Theo cáo trạng của VKSND TP.H, sau khi ly hôn, chị Nguyễn Thị T (38 tuổi, quê tỉnh T.V) đưa con gái là bé B.N.C (SN 2014) đến ấp A, xã N, huyện C để thuê nhà, sống như vợ chồng với Lê Văn Nuôi (31 tuổi, quê tỉnh T.N).
Khi phát hiện số vàng của mình tích góp lâu nay đã bị chị T đem bán ăn chơi hết, Nuôi rất tức giận. Vì chuyện này mà hai người phát sinh mâu thuẫn. Khoảng 13h chiều 16/3, nhân lúc chị T đi làm tóc và gửi bé C cho Nuôi trông coi, Nuôi hỏi mượn xe máy của em trai chị T giả vờ nói đi chợ rồi quay về phòng ôm cháu C chở đi.
Khi về nhà, không thấy con gái và Nuôi đâu nên chị T gọi điện thì Nuôi nói đã mang cháu bé đi. Sáng 19/4, Nuôi bị bắt khi đang làm việc tại 1 nhà máy sản xuất bột cá ở xã T.B, thị xã L, tỉnh B.T.
Nuôi khai nhận, thông qua sự giới thiệu của 1 chủ quán ăn ở địa phương, Nuôi bán cháu C cho ông Nguyễn Văn Tuấn (47 tuổi, quê C.T, tạm trú huyện B.C.) và bà Trần Thị Hạnh với giá 3 triệu đồng. Chiếc xe máy của em người tình, Nuôi bán được 1,5 triệu đồng. Một tổ công tác khác đã tìm đến nơi ở của vợ chồng ông Tuấn giải cứu cháu C an toàn.
Ngày 20/4, PC45 Công an TP.H đã khởi tố bị can đối với Lê Văn Nuôi về 2 tội Mua bán trẻ em và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Văn Tuấn và Trần Thị Hạnh cũng bị khởi tố về tội Mua bán trẻ em.
Căn cứ vào kết luận điều tra, VKSND TP.H quyết định truy tố các bị can Lê Văn Nuôi, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Thị Hạnh theo khoản 1, Điều 120, BLHS về tội Mua bán trẻ em; Truy tố Lê Văn Nuôi theo khoản 1, Điều 140, BLHS về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngày 16/8, TAND TP.H đưa vụ án Lê Văn Nuôi ra xét xử sơ thẩm. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Ngọc Hùng. Kiểm sát viên Trần Thị Dung giữ quyền công tố tại tòa. Luật sư Hoàng Khôi, đoàn luật sư tỉnh T.N, bào chữa cho bị cáo Nữa. Luật sư Lê Đăng, đoàn luật sư TP.H, bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại.
VKS: Bị cáo không nên “giận cá, chém thớt”
Quá trình điều tra cho thấy bị cáo Nuôi đã lợi dụng sự tin tưởng của chị T khi giao cháu C cho mình trông coi rồi bắt cóc cháu, sau đó bán cháu lấy 3 triệu đồng. Nuôi khai làm vậy để “trả thù” chị T vì chị này đã bán hết vàng của Nuôi.
“Oan có đầu, nợ có chủ”, nếu cảm thấy hành động của chị T là không đúng, thậm chí nếu muốn đòi lại số vàng trên, Nuôi có thể yêu cầu chị này hoàn trả lại. Nếu chị T không trả, Nuôi có quyền khởi kiện ra tòa.
Bị cáo đã 31 tuổi nên quá hiểu hành vi nào là vi phạm pháp luật. Chỉ vì mâu thuẫn với chị T mà bị cáo bắt cóc và bán 1 đứa trẻ vô tội.
Bên cạnh đó, để có phương tiện phạm tội, Nuôi đã lừa mượn xe của em trai chị T, nói là đi chợ khiến anh này tưởng thật, giao xe cho bị cáo. Hậu quả, bị cáo đã bán chiếc xe trên lấy 1,5 triệu đồng. Sau khi phạm tội, bị cáo còn bình tĩnh bắt xe đi tỉnh khác xin làm công nhân như chưa hề có chuyện gì xảy ra, để mặc gia đình nạn nhân đau khổ, lo lắng cho tính mạng của cháu bé.
VKS đề nghị phạt các bị cáo Lê Văn Nuôi, Nguyễn Văn Tuấn và Trần Thị Hạnh cùng 3 năm tù giam về tội Mua bán trẻ em; Phạt bị cáo Nuôi 6 tháng tù giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Luật sư bào chữa cho bị cáo: T là người có lỗi
Là luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Văn Nuôi trong phiên tòa hôm nay, tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của vị đại diện VKS rằng bị cáo là người có tội. Tuy nhiên, hành vi nào cũng có nguyên nhân của nó.
Nếu như, chị T không tự ý bán toàn bộ số vàng mà bị cáo đã dành dụm được sau nhiều năm lao động vất vả. Nếu như, chị này tỏ thái độ ăn năn, hối lỗi khi bị cáo phát hiện ra chuyện đó, không tỏ thách thức bị cáo thì có lẽ vụ án này đã không xảy ra.
“Của đau thì con xót”, đó là lẽ thường. Trong lúc tức giận che mờ lý trí, bị cáo chỉ nghĩ làm thế nào để “trả thù” chị T nên đã đưa cháu C đi rồi bán cho vợ chồng ông Tuấn. Trong vụ án này, bị cáo không có kế hoạch từ trước mà đó chỉ suy nghĩ nông nổi trong lúc nhất thời.
Trước khi lượng hình, tôi đề nghị HĐXX xem xét toàn diện nguyên nhân, động cơ cũng như hoàn cảnh gây án của bị cáo Nuôi. Ngoài ra, Nuôi còn có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, lại thành khẩn khai báo, thể hiện thái độ ăn năn hối lỗi.
Luật sư bảo vệ gia đình bị hại: Lời khai của bị cáo là ngụy biện
Tôi và quý vị đều đã nghe bị cáo khai nhận quá trình phạm tội như thế nào. Cháu C mới 3 tuổi, lại yêu thương bị cáo như người thân. Thế mà bị cáo bắt cóc cháu, buộc cháu phải rời xa vòng tay mẹ. Đây là hành động vô cùng tàn nhẫn và độc ác.
Cho dù bị cáo và chị T có mâu thuẫn đến mức độ nào đi chăng nữa thì cháu C cũng là người vô tội, không phải là đối tượng để bị cáo “trút giận”. Cũng may là cháu chưa bị bán ra nước ngoài hay rơi vào tay kẻ xấu, nếu không, hậu quả thật khó lường.
Luật sư bào chữa cho rằng bị cáo phạm tội trong lúc nông nổi chỉ là ngụy biện. Nếu ai cũng phạm tội rồi đổ tại hoàn cảnh, đổ tại nạn nhân thì còn gì trật tự xã hội?
Không chỉ phụ lại niềm tin của mẹ con chị T, bị cáo mượn xe máy của em trai chị T rồi mang đi bán. Theo định giá, chiếc xe trên trị giá 10 triệu đồng. Việc VKS truy tố bị cáo về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hoàn toàn chính xác.
Từ những phân tích trên, tôi đề nghị HĐXX phạt bị cáo mức án thật nghiêm để cảnh cáo, răn đe.
Bị cáo Nuôi: Tôi chấp nhận mọi hình phạt
Tôi biết tôi có tội nhưng nói như luật sư bào chữa của tôi, nếu như T bán vàng của tôi để lo cho tổ ấm thì không nói làm gì. Đằng này cô ấy lại bán để lấy tiền ăn chơi. Trước khi lấy, cô ấy cũng không thèm nói với tôi một câu.
Khi tôi biết chuyện, hỏi lý do, cô ấy còn ngang ngược nói rằng tôi ki bo, tính toán, thậm chí xúc phạm, rỉa rói tôi khiến tôi bức xúc mà nghĩ quẩn. Giờ tài sản mất, bản thân lại vướng tù tội, tôi biết mình có nói gì cũng vô ích nên chấp nhận mọi hình phạt.
Bị cáo Tuấn: Tôi làm phúc nhưng phải tội
Chỉ vì thương người mà vợ chồng tôi gặp “tai bay vạ gió”. Khi Nuôi dắt cháu bé đến nhà, vì nhìn cháu bé xinh xắn, dễ thương, vợ chồng tôi quyết định giữ cháu lại chăm sóc, nuôi dưỡng. Ba triệu đồng chúng tôi đưa cho Nuôi không phải là tiền mua cháu bé mà là tiền xăng xe cho Nuôi đi lại.
Khi làm việc này, chúng tôi hoàn toàn không nghĩ rằng mình đã phạm pháp. Bằng chứng là thời gian sống với chúng tôi, cháu C luôn được chăm sóc đầy đủ, chu đáo. Việc chúng tôi bị truy tố, xét xử là quá oan.
HĐXX: Bán hay mua trẻ em đều phạm tội
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa hôm nay, HĐXX nhận thấy VKS truy tố các bị cáo Lê Văn Nuôi, Nguyễn Văn Tuấn và Trần Thị Hạnh về tội Mua bán trẻ em; truy tố Nuôi về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là có cơ sở.
Tuy nhiên, phần bào chữa của luật sư cũng không phải là không có căn cứ. Hành động của chị T là nguyên nhân chính khiến bị cáo phạm tội. Do vậy, sau vụ án này, chị T cũng nên kiểm điểm lại cách ứng xử của mình. Bị cáo Nuôi có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thái độ thành khẩn...
Ngoài ra, gia đình bị hại cũng có đơn đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo. Căn vào quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 46; khoản 1, Điều 120; khoản 1, Điều 140, BLHS, phạt bị cáo Lê Văn Nuôi 3 năm tù về tội Mua bán trẻ em; 6 tháng tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tổng hợp hình phạt là 3 năm 6 tháng tù giam.
Xét việc làm của vợ chồng bị cáo Tuấn đã tiếp tay cho hành vi phạm tội của Nuôi dù sau đó các bị cáo đã chăm sóc, yêu thương cháu C như con đẻ. Do vậy, cũng cần phải xử lý nghiêm để làm gương. Căn cứ điểm p, khoản 1, Điều 46; khoản 1, Điều 120, phạt bị cáo Nguyễn Văn Tuấn và Trần Thị Hạnh 3 năm tù về tội Mua bán trẻ em.
Bị cáo, gia đình bị hại có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày, kể từ ngày tòa tuyên án.
Ánh Dương