Công ty Khải Thái thành lập tại Việt Nam do Hsu Ming Jung (Saga), quốc tịch Đài Loan đứng ra thành lập nhưng lại thuê các cá nhân người Việt Nam làm giám đốc. Quá trình hoạt động cho đến ngày 01/10/2014, công ty đã 7 lần thay đổi bổ sung đăng ký kinh doanh.
Theo tài liệu truy tố, để có thể lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các bị hại, Saga có sự giúp sức đắc lực của các bị cáo, gồm: Phan Kiện Trung (SN 1984, phiên dịch cho Saga), Nguyễn Mạnh Linh (SN 1987, nguyên Giám đốc công ty Khải Thái), Đoàn Thị Luyến (SN 1987, nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Charmvit của công ty Khải Thái), Tăng Hải Nam (SN 1975, nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Lotte của công ty Khải Thái), Đinh Thị Hồng Vinh (SN 1985, nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Plaschem của công ty Khải Thái) và Trịnh Hoàng Bình (SN 1975, nguyên Kế toán trưởng của công ty Khải Thái).
Quá trình xét xử, không ít bị cáo trong vụ án cho rằng, nếu công ty Khải Thái có hành vi lừa đảo thì chính các bị cáo cũng là nạn nhân trong vụ án này.
Bị cáo Đinh Thị Hồng Vinh khai, trong quá trình làm việc tại Khải Thái, Vinh rất tin tưởng công ty nên số tiền kiếm được Vinh đã không ngần ngại đầu tư vào Khải Thái. Chưa kể, bị cáo này còn tư vấn cho người thân đầu tư vào Khải Thái dưới dạng hợp đồng ủy thác…
Vinh sụt sùi cho rằng, bản thân không hề có ý định lừa đảo tiền mồ hôi nước mắt của mọi người. Bị cáo còn biết rất nhiều nhân viên trong công ty cũng đầu tư tiền vào Khải Thái.
“Liếc xuống dưới hội trường, bị cáo thấy có rất nhiều nhân viên của Khải Thái ngồi dự phiên tòa với tư cách là người bị hại. Trong khi số tiền hơn 500 triệu mà bị cáo đầu tư vào Khải Thái thì không được cơ quan điều tra ghi nhận. Nếu cho rằng Khải Thái có hành vi lừa đảo thì bị cáo cũng chính là bị hại trong vụ án này”, bị cáo Vinh nói.
Bị cáo Tăng Hải Nam cũng khai trước HĐXX rằng, mình bỏ tiền cá nhân để đầu tư vào Khải Thái. Cũng trong thời gian làm việc tại công ty “ma” này, Nam còn huy động cả em gái và người thân đầu tư hơn 3 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của luật sư, hầu hết các bị cáo đều khẳng định: “Không ai ngu dại gì lại đi lừa đảo chính bản thân mình”.
Xét hỏi tới bị cáo Trịnh Hoàng Bình (nguyên Kế toán trưởng của công ty Khải Thái), Bình khai nhận mới chỉ tiếp quản vị trí này của một người kế toán trưởng tên Thủy chưa đầy 1 tháng, bản thân bị cáo vẫn đang trong thời gian thử việc.
Công việc chủ yếu của Bình là làm kế toán thuế, tiếp nhận các giấy tờ, chứng từ chuyển đến và đi của công ty. Còn hoạt động cụ thể của công ty cũng như việc nguồn tiền đi về đâu, thu chi ra sao thì Bình không nắm được. Trong thời gian thử việc, Bình chưa được nhận bất kỳ khoản tiền nào khác ngoài lương.
Chính bản thân Saga khi được hỏi cũng trả lời tuyển dụng Bình vào làm quyền kế toán trưởng. Trong thời gian đó, Saga vẫn không ngừng tìm kiếm kế toán trưởng cho công ty.
Về phần Saga vẫn khẳng định việc mình lập công ty Khải Thái tại Việt Nam là làm theo chỉ đạo của ông chủ Lưu Kiến Phúc. Công ty Khải Thái chỉ là công ty con của Tổng công ty Fuxing, có trụ sở ở Đài Loan.
Việc cơ quan điều tra không tìm được công ty Fuxing theo địa chỉ mà Bình cung cấp cũng như không tìm được người có tên Lưu Kiến Phúc thì bản thân Saga không thể hiểu được. Bị cáo này nói, nếu như cho bị cáo thời gian, nhất định bị cáo sẽ tìm được công ty Fuxing và ông Phúc để phục vụ điều tra.
Cũng tại phiên tòa có rất nhiều cánh tay người bị hại giơ lên, khi được mời đứng lên những người này đều khai mình là bị hại trong vụ án, tuy nhiên chưa được cơ quan điều tra mời lên lấy lời khai, cũng như chưa ghi nhận là bị hại của vụ án.
HĐXX xét thấy, vụ án xuất hiện một số tình tiết mới cũng như có thêm nhiều bị hại chưa được cơ quan điều tra triệu tập và ghi vào biên bản. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Thúy An