Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đ, ngày 2/1/2018, Công an tỉnh Đ đã bắt Huỳnh Văn (65 tuổi, ở xã P, huyện C) để điều tra hành vi giết người.
Theo điều tra, nhiều năm trước, Văn và vợ là Lâm Thanh ly hôn. Vài năm gần đây, cả hai quay lại sống với nhau như vợ chồng tại phường 2, TP.S. Thời gian qua, cả hai thường xuyên xảy ra mâu thuẫn vì Văn nghi ngờ bà Thanh có người tình mới nên không muốn sống chung với mình nữa.
Tối 2/1/2018, ông Văn đến nhà vợ cũ mong muốn nối lại tình cảm nhưng bất thành. Trong lúc cự cãi, Văn lấy chày giã tiêu và thanh sắt đánh vào đầu, mặt bà Thanh khiến nạn nhân tử vong.
Sau khi gây án, Văn lôi xác nạn nhân vào buồng, khóa cửa lại rồi về nhà. Sáng hôm sau, hàng xóm phát hiện nạn nhân tử vong liền báo cho cơ quan công an.
Căn cứ vào kết quả điều tra vụ án, VKS quyết định truy tố Huỳnh Văn theo điểm n, khoản 1, Điều 123, BLHS năm 2015.
Ngày 26/1/2018, TAND tỉnh Đ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. Tham dự phiên tòa gồm có thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Quốc Quân. Đại diện VKSND tỉnh Đ, bà Nguyễn Thị Minh. Luật sư Hoàng Hóa, đoàn luật sư tỉnh Đ, bào chữa chữa cho bị cáo Huỳnh Văn. Luật sư Lê Tuyết Hoa, đoàn Luật sư tỉnh Đ, bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại Lâm Thanh. Đại diện gia đình bị hại, anh Lâm Thao.
VKS: Hành vi của bị cáo quá côn đồ
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Văn khai nhận chỉ vì muốn bà Thanh quay lại chung sống với mình mà bị cáo đã tìm đến nhà bà này thuyết phục, thậm chí là van xin nhưng bà Thanh không chấp nhận. Cho rằng bà Thanh cự tuyệt tình cảm của mình là vì có người đàn ông khác, Văn đã sát hại bà này. Hung khí Văn sử dụng là chiếc chày giã tiêu và thanh sắt lấy được ở nhà nạn nhân. Khi sử dụng những hung khí đó, Văn biết rõ sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố tình sử dụng.
Hành vi của Văn thể hiện sự côn đồ, hung hãn, coi thường mạng sống của người khác, coi thường pháp luật và không thể dung thứ.
Do vậy, VKS đề nghị HĐXX loại bỏ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội bằng hình phạt cao nhất: Tử hình.
Bị cáo: Bị cáo làm vậy vì quá yêu!
Kính thưa HĐXX, vì quá yêu bà Thanh nên khi bà ấy không cho bị cáo ở chung nhà nữa. Điều đó khiến bị cáo rất buồn. Cũng vì yêu mà dù đã ly hôn nhưng bị cáo và bà Thanh chung sống với nhau như vợ chồng. Sở dĩ bị cáo và bà Thanh không đi đăng ký kết hôn lại là vì tuổi tác của cả hai bên đều đã lớn.
Nhưng cũng chính vì không được chính quyền thừa nhận mà bà Thanh mới “đá” bị cáo, đuổi bị cáo ra khỏi nhà sau khi có tình cảm với người đàn ông khác. Khi bị cáo góp ý, nạn nhân còn lớn tiếng thách thức, nói bị cáo là “đồ ăn bám” khiến bị cáo bức xúc. Và trong lúc tức giận, bị cáo nghĩ phải làm gì đó để dằn mặt bà Thanh, không ngờ lại quá tay khiến bà ấy chết.
Sau khi gây án, bị cáo đã rất hối hận. Do vậy, bị cáo mong HĐXX cho bị cáo một cơ hội sống để tạ lỗi với gia đình nạn nhân.
Luật sư bào chữa: Mức án đề nghị là quá nặng
Thay mặt thân chủ của mình, tôi xin được gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới gia đình bị hại. Với tư cách là công dân, tôi không đồng tình với hành vi của bị cáo nhưng với tư cách là luật sư bào chữa, tôi vẫn phải làm hết sức mình để gỡ tội cho thân chủ, dù biết là rất khó khăn.
Về tội danh, tôi không tranh luận nhiều vì đã quá rõ ràng. Bản thân bị cáo cũng đã thừa nhận. Tôi chỉ muốn nói đến nguyên nhân khiến bị cáo gây ra tội ác.
Thưa quý tòa, đúng là bị cáo và bị hại từng là vợ chồng nhưng cả hai đã ly hôn cách đây nhiều năm. Sau khi ly hôn vài năm, cả hai đều nhận thấy không thể sống thiếu nhau nên quyết định quay về chung sống như vợ chồng. Vì tuổi tác đã cao nên bị cáo không làm thủ tục đăng ký kết hôn lại. Hơn nữa, bị cáo cũng nghĩ đơn giản rằng tình cảm mới là thứ quan trọng nhất. Nhưng “người tính không bằng trời tính”. Trong khi bị cáo một lòng một dạ với bị hại thì bị hại lại có tình cảm với người đàn ông khác.
Vì chuyện này mà bị hại hắt hủi, xúc phạm bị cáo, khiến bị cáo bị trầm cảm nặng. Cũng vì quá yêu nên bị cáo đã làm mọi cách để níu giữ tình cảm nhưng không được. Hôm vụ án xảy ra, bị cáo đến nhà bị hại với hy vọng sẽ thuyết phục được bị hại thay đổi quyết định. Không ngờ bị hại cương quyết từ chối mà còn có lời lẽ xúc phạm bị cáo, đuổi bị cáo ra khỏi nhà, ném hết đồ đạc cá nhân của bị cáo đi khiến bị cáo không kiềm chế được tức giận mà gây ra án mạng.
Bị cáo đã 65 tuổi, lại đang bị bệnh huyết áp cao, tiểu đường, tiền liệt tuyến. Trước khi phạm tội, bị cáo có nhân thân tốt, chưa từng vi phạm pháp luật, lại thành khẩn khai báo.
Với những phân tích trên, tôi đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo 20 năm tù giam để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.
Đại diện gia đình bị hại: Giết người phải đền mạng
Thưa quý tòa, việc bà Thanh bị sát hại khiến gia đình tôi vô cùng đau đớn. Và dù bị cáo phải trả giá bằng cả tính mạng thì người thân của chúng tôi cũng không thể sống lại.Tuy nhiên, giết người thì phải đền mạng. Đó là quy luật ở đời. Gia đình tôi có mời luật sư bảo vệ quyền lợi, vì vậy mọi vấn đề cụ thể, luật sư sẽ thay mặt gia đình trình bày với quý tòa.
Luật sư bảo vệ quyền lợi của gia đình bị hại: Tội ác khó dung
Chỉ vì bị nạn nhân từ chối mà Văn nhẫn tâm sát hại bà này, khiến gia đình nạn nhân mất đi người thân. Dù vào thời điểm gây án, bị cáo và nạn nhân đã không còn là vợ chồng trên pháp luật nhưng đã từng chung sống với nhau như vợ chồng. Phật dạy rằng “Tu ngàn năm mới có thể chung chăn gối”, rằng “Một ngày vợ chồng, nghìn năm ân nghĩa”.
Bị cáo và nạn nhân không chỉ từng là vợ chồng còn đã sống với nhau trong nhiều năm, cùng nhau trải qua những thăng trầm trong cuộc sống. Thế nhưng chỉ vì sự ích kỷ của bản thân, vì muốn níu kéo tình cảm nhưng bất thành mà bị cáo đã nhẫn tâm tước đoạt quyền được sống của bà Thanh.
Bị cáo đã 65 tuổi, đầu đã hai thứ tóc nên không thể nói là nông nổi, là hành động bộc phát được. Hơn nữa, nếu chỉ muốn dằn mặt bà Thanh như bị cáo nói thì bị cáo có thể chỉ dùng chân tay, vì sao lại dùng chày giã tiêu và thanh sắt để đánh nạn nhân đến chết?
Thưa quý tòa, chuỗi hành động của bị cáo không thể coi là hành vi dằn mặt như bị cáo đã khai. Hành vi đó thể hiện sự côn đồ, hung hãn, mất hết tính người.
Thay mặt thân chủ của mình, tôi đồng ý với mức hình phạt mà VKS vừa đề nghị đối với bị cáo. Chỉ có hình phạt tử hình mới tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Việc luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tuổi đã cao, lại có nhiều bệnh trong người nhưng lại không đưa ra được bằng chứng cụ thể để chứng minh. Tôi đã tìm hiểu qua nhiều nhân chứng quen biết nạn nhân và bị cáo, họ đều cho rằng bị cáo hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu gì của bệnh lý.
Ngoài ra, thân chủ của tôi còn yêu cầu bị cáo phải bồi thường 500 triệu đồng gồm tiền mai táng phí, tiền tổn thất tinh thần, tiền thu nhập bị mất, tiền phụng dưỡng mẹ già trên 80 tuổi…
HĐXX: Nỗi đau mà bị cáo gây ra cho gia đình nạn nhân là không thể bù đắp
Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với các bằng chứng mà cơ quan điều tra đã thu thập được. Hồ sơ vụ án cho thấy bị cáo đã phạm tội Giết người. Việc VKS truy tố bị cáo theo điểm n (có tính chất côn đồ) khoản 1, Điều 123, BLHS là có sơ sở.
Tại phiên tòa, bị cáo và luật sư bào chữa không đưa ra được bằng chứng chứng minh bị cáo đã quá già yếu hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo hay thường xuyên đau ốm. Do vậy, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.
Xét hành vi phạm tội của bị cáo là vô cùng nghiêm trọng, gây đau thương cho gia đình nạn nhân, thể hiện sự coi thường pháp luật, gây dư luận xấu trong nhân dân. Lẽ ra hành vi phạm tội của bị cáo phải là tử hình thì mới xứng đáng nhưng xét thấy bị cáo tuổi tác đã cao, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, đã bồi thường cho gia đình bị hại 200 triệu đồng và có thái độ khai báo thành khẩn nên áp dụng điểm n, khoản 1, Điều 123, BLHS, HĐXX xử phạt bị cáo Huỳnh Văn tù chung thân về tội Giết người. Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 150 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần, tiền thu nhập bị mất. Ngoài ra, bị cáo còn phải có trách nhiệm chu cấp cho mẹ già hơn 89 tuổi của nạn nhân mỗi tháng 1,5 triệu đồng.
Bị cáo, gia đình bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương