Cáo trạng của VKSND tỉnh L.C truy tố Nguyễn Văn Toàn (SN 1985, trú tại huyện V.T, tỉnh V.P) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 174 BLHS.
Trước đó, cơ quan công an nhận được đơn tố cáo của chị L.T.K.H. (SN 1981, trú tại TP.L.C) về 1 đối tượng nam giới có hành vi giả danh cán bộ quân đội để "chạy án" lấy tiền. Khoảng 21h40 ngày 7/12/2020, tại quán cà phê ở TP.L.C, lực lượng chức năng bắt quả tang Nguyễn Văn Toàn đang nhận 200 triệu đồng.
Toàn khai, do chơi cờ bạc trên mạng thua lỗ dẫn đến nợ nần nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để gây lòng tin với bị hại, Toàn giả danh là Cục phó cục tình báo quân đội và có quan hệ thân thiết với bộ Công an nên có thể "chạy án" cho người thân của chị H. từ án tử hình xuống còn 20 năm tù với giá 2 tỷ đồng, nhận đặt cọc trước là 200 triệu đồng.
Ngày 11/12, TAND tỉnh L.C mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Hoàng Huy. Đại diện VKS, bà Lê Thu Nga. Luật sư Nguyễn Minh Tân, đoàn luật sư tỉnh L.C bào chữa cho bị cáo Toàn. Chị H. có mặt tại tòa và không mời luật sư bảo vệ.
VKS: Hành vi của bị cáo đã cấu thành tội phạm
Theo lời khai của Toàn tại cơ quan công an, do nợ nần cờ bạc nên bị cáo nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để bị hại tin tưởng, Toàn giả danh là Cục phó cục tình báo quân đội, quan hệ thân thiết với bộ Công an nên có thể "chạy án" cho người thân của chị H. từ mức tử hình xuống còn 20 năm tù với giá 2 tỷ đồng. Toàn bị bắt khi đang nhận 200 triệu đồng tiền đặt cọc.
Hành vi lừa đảo của Toàn đã hoàn thành khi bị cáo nhận 200 triệu đồng từ bị hại. Do vậy, chiếu theo quy định tại điểm a (Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng) khoản 3 Điều 174 BLHS, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Toàn 10 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo: Tôi chỉ định “vay” tạm một thời gian
Qua một người bạn xã hội, tôi biết chị H.. Biết chuyện chị này có người nhà phạm pháp, phải đối diện với mức án lên tới tử hình, tôi nảy sinh ý định lừa đảo để kiếm chút tiền trả nợ cờ bạc. Để bị hại tin tưởng, tôi “nổ” mình là Cục phó cục tình báo quân đội, chơi rất thân với lãnh đạo bộ Công an. Khi thấy chị này đã tin tưởng, tôi mới tiết lộ mình có khả năng “chạy án” cho người thân của chị này thoát án tử. Để nạn nhân không nghi ngờ, tôi đưa ra chi phí là 2 tỷ đồng, đặt trước 200 triệu “làm tin”. Thực ra, tôi cũng chỉ định “cầm tạm” 200 triệu đồng của chị H. để giải quyết nợ thôi chứ sẽ không lấy đủ 2 tỷ như đã nói. Không ngờ tôi vừa nhận tiền đã bị công an bắt giữ.
Bị hại: Đề nghị tòa xử bị cáo thật nghiêm
Vì tin tưởng những gì bị cáo nói, tôi mới quyết định nhờ “chạy án” và đưa tiền. Không ngờ bị cáo chỉ “chém gió” để lừa lấy tiền của tôi. Nếu tôi không kịp thời báo công an thì giờ bị cáo đã “nuốt trọn” tiền của tôi. Giờ tôi chỉ đề nghị HĐXX xử bị cáo thật nghiêm để bị cáo không còn cơ hội lừa đảo người khác. Về số tiền 200 triệu đồng, tôi đã nhận lại đầy đủ nên không ý kiến gì.
Luật sư bào chữa: Bị cáo chưa tiêu được đồng nào
Kính thưa HĐXX, tôi rất lấy làm tiếc vì những gì bị cáo đã gây ra. Nhưng tôi nghĩ việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Nếu chị H. không quá tin tưởng vào bị cáo, không nghĩ đến chuyện “chạy án” (điều này chắc chắn là không thể) cho người thân thì đâu đến nỗi bị bị cáo lừa? Huống hồ số tiền 2 tỷ mà bị cáo “gợi ý” hoàn toàn không phải là nhỏ. Hơn nữa, trên thực tế, bị cáo mới chỉ nhận được 200 triệu đồng, chưa kịp làm gì thì đã bị cơ quan công an bắt giữ. Tuy tội phạm đã hoàn thành nhưng hậu quả chưa xảy ra, chị H. cũng đã lấy lại được tiền. Do vậy, tôi đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng. Theo tôi, mức án mà VKS đề nghị là quá cao.
HĐXX: Quan điểm bào chữa không thuyết phục
Căn cứ hồ sơ vụ án, căn cứ lời khai của bị cáo, bị hại và các nhân chứng, HĐXX nhận thấy cáo buộc của VKS rằng bị cáo đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoàn toàn chính xác, không oan.
Chỉ vì nợ nần cờ bạc, không có tiền tiêu xài mà bị cáo dùng thủ đoạn tự xưng là cán bộ quân đội, có khả năng “chạy án” để lừa lấy tiền của bị hại. Sở dĩ bị cáo chưa lấy được 2 tỷ đồng là vì bị hại cảnh giác, báo cho cơ quan công an nên mới kịp thời ngăn chặn được hành vi này. Nếu bị cáo không dùng thủ đoạn gian dối về thân phận của mình, không hứa hẹn sẽ giúp người thân của chị H. được giảm án thì nạn nhân không bao giờ đưa tiền cho Toàn. Bị cáo đã lợi dụng của tin tưởng của chị H. để chiếm đoạt tiền của chị này. Do đó không thể nói như luật sư bào chữa được.
Hành vi của bị cáo không chỉ xâm phạm đến quyền định đoạt tài sản của người khác, còn gây dư luận xấu trong nhân dân vì tưởng bị cáo là “cán bộ tình báo” thật, cần phải xử nghiêm để làm gương.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 174, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Toàn 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự, do bị hại không yêu cầu nên HĐXX không xem xét.
Bị cáo, bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương (thực hiện)