Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh B, do sống gần nhà nên Nguyễn Thị Thương (SN 1975, ngụ thôn D, thị trấn L, huyện T, tỉnh B) biết rõ ngoài làm việc ở xã, bà Nguyễn Thị H. (SN 1958, ngụ cùng thôn) còn bán thuốc trừ sâu tại nhà. Sau nhiều lần đến mua thuốc, Thương quan sát thấy bà H. sống đơn thân và hay cất giữ tiền trong chiếc gối ở phòng ngủ. Nghĩ đến khoản nợ cờ bạc, Thương nảy sinh ý định giết bà hàng xóm để trộm tiền.
Theo đó, tối 11/8, Thương mang theo 1 chiếc chày giã cua bằng kim loại đi sang nhà bà H. Tại đây, Thương gọi cửa, hỏi mua thuốc trừ sâu. Nhân lúc bà H. đang lúi húi lấy thuốc, Thương dùng chày đánh nạn nhân đến chết.
Sau khi gây ra tội ác, Thương đi rửa tay chân và hung khí sau đó quay vào nhà nạn nhân lục lấy tiền và điện thoại. Xong xuôi, Thương mang theo khóa, then cài cửa nhà bà H. (vì Thương sợ cơ quan công an sẽ tìm ra dấu vân tay của mình) rời khỏi hiện trường. Trên đường về nhà, Thương vứt chày, điện thoại cùng khóa, then cửa nhà nạn nhân xuống ao rồi về nhà ngủ như bình thường.
Vào cuộc điều tra, cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ Thương, sau đó khởi tố bị can về các tội Giết người, Cướp tài sản. Khám xét nơi ở của Thương, cơ quan điều tra còn thu giữ 27 triệu đồng là tang vật của vụ án.
Căn cứ vào kết quả điều tra, VKSND tỉnh B quyết định truy tố Nguyễn Thị Thương về tội Giết người theo điểm n (có tính chất côn đồ) khoản 1 Điều 93 BLHS và Cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS.
Ngày 29/9/2017, TAND tỉnh B đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án trên. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Ngọc Nga. Đại diện VKSND tỉnh B là kiểm sát viên Nguyễn Hữu Hạnh. Vì Thương không mời luật sư nên tòa án đã chỉ định luật sư Lê Thị Phương, đoàn luật sư tỉnh B. bào chữa cho bị cáo. Đại diện gia đình nạn nhân và luật sư Văn Mai Hồng, đoàn luật sư tỉnh B bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân.
VKSND: Bị cáo là nữ nhưng ra tay quá “máu lạnh”
Khi mới bị bắt giữ, Thương liên tục kêu oan và cho rằng cơ quan công an đã bắt nhầm người. Táo tợn hơn, bị cáo còn “dựng” lên một câu chuyện vô cùng lâm ly nhằm đánh lạc hướng điều tra rằng vào tối 11/8, khi đi tập thể dục qua nhà nạn nhân, Thương thấy thấp thoáng bóng một người đàn ông. Thương cho rằng bóng đen trên chính là “người tình giấu mặt” của bà H. và có thể vì mâu thuẫn trong chuyện tình cảm nên ông này đã sát hại nạn nhân...
Chỉ đến khi các điều tra viên trưng ra chứng cứ như chiếc chày giã cua, then, khóa cửa, số tiền thu được ở nhà Thương, bị cáo mới cúi đầu nhận tội.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân bị sát hại bằng vật cứng dẫn đến vỡ sọ não. Mặt nạn nhân bị nhiều vết rách và bị gẫy tới 7 chiếc răng.
Hành vi của bị cáo không chỉ thể hiện tính côn đồ khi tấn công nạn nhân đến chết mà sau khi gây án, bị cáo còn bình tĩnh đi rửa chân tay rồi mới lấy tài sản. Sau đó, Thương cố tình vứt hung khí xuống ao hòng phi tang, che giấu tội ác của mình. Là nữ giới, nhưng cách thức giết người của Thương quá “máu lạnh”.
Với 2 tội danh đặc biệt nghiêm trọng trên, VKS đề nghị xử phạt Thương tử hình về tội Giết người, 7 năm tù về tội Cướp tài sản.
Bị cáo Thương: Vì túng quá nên bị cáo làm liều...
Vì chơi cờ bạc, lô đề nên bị cáo mắc nợ rất nhiều người. Bị chủ nợ đòi rát, bị cáo không biết xoay sở thế nào. Đúng lúc đó bị cáo chợt nhớ tới bà H.. Vì hay qua lại nên bị cáo biết bà này có nhiều tiền và giấu tiền ở đâu. Tối 11/8, bị cáo quyết định ra tay. Trước khi đi, bị cáo mang theo 1 chiếc chày bằng kim loại rồi sang nhà bà H.. Sau đó bị cáo đã sát hại nạn nhân rồi lấy tiền như cáo trạng đã nêu.
Bị cáo biết mình có tội, chỉ mong HĐXX mở lượng khoan hồng, cho bị cáo một con đường sống để phụng dưỡng mẹ già, chăm sóc 2 con đang còn nhỏ...
Luật sư bào chữa: Nghĩ đến mẹ, các con bị cáo, tôi cảm thấy xót xa
Được chỉ định làm luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thương, tôi đã đi tìm hiểu nguyên nhân, động cơ khiến bị cáo phạm tội. Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, ngoài việc cày cấy, những lúc nông nhàn, bị cáo còn đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập. Rồi “cơn lốc” lô đề, cờ bạc tràn về địa phương, bị cáo bị tệ nạn đó lôi cuốn.
Lúc đầu Thương chỉ chơi vài ngàn đồng cho vui, sau vài lần trúng đề, bị cáo ham nên càng lún sâu hơn. Thói đời khi càng muốn gỡ thì lại càng thua, bị cáo thua nhiều đến mức phải bán hết tài sản có giá trị trong nhà lại còn “gánh” thêm hàng chục triệu đồng do vay lãi ngoài. Cũng vì chuyện này mà chồng bị cáo đòi sống ly thân. Sau đó, bị cáo đưa 2 con nhỏ về sống với mẹ đẻ. Nợ nần bủa vây, tiền ăn, tiền học của các con sắp phải đóng, lại không làm gì để ra tiền nên bị cáo đã làm liều.
Tôi biết hành động của bị cáo là không thể tha thứ. Với tư cách là một công dân, tôi vô cùng phẫn nộ nhưng với tư cách là một luật sư bào chữa, tôi vẫn phải nói để mọi người biết rằng trước khi gây ra vụ án này, bị cáo Thương là một người phụ nữ chăm chỉ, chịu khó, yêu chồng, thương con. Chỉ sau khi sa đà vào cờ bạc, bị cáo mới có những hành vi thiếu chuẩn mực. Sau khi được luật sư phân tích, bị cáo đã tỏ thái độ ăn năn, hối cải, muốn được giảm hình phạt để sớm trở về với mẹ và 2 con cũng như thắp nén hương tạ tội với nạn nhân...
Tôi nghĩ “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, hơn nữa, ngoài việc trừng trị, răn đe, pháp luật còn có tính giáo dục. Mong HĐXX mở lượng khoan hồng đối với bị cáo.
Đại diện gia đình nạn nhân: Đề nghị xử theo đúng pháp luật
Cái chết của bà H. khiến gia đình chúng tôi vô cùng đau đớn. Dù có bồi thường tiền tỷ thì người thân của chúng tôi cũng không thể sống lại được. Do vậy, tôi đề nghị HĐXX xử lý nghiêm bị cáo để làm gương.
Luật sư của gia đình bị hại: Cứ túng bấn là đi giết người, cướp của hay sao?
Xưa nay, giết người luôn bị xem là tội ác “trời không dung, đất không tha”. Người gây án không chỉ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật mà còn bị phán xét bởi tòa án lương tâm.
Chỉ vì muốn có tiền để trả nợ mà bị cáo đã nhẫn tâm tước đoạt tính mạng của bà H.. Sở dĩ bị cáo bị truy tố, xét xử với tình tiết tăng nặng định khung là “phạm tội có tính chất côn đồ” bởi không thù oán gì với nạn nhân nhưng bị cáo ra tay rất tàn nhẫn, quyết lấy mạng của bà H. đến cùng.
Sau khi giết người, bị cáo còn sang nhà nạn nhân giúp đỡ việc tang ma, mục đích là để nghe ngóng tin tức về quá trình điều tra. Bị cáo thương mẹ già, con nhỏ, vậy lúc sát hại bà H., bị cáo có nghĩ gia đình nạn nhân sẽ đau đớn đến mức nào khi mất đi người thân của mình không? Và nếu ai cũng đi giết người, cướp của khi túng quẫn như bị cáo thì xã hội này sẽ ra sao? Đàn ông ham cờ bạc đã đáng lên án rồi, đằng này bị cáo lại là phụ nữ. Chỉ vì tật xấu này mà vợ chồng bị cáo phải sống ly thân. Nhưng thay vì coi đó là bài học cho mình, tìm cách kiếm tiền để trả nợ thì bị cáo lại chọn cách giết người, cướp của.
Chúng tôi đồng tình với mức án mà VKS vừa đề nghị áp dụng đối với bị cáo. Ngoài ra, đề nghị HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân như luật định.
HĐXX: Tội ác khó dung
Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy hành vi của bị cáo là vô cùng nghiêm trọng. Hành vi đó không chỉ tước đi mạng sống của bà H., gây đau thương cho gia đình nạn nhân mà còn làm mất trật tự trị an, khiến dư luận phẫn nộ. Sau khi bị bắt, bị cáo lại khai báo quanh co, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Xét thấy hành vi của bị cáo là không thể cải tạo, cần phải loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội nên áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; khoản 1 Điều 133 BLHS, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thương tử hình về tội Giết người, 7 năm tù về tội Cướp tài sản; tổng hợp hình phạt là tử hình. Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 250 triệu đồng là tiền tổn thất tinh thần, tiền thu nhập bị mất...
Bị cáo, gia đình bị hại có 15 ngày để kháng cáo, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương