VKSND TP.Đ vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Phúc Hạnh (38 tuổi, trú thị trấn N.P, huyện D.X, tỉnh Q.N) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo điều tra, đầu tháng Chín, T.V.H. (27 tuổi, trú xã H.C, huyện H.V) và P.N.D. (23 tuổi, trú phường H.T.Đ, quận C) đi trộm vật liệu xây dựng của 1 công trình. Sau đó, H. bị công an quận C triệu tập để điều tra, còn D. thì công an chưa phát hiện hành vi phạm tội.
Trong thời gian được gia đình bảo lãnh, H. liên hệ với D. để tìm cách chạy án. Hai người này đã tìm gặp Hạnh là anh rể của H. nhờ giúp đỡ để không bị xử lý hình sự. Mặc dù không quen ai nhưng Hạnh "nổ" với em vợ là có thể chạy án được.
Sau đó, Hạnh đã nhiều lần lấy tiền của 2 thanh niên sắp bị khởi tố tổng cộng 290 triệu đồng, trong đó của D. là 200 triệu đồng và em vợ là 90 triệu đồng.
Ngày 5/11, H. và D. bị công an triệu tập để nhận quyết định khởi tố bị can. Lo sợ, D. liên hệ Hạnh để hỏi thăm vụ việc đã được giải quyết như thế nào thì Hạnh tiếp tục yêu cầu D. đưa thêm 30 triệu đồng nữa để Hạnh gặp lãnh đạo VKS và công an nhằm giảm nhẹ án.
Cơ quan điều tra đã âm thầm theo dõi và bắt quả tang khi Hạnh đang nhận 30 triệu đồng của D.
Ngày 27/11, TAND TP.Đ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Lương Văn. Đại diện VKS, kiểm sát viên Hoàng Oanh. Luật sư Trần Minh Quân, đoàn luật sư TP.Đ bào chữa cho bị cáo. Các bị hại không mời luật sư bảo vệ và có mặt tại tòa.
VKS: Vì tiền, bị cáo bất chấp cả tình thân
Theo lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, khi H. và D. đến “nhờ vả”, dù hoàn toàn không quen biết ai, cũng không có khả năng làm việc với cơ quan, tổ chức nào nhưng Hạnh vẫn “nổ” rằng mình có thể chạy án, lo cho 2 thanh niên trên thoát vòng lao lý. Vì tin tưởng Hạnh là anh rể của H., D. đã nhiều lần đưa tiền cho bị cáo tổng cộng 200 triệu đồng. Ngay cả em vợ, Hạnh cũng không ngần ngại “cầm” 90 triệu đồng.
Khi biết mình sắp bị khởi tố bị can, D. sợ hãi gọi cho Hạnh để hỏi thăm “tiến trình” chạy án ra sao, Hạnh tiếp tục yêu cầu D. đưa thêm 30 triệu đồng nữa để Hạnh gặp “lãnh đạo” nhằm giảm nhẹ án. Và Hạnh bị bắt quả tang khi Hạnh đang nhận 30 triệu đồng của D..
Ngay từ đầu, bị cáo đã có hành vi gian dối khi khiến các bị hại lầm tưởng bị cáo có khả năng chạy án để chiếm đoạt tài sản. Khi thực hiện hành vi này, bị cáo biết rõ không ai có thể can thiệp vào quá trình điều tra, xử lý vụ án của cơ quan chức năng nhưng vẫn hứa hẹn để lấy tiền tiêu xài. Kể cả nạn nhân H. là em vợ, bị cáo cũng không tha.
Với số tiền chiếm đoạt được của cả hai nạn nhân là 320 triệu đồng, VKS đề nghị HĐXX áp dụng điểm a (Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng) khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo 15 năm tù giam.
Bị cáo: Thấy lấy tiền dễ quá nên bị cáo tham
Thưa quý tòa, nếu nói bị cáo có ý định lừa đảo ngay từ đầu là không đúng. Chỉ sau khi H. và D. tìm gặp bị cáo, nhờ giúp đỡ, bị cáo mới có suy nghĩ này. Lúc đầu bị cáo chỉ “nổ” cho oai, nhưng sau khi lỡ cầm tiền của H. và D., bị cáo không thể nói sự thật nữa. “Đâm lao phải theo lao”, bị cáo đành liều rồi đến đâu lo đến đó. Mong HĐXX xem xét.
Bị hại H.: Ai nghĩ người nhà lại lừa mình?
Sau khi bị công an quận C triệu tập để điều tra, tôi rất sợ. Chính vì thế tôi đã tìm D. để bàn bạc, tìm cách chạy án. Biết anh Hạnh quan hệ rộng, chúng tôi đã nhờ anh ấy giúp đỡ để không bị xử lý hình sự. Ai ngờ anh ấy chỉ “chém gió” mà không có khả năng. Nay tôi chỉ đề nghị tòa buộc anh Hạnh phải trả lại tôi 90 triệu đồng đã nhận, còn về mức hình phạt, tòa cứ phán xử theo quy định.
Bị hại D.: Vì tin anh Hạnh nên tôi mới đưa tiền
Nếu anh Hạnh không phải là anh rể của H. và không “nổ” là có khả năng chạy án thì đời nào tôi đưa tiền cho anh ấy? Cũng chính vì quá tin tưởng nên kể cả khi bị công an triệu tập để nhận quyết định khởi tố bị can, tôi gặp anh Hạnh hỏi, anh ấy vẫn khẳng định có khả năng “chạy” được. Lần này anh ấy bảo tôi phải chi thêm 30 triệu đồng để anh ấy đi gặp lãnh đạo Viện và cơ quan điều tra để lo lót. Không ngờ, anh ấy lại lừa chúng tôi.
Luật sư bào chữa: Trước khi đưa tiền, bị hại phải kiểm chứng chứ?
Tôi không cho rằng thân chủ của tôi không có tội. Tuy nhiên, tôi cho rằng trước khi làm bất cứ việc gì, dù ai hứa hẹn ra sao, các bị hại cũng phải kiểm chứng chứ? Qua trao đổi, thân chủ của tôi cho rằng lúc đầu anh ấy chỉ “chém gió” cho vui, không nghĩ các bị hại lại tin là thật. Vì đã trót cầm tiền, lại là anh rể của H., bị cáo rơi vào tình thế “cưỡi trên lưng hổ”. Trả lại tiền thì lộ, trong khi anh D. liên tục hỏi “tiến độ” nên bị cáo đành liều. Mong HĐXX xem xét.
HĐXX: Ngay từ đầu, bị cáo đã có ý định lừa đảo
Căn cứ hồ sơ vụ án, căn cứ lời khai nhận tội của bị cáo, của các bị hại, HĐXX nhận thấy ngay từ lúc đầu, bị cáo đã có ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại. Điều này thể hiện ở chỗ tuy không có khả năng nhưng bị cáo vẫn “nổ” là mình có khả năng chạy án. Khi biết các bị hại tin là thật, bị cáo bắt đầu gợi ý chung chi. Trên thực tế, bị cáo đã nhận tiền của các bị hại nhưng không làm gì cả.
Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, gây dư luận xấu trong nhân dân, cần phải xử nghiêm để làm gương.
Tại cơ quan công an và tại phiên tòa, bị cáo vẫn không biết ăn năn, hối cải mà đổ lỗi cho các bị hại “ngây thơ” khi tin tưởng mình.
Vì các lẽ trên, áp dụng điểm a khoản 3 Điều 174 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Phúc Hạnh 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Buộc bị cáo phải trả lại cho các bị hại toàn bộ số tiền đã nhận.
Bị cáo, bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương