Theo cáo trạng của VKSND TP.H, ngày 1/7/2016, Nguyễn Duy Ly ký hợp đồng thuê căn nhà 8 tầng ở số 68, phố T (quận G, TP.H) của ông Nguyễn Trung trong thời hạn 10 năm với giá 150 triệu đồng/tháng để kinh doanh karaoke.
Ngày 13/10/2016, sở Cảnh sát PCCC TP.H cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế PCCC, Ly thuê công ty An thiết kế và thi công hạng mục PCCC với giá 300 triệu đồng.
Ngày 31/10/2016, Ly nhờ Trần Hữu (ngụ quận H) thuê Phí Văn Thủy (quê tỉnh B) làm phần cách âm tại các phòng hát ở tầng 2, tầng 6 và tầng 7 với giá 3 triệu đồng/m². Thủy thuê tiếp Trương Tú và Chu Hùng (cùng quê tỉnh B) với giá 500.000 đồng/m².
Thi công xong toàn bộ phần vách, tường cách âm, phòng và trần tầng 2, do phải hàn các khung sắt tạo thành giá đỡ khoan ốc để ốp gỗ lên nhưng bị vướng cửa, ngày 1/11/2016, Tú tự thuê Lê Thị Thương ở gần công trình với giá 500.000 đồng.
Trưa 1/11/2016, mặc dù chưa được nghiệm thu về PCCC và cấp giấy phép kinh doanh karaoke nhưng Ly vẫn chỉ đạo quản lý cho khách vào phòng 501, 502 để thu tiền.
Khoảng 13h30 cùng ngày, Thương dẫn thợ hàn Hoàng Thành và Phạm Vinh (đều quê tỉnh A) mang theo máy hàn điện, máy cắt sắt đến quán trên hàn cắt như đã thỏa thuận với Tú. Tại đây, Tú hướng dẫn Thành, Thương hàn các thanh sắt ở trần nhà và cắt một bản lề cửa để tháo cánh cửa.
Thương chỉ đạo Thành dùng máy hàn, cắt điện thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để cắt nhưng không có dụng cụ che chắn, dụng cụ đảm bảo an toàn về PCCC nên lửa bén vào vách phòng gây ra cháy khiến 13 người tử vong.
Kết quả giám định xác định nguyên nhân cháy là do quá trình hàn cắt kim loại bằng hồ quang điện. Các nạn nhân tử vong do ngạt khí CO cấp.
Vì các lẽ trên, VKS quyết định truy tố 3 bị can gồm: Nguyễn Duy Ly (SN 1986, trú quận Đ); Lê Thị Thương (SN 1962, trú quận H) và Hoàng Thành (SN 1993, quê tỉnh S) ra TAND cùng cấp để xét xử về cùng tội danh Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo khoản 3, Điều 240, BLHS.
Ngày 20/10/2017, TAND TP.H đưa vụ án trên ra xét xử sơ thẩm. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Chinh. Đại diện VKSND TP.H, bà Nguyễn Tố Nga.
Luật sư Hoàng Doanh, đoàn luật sư TP.H, bào chữa cho bị cáo Thành. Luật sư Nguyễn Tú, đoàn Luật sư TP.H bào chữa cho bị cáo Thương. Luật sư Kim Thanh, đoàn Luật sư TP.H, bào chữa cho bị cáo Ly. Luật sư Lê Minh, đoàn Luật tư tỉnh B. bảo vệ quyền lợi cho 13 gia đình bị hại.
VKS: Các bị cáo đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định Hoàng Thành là thợ hàn. Tuy không có chứng chỉ về việc hàn điện, chưa được huấn luyện về an toàn lao động, chưa được cấp thẻ an toàn, không có biện pháp PCCC nhưng Thành đã dùng máy hàn cắt sắt thổi lửa trực tiếp vào bản lề cửa với mục đích dùng nhiệt cắt bản lề dẫn đến cháy.
Lê Thị Thương là chủ sử dụng lao động Hoàng Thành, trực tiếp có mặt nơi xảy ra vụ việc, biết rõ nơi tiến hành hàn có nguy cơ cháy nổ nhưng không tuân thủ quy định an toàn phòng chống cháy nổ, vẫn đồng ý dùng máy hàn dẫn đến cháy.
Chủ quán Nguyễn Diệu Ly mặc dù chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã chỉ đạo nhân viên cho khách vào hát; thay đổi thiết kế, không kiểm tra giám sát trong quá trình thi công đến khi nghiệm thu đưa vào sử dụng gây nguy hiểm về cháy nổ; chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC.
VKS cho rằng có đủ cơ sở để kết luận 3 bị cáo đã phạm tội Vi phạm quy định về PCCC theo khoản 3, Điều 240 BLHS. Lỗi chính trong vụ án này thuộc về bị cáo Hoàng Thành.
Do vậy VKS đề nghị xử phạt bị cáo Thành mức án cao nhất của khung hình phạt là 12 năm tù; đề nghị phạt bị cáo Lê Thị Thương mức án 10 năm tù và xử phạt bị cáo Nguyễn Diệu Ly 7 năm tù giam.
Luật sư bào chữa cho Thành: Bị cáo không cố ý
Trước tiên, tôi xin gửi lời chia buồn tới gia đình 13 nạn nhân thiệt mạng trong vụ án này. Tôi biết không có gì có thể bù đắp được nỗi đau mất người thân. Thành thực sự không cố ý gây ra vụ cháy này, càng không cố ý cướp đi mạng sống của ai nhưng phạm tội do bất cẩn và quá chủ quan.
Sau khi bị bắt giam, Thành luôn cảm thấy day dứt với gia đình các nạn nhân nên bị suy sụp tinh thần. Từ chỗ là một thanh niên to cao nặng tới 75kg, giờ Thành chỉ còn 50kg. Nhìn Thành, tôi không nghĩ Thành mới chỉ 24 tuổi.
Theo tôi, mức hình phạt VKS đề nghị với Thành là quá nặng. Thành có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai nhận, thể hiện thái độ ăn năn hối cải. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm đối với Thành, mong HĐXX xem xét trước.
Luật sư bào chữa cho Thương: Bị cáo đã quá chủ quan
Thưa quý tòa, trước khi được cử sang làm việc tại quán karaoke 68, Thành đã là một thợ hàn lành nghề dù không có bằng cấp chứng chỉ. Chính vì quá tin ở tay nghề của Thành nên Thương chủ quan, không quán xuyến và cũng không ý thức được mức độ nguy hiểm khi hàn cắt tại nơi có nhiều đồ dễ cháy như quán karaoke.
Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, Thương đã rất tích cực tham gia chữa cháy, giúp giảm thiểu hậu quả. Tôi mong HĐXX cho Thương được hưởng lượng khoan hồng theo quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 46, BLHS.
Luật sư bào chữa cho Ly: Lần đầu tiên đón khách, bị cáo đã mất tất cả
Kính thưa HĐXX, khi thuê căn nhà số 68 làm nơi kinh doanh karaoke, bị cáo đã phải đầu tư rất nhiều tiền bạc để thuê nhà, lắp đặt trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, thuê nhân viên phục vụ… Chính vì thế mà bị cáo nôn nóng muốn được mở cửa đón khách ngay để thu hồi vốn. Ai ngờ lần đầu tiên mở cửa đón khách lại khiến Ly “tiền mất tật mang”.
Ý thức được trách nhiệm của mình, Ly và người nhà đã đến từng gia đình bị hại gửi tiền phúng viếng, chia buồn với tang quyến. Tuy không trực tiếp gây ra vụ cháy nhưng Ly lại là người phải chịu thiệt hại nặng nề nhất về mặt kinh tế. Vì vậy, tôi đề nghị HĐXX cho Ly được hưởng mức án nhẹ nhất để bị cáo có cơ hội làm ăn kinh doanh, lấy tiền bồi thường thiệt hại.
Luật sư bảo vệ các bị hại: Tổn thất quá lớn về người và của
Về cơ bản, tôi đồng ý với mức hình phạt mà VKS đề nghị dù nhiều thân chủ của tôi muốn các bị cáo phải nhận mức án cao hơn nữa thì mới tương xứng với hậu quả mà họ đã gây ra.
Về phần bồi thường thiệt hại, trong số 13 nạn nhân có rất nhiều người là cán bộ, công chức, có thu nhập ổn định, tương lai rộng mở. Họ mất đi, gia đình không chỉ mất người thân mà còn mất đi chỗ dựa về kinh tế.
Do đó, ngoài mức bồi thường tổn thất về tinh thần là 130 triệu đồng mỗi người, tôi đề nghị HĐXX buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho gia đình các nạn nhân các chi phí khám chữa, mai táng phí, thu nhập bị mất… (có danh sách cụ thể và chứng từ đi kèm).
HĐXX: Một phút bất cẩn, hậu quả không lường
Những chứng cứ và lời khai nhận tội của các bị cáo cho thấy VKS truy tố các bị cáo theo khoản 3, Điều 240, BLHS là hoàn toàn chính xác. Hành vi của các bị cáo không chỉ khiến 13 người tử vong mà còn làm 10 xe máy, 1 xe đạp điện bị cháy thiệt hại 140 triệu đồng.
Đây là vụ án có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên dù các bị cáo đều có nhân thân tốt, có một số tình tiết giảm nhẹ, nhưng cần phải xử phạt mức án nghiêm khắc nhất để răn đe.
Áp dụng điểm p, khoản 1, Điều 46; khoản 3, Điều 240, BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo Hoàng Thành 12 năm tù giam; xử phạt bị cáo Lê Thị Thương 10 năm tù giam; xử phạt bị cáo Nguyễn Duy Ly 7 năm tù giam cùng về tội Vi phạm các quy định về PCCC.
Về trách nhiệm dân sự, vì Thành là người gây ra vụ cháy nên buộc bị cáo phải bồi thường cho mỗi gia đình bị hại 130 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần, bồi thường toàn bộ tiền chi phí khám chữa, mai táng phí, thu nhập bị mất cho 13 nạn nhân (có danh sách kèm theo).
Số tiền 140 triệu đồng tiền thiệt hại tài sản, hiện công ty bảo biểm đã chi trả thiệt hại cho chủ xe, theo yêu cầu của công ty bảo hiểm, buộc Thành phải hoàn lại số tiền trên cho quý công ty; buộc bị cáo Thành phải hoàn trả 2,5 tỷ đồng cho bị cáo Ly. Đây là số tiền Ly đã bồi thường cho chủ nhà 68 vì thiệt hại trong vụ cháy.
Ngoài ra, bị cáo Thành còn bị cấm hành nghề hàn trong thời hạn 3 năm kể từ khi chấp hành xong bản án.
Các bị cáo, gia đình bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương