi như thắt lại. Vết thương thể xác có thể lành, nhưng vết thương tâm hồn sẽ đeo đuổi bé Nh. suốt cuộc đời. Mỗi khi nghe ai đó nhắc đến bố, bé Nh. lại hoảng sợ, co rúm người. Điều đó cho thấy hậu quả của hành vi do Tú gây ra là vô cùng nghiêm trọng.
Tú khai nguyên nhân bạo hành con là để gây sức ép, khiến chị Hảo phải quay về với mình. Tuy nhiên, tình cảm là thứ không thể cưỡng ép, lại càng không thể dùng vũ lực để đoạt lấy. Không ai níu tình giống như Tú cả.
Theo tiết lộ của chị Hảo, khi còn sống chung dưới một mái nhà, Tú đã bộc lộ tính vũ phu khi thường xuyên đánh đập vợ con. Đây cũng chính là lý do khiến chị Hảo xin ly hôn.
Trước khi gây ra vụ án này, Tú hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu bệnh lý. Vì vậy, tôi cho rằng đề nghị hoãn tòa của luật sư đồng nghiệp là không có cơ sở. Tôi và thân chủ của mình đồng ý với mức phạt mà VKS đề nghị đối với bị cáo.
HĐXX: Không ai có quyền bạo hành trẻ em
Trẻ em chính là tương lai của đất nước, trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc phát triển toàn diện cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em không còn là trách nhiệm của riêng gia đình mà là trách nhiệm của mỗi công dân và của toàn xã hội. Mọi hành vi cố ý gây tổn hại đến thân thể, tinh thần, danh dự và nhân phẩm của trẻ em, dù thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, căn cứ vào lời khai của bị cáo, của bị hại, nhân chứng…, có sơ sở để khẳng định rằng hành vi của bị cáo Hoàng Xuân Tú đã phạm vào tội Cố ý gây thương tích. Việc VKS truy tố Tú theo điểm d, khoản 1, Điều 104, BLHS là hoàn toàn chính xác, không oan.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra nhận thấy biểu hiện của Tú hoàn toàn bình thường, do vậy mới cho phép Tú được tại ngoại. Tuy nhiên, bị cáo đã nhân cơ hội đó để bỏ trốn trong suốt 2 năm, gây khó khăn cho việc điều tra, giải quyết vụ án.
Qua xác minh tại nơi vợ chồng Tú từng cư trú, tuy chưa có tiền án, tiền sự nhưng Tú đã nhiều lần bị chính quyền địa phương nhắc nhở vì đã có hành vi ngược đãi vợ con. Điều đó cho thấy Tú hoàn toàn ý thức được hậu quả của hành vi phạm tội nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Áp dụng điểm d, khoản 1, Điều 104, BLHS, HĐXX tuyên phạt Hoàng Xuân Tú 3 năm tù giam về tội Cố ý gây thương tích; buộc Tú phải bồi thường cho nạn nhân 250 triệu đồng.
Bị cáo, bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương