Phiên tòa giả định: Xét xử vụ tài xế taxi đâm chết đồng nghiệp vì bị “cướp” khách

Phiên tòa giả định: Xét xử vụ tài xế taxi đâm chết đồng nghiệp vì bị “cướp” khách

Dương Kim Ngân

Dương Kim Ngân

Chủ nhật, 28/06/2020 13:00

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đ., vào 10h ngày 4/5, trong lúc đậu xe chờ khách tại cổng bệnh viện Đa khoa tỉnh Đ., giữa Lê Anh Đ. (SN 1977) và Trần Minh Tùng (SN 1979, đều là tài xế hãng taxi Việt Đức) xảy ra mâu thuẫn trong việc đón chở khách.

Vào thời điểm trên, có 2 người khách đến hỏi Tùng giá đi taxi về huyện Đ.R. Thỏa thuận giá xong, 2 vị khách mở cửa lên xe. Thấy vậy, Đ. chạy đến kéo khách lên xe của mình.

Bực tức vì bị anh Đ. giành khách và dùng cục bê tông ném trúng vào cánh tay, Tùng dùng dao đâm vào vùng ngực anh Đ. rồi lấy xe đi về nhà. Anh Đ. được mọi người đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Đ. cấp cứu nhưng đã tử vong. Sau đó, Tùng đến cơ quan điều tra đầu thú.

Pháp luật - Phiên tòa giả định:  Xét xử vụ tài xế taxi đâm chết đồng nghiệp vì bị “cướp” khách

Bị cáo giết người vì mâu thuẫn tranh giành khách (ảnh minh họa)

Với hành vi trên, Trần Minh Tùng bị truy tố về tội Giết người theo điểm n (có tính chất côn đồ) khoản 1 Điều 123 BLHS.

Ngày 16/5, TAND tỉnh Đ. mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Việt. Đại diện VKSND tỉnh, kiểm sát viên Hoàng Thị Thu. Luật sư Nguyễn Tâm, đoàn luật sư tỉnh Đ. bào chữa cho bị cáo Tùng. Luật sư Lê Hiếu Nghĩa, đoàn luật sư tỉnh Đ. bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại Đ. Đại diện gia đình anh Đ.

VKS: Bị cáo đã tước đoạt quyền được sống của người khác

        Không ai được quyền tước đoạt mạng sống của người khác dù vì bất cứ lý do gì. Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn trong lúc tranh giành khách mà bị cáo dùng dao tước đoạt mạng sống của anh Đ., khiến con mất cha, khiến vợ mất chồng, cha mẹ mất con. Khi cầm dao đâm vào vùng ngực của nạn nhân, bị cáo buộc phải biết đây là khu vực trọng yếu của con người, có thể dẫn tới tử vong nhưng vẫn thực hiện. Hành động đó thể hiện tính côn đồ, bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng của người khác.

        Cho dù nạn nhân có một phần lỗi là giành khách của bị cáo nhưng bị cáo không thể lấy lý do đó để xâm phạm tính mạng của nạn nhân.

Vì các lẽ trên, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo 20 năm tù giam về tội Giết người.

Bị cáo Tùng: Vì bị cướp khách và bị đánh, tôi đã không kiềm chế được hành vi

        Thưa tòa, tôi đã biết tội của mình rồi. Trong những ngày bị tạm giam, tôi vô cùng hối hận vì hành động nông nổi của mình. Chính vì vậy tôi đã tác động đến gia đình để bồi thường cho gia đình bị hại 100 triệu đồng với hy vọng bù đắp phần nào những tổn thất mà mình đã gây ra. Tôi không dám xin gia đình bị hại bãi nại cho tôi, chỉ mong họ rộng lòng tha thứ, xin HĐXX cho bị cáo cơ hội để chuộc lại lỗi lầm của chính mình.

Đại diện gia đình bị hại: Giết người phải đền mạng

        Kính thưa HĐXX, giết người thì phải đền mạng, đó là quy luật. Hành vi côn đồ của bị cáo là không thể tha thứ. Việc gia đình chúng tôi nhận tiền của gia đình của bị cáo không có nghĩa là chúng tôi tha thứ, bỏ qua cho tội lỗi của hắn. Do vậy, tôi đề nghị quý tòa xử phạt bị cáo mức án cao nhất. Ngoài ra bị cáo còn phải bồi thường cho gia đình tôi 500 triệu đồng.

Luật sư bào chữa: Bị hại là người có lỗi trước

        Thay mặt thân chủ của mình, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình bị hại. Tôi biết nỗi đau mất người thân không gì bù đắp được. Tuy nhiên, với tư cách là người bào chữa cho bị cáo, tôi vẫn phải nêu ra những luận điểm để chứng minh rằng vụ án xuất phát từ lỗi của người bị hại. Cùng là tài xế với nhau, lẽ ra bị hại phải vui khi đồng nghiệp có khách. Đằng này bị hại lại trắng trợn giành khách của bị cáo ngay khi khách bước lên xe. Nguy cơ mất miếng cơm ngay trước mắt khiến bị cáo mất bình tĩnh. Tuy tôi không đồng tình với hành động của bị cáo nhưng cũng hiểu được vì sao bị cáo lại hành xử như vậy. Bị cáo có tội, đó là điều không phải bàn cãi thế nhưng bị hại cũng có lỗi. Tôi đề nghị HĐXX xem xét kỹ tình tiết này trước khi lượng hình.

Luật sư bảo vệ gia đình bị hại: Cứ có lỗi là giết người sao?

Tôi không đồng tình với quan điểm của vị luật sư đồng nghiệp khi cho rằng nguyên nhân của vụ án là do bị hại có lỗi. Cứ có lỗi là được giết người? Ai cho bị cáo quyền sát hại người khác? Nếu thấy bị hại cướp khách, bị cáo có thể ra nói chuyện đàng hoàng, vì sao lại giải quyết bằng vũ lực? Trước khi chết, bị hại là lao động chính trong nhà. Bây giờ bị hại chết đi, ai sẽ lo cho cha mẹ già, vợ con của bị hại? 

HĐXX: Giết người là trọng tội

        Căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo, nhân chứng và diễn biến của phiên tòa hôm nay, HĐXX nhận thấy hành vi của bị cáo có đầy đủ dấu hiệu phạm tội Giết người. Chỉ vì mâu thuẫn trong lúc tranh giành khách mà bị cáo nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của bị hại. Hành vi đó thể hiện tính côn đồ, sự coi thường pháp luật, làm mất trật tự trị an, gây dư luận xấu trong nhân dân.

Xét bị cáo có nhân thân tốt, lại thành khẩn khai báo, bị hại cũng có một phần lỗi nên áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; điểm b, điểm s  khoản 1 Điều 51, phạt bị cáo Trần Minh Tài 20 năm tù giam về tội Giết người; Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 300 triệu đồng, trợ cấp cho cha mẹ bị hại mỗi tháng 1,5 triệu đồng; cấp dưỡng cho con bị hại mỗi tháng 2 triệu đồng cho đến năm 18 tuổi.

Bị cáo, gia đình bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.

Kim Ngân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.