Theo cáo trạng của VKSND TP.H, trong thời gian làm dịch vụ thám tử tư, Hoàng Ngọc (35 tuổi, ngụ xã B.Đ, huyện H.M, TP.H) nhận thấy nhu cầu kiểm soát, theo dõi vợ, chồng, người tình hoặc đối tác làm ăn khá phổ biến nên tìm kiếm các thông tin mua bán phần mềm gián điệp trên mạng. Phần mềm này có chức năng chạy ngầm trên điện thoại, bí mật lấy cắp tất cả các dữ liệu, tài khoản mà chủ nhân không hề hay biết.
Sau khi mua phần mềm, thử nghiệm thành công trên điện thoại của mình, Ngọc quyết định kinh doanh loại thiết bị này.
Theo lời khai của Ngọc, từ năm 2012 đến 2017, Ngọc đã thuê Trần Thanh thiết kế, xây dựng 8 khung website để Ngọc sử dụng đăng thông tin quảng cáo, giao dịch bán phần mềm “copyphone”.
Bên cạnh đó, Ngọc còn thuê thêm Nguyễn Chung, Hoàng Hùng, Trần Thu và Lê Thị để tạo lập, xây dựng, quản lý, chỉnh sửa, diệt vi rút và duy trì hoạt động của các website; viết bài quảng cáo, đăng tải bài viết lên các trang web và đăng tải lên Google+ tại các trang web quảng cáo; nghe điện thoại tư vấn, hướng dẫn khách hàng giao dịch mua phần mềm, thanh toán tiền và cách thức cài đặt phần mềm mỗi khi Ngọc đi vắng….
Quá trình cài phần mềm “copyphone”, khách hàng phải đăng ký một địa chỉ email, sau khi cài đặt xong, Ngọc sẽ nhắn tên tài khoản và mật khẩu để khách hàng tự đăng nhập trên trang web của hắn để lấy dữ liệu từ điện thoại mình muốn theo dõi.
Do Ngọc nắm quyền quản trị, có thể truy cập tài khoản khách hàng trên các website trên nên hắn có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đã lấy cắp được từ máy điện thoại bị cài phần mềm “copyphone” mà không cần mật khẩu của người đã mua phần mềm.
Khách hàng cài đặt phần mềm được sử dụng miễn phí trong 3 ngày, nếu muốn phần mềm tiếp tục hoạt động thì phải trả tiền cho Ngọc theo các mức: Đối với hệ điều hành Android, khách hàng phải trả 3 triệu đồng (gói 3 tháng); 4,5 triệu (gói 6 tháng); 7,5 triệu (gói 12 tháng). Với hệ điều hành iOS, giá lần lượt là 6, 8 và 10 triệu đồng; với gói không giới hạn thời gian, Ngọc thu của khách hàng 27,5 triệu đồng.
Để tránh bị phát hiện, Ngọc chỉ giao dịch qua điện thoại và mạng internet. Bên cạnh đó, Ngọc còn nhờ người hoặc mua CMND tại các tiệm cầm đồ rồi đến ngân hàng mở tài khoản, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào đó.
Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã làm rõ có 3.762 khách hàng đã cài đặt phần mềm “copyphone” của Ngọc; trong đó 3.452 khách hàng chỉ dùng thử 3 ngày; 310 khách hàng gia hạn thời gian sử dụng phần mềm và chuyển trả cho Ngọc với tổng số tiền là 1,384 tỷ đồng.
Căn cứ kết quả điều tra, VKS quyết định truy tố các bị can Hoàng Ngọc, Trần Thanh, Nguyễn Chung, Hoàng Hùng, Trần Thu và Lê Thị cùng về tội Truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số của người khác theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 226a, BLHS.
Ngày 8/9, TAND TP.H đưa vụ án trên ra xét xử sơ thẩm. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Phan Văn Quang. Đại diện VKSND TP.H, kiểm sát viên Nguyễn Tú Ngọc. Luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP.H, bào chữa cho bị cáo Hoàng Ngọc. Luật sư Trần Hưng, đoàn luật sư TP.H, bào chữa cho bị cáo Trần Thanh.
VKS: Hiểm họa khôn lường từ việc cài phần mềm nghe lén
Theo các chuyên gia máy tính, phần mềm nghe lén này vô cùng nguy hiểm cho người sử dụng vì nó có thể đánh cắp mọi thông tin trên điện thoại từ danh bạ đến các file ảnh, video, ghi âm các cuộc gọi, sao chụp tin nhắn sau đó gửi về máy chủ do Ngọc làm quản trị.
Không chỉ thế, mọi dữ liệu trên các tài khoản như email, viber, zalo, facebook cũng Ngọc kiểm soát. Do vậy, mọi giao dịch qua điện thoại bị cài đặt đều bị giám sát.
Nếu Ngọc sử dụng những tài khoản đó vào mục đích xấu, chắc chắn sẽ vượt qua tầm kiểm soát và mong muốn của chính khách hàng, bởi đa số khách hàng mua phần mềm để cài theo dõi vợ, chồng, người tình của mình với mục đích kiểm soát tin nhắn, cuộc gọi, định vị người dùng chứ không muốn người khác xâm nhập vào điện thoại người thân của mình để kiểm soát, thu thập các thông tin khác.
Nguy hiểm hơn, các giao dịch trên điện thoại như lưu giữ tài khoản ngân hàng, giao dịch qua internet banking... cũng có thể bị đánh cắp. Nhưng nguy hiểm nhất khi cài phần mềm này đó là vô tình biến điện thoại thành trạm thu phát sóng, kể cả khi bị tắt nguồn.
Điều nguy hại hơn nữa là những người mua bản dùng thử chỉ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần không trả tiền cho Ngọc nữa thì sẽ chấm dứt giao dịch nhưng họ không biết rằng, nếu muốn, Ngọc vẫn có thể truy cập, khai thác mọi dữ liệu phục vụ cho mục đích riêng của mình.
Khi kinh doanh phần mềm nghe lén này, Hoàng Ngọc nhận thức rõ là phạm pháp nhưng vì hám lợi nên vẫn nhắm mắt làm liều.
Trong vụ án này, Ngọc là bị cáo đầu vụ nên VKS đề nghị mức án 12 năm tù giam. Với vai trò giúp sức đắc lực, mức hình phạt đề nghị với bị cáo Trần Thanh là 10 năm tù giam. Với 4 bị cáo còn lại, VKS đề nghị mức án là 5 năm tù giam.
Bị cáo Ngọc: “Tôi phải kiếm thật nhiều tiền để lo cho gia đình”
Thưa quý tòa, sở dĩ tôi phạm tội vì trong thời gian từ năm 2012 đến nay, cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn như bố mất, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, ly hôn vợ, phải nuôi con nhỏ… Để lo cho gia đình, tôi phải kiếm tiền bằng mọi giá.
Trong quá trình hành nghề thám tử tư, tôi nhận thấy nhiều người có nhu cầu giám sát, theo dõi điện thoại của người thân, đặc biệt là vợ chồng, tình nhân, đối tác làm ăn… Do họ có nhu cầu nên tôi cung cấp dịch vụ và thu tiền vì thời buổi này, chả có dịch vụ gì là miễn phí cả.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Ngọc: “Đói, đầu gối phải bò”!
Là người bào chữa, tôi không có ý định bao biện cho hành vi của thân chủ mình. Tuy nhiên, nếu gia đình không rơi vào cảnh khó khăn thì có lẽ Ngọc đã không mua bán phần mềm nghe lén này. Khi làm việc đó, Ngọc chỉ nghĩ đơn giản là hỗ trợ người khác “quản lý” điện thoại của người thân của mình chứ không có ý định lấy cắp thông tin cá nhân của bất cứ ai.
Do vậy, nếu cho rằng Ngọc có tội thì cũng cần truy cứu trách nhiệm của những người đã mua và cài đặt phần mềm nghe lén do Ngọc cung cấp. Bởi nếu họ không có nhu cầu thì Ngọc sẽ bán hàng cho ai?
Bị cáo Thanh: Bị cáo chỉ là người làm thuê
Vì biết tôi có kinh nghiệm nên Ngọc đã thuê tôi thiết kế, xây dựng 8 khung website để Ngọc sử dụng đăng thông tin quảng cáo, giao dịch bán phần mềm “copyphone”. Tôi chỉ làm theo sự chỉ đạo của Ngọc và nhận lương hàng tháng chứ không làm gì để bị coi là “giúp sức đắc lực” cho Ngọc cả.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Thanh: Nếu Thanh không làm thì người khác cũng sẽ làm
Tôi đồng ý với quan điểm của thân chủ khi cho rằng mức phạt mà VKS đề nghị là quá nặng so với mức độ vi phạm của Thanh. Trong vụ án này, Ngọc là người chỉ đạo, Thanh và những nhân viên khác chỉ là người làm thuê, ăn lương.
Nếu Ngọc không thuê Thanh thì cũng sẽ có người khác làm việc đó. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên Thanh vi phạm pháp luật, lại thành khẩn khai báo nên đề nghị HĐXX xem xét.
HĐXX: Tội đến đâu, xử phạt đến đó
Việc cài phần mềm nghe lén vào điện thoại của người khác là vi phạm pháp luật. Quá trình điều tra cho thấy đa phần những người mua phần mềm nghe lén của Ngọc đều có mục đích theo dõi vợ, chồng, người tình, đối tác làm ăn của mình. Nhưng để đảm bảo hạnh phúc cho gia đình họ, cơ quan chức năng chỉ phân tích, yêu cầu họ chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó chứ không truy cứu trách nhiệm.
Hành vi kinh doanh phần mềm nghe lén của Ngọc và đồng bọn không chỉ xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của người khác mà còn xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội. Với hành vi này, cần phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để răn đe.
Do số tiền thu lợi bất chính là 1,384 tỷ đồng nên hành vi của Ngọc đã phạm vào điểm c, khoản 3, Điều 226a, BLHS.
Áp dụng điểm c, khoản 3, Điều 226a, BLHS, phạt bị cáo Hoàng Ngọc 10 năm tù về tội Truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số của người khác; phạt Nguyễn Chung, Hoàng Hùng, Trần Thu, Lê Thị, mỗi bị cáo 5 năm tù cùng về tội danh trên; áp dụng điểm p, khoản 1, Điều 46; điểm c, khoản 3, Điều 226a, BLHS, phạt bị cáo Trần Thanh 7 năm tù giam; buộc các bị cáo phải nộp lại toàn bộ số tiền đã thu lợi bất chính.
Các bị cáo có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương