Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ra quá nhiều đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ dàn trải, hình thức, không thực tế, ông thấy thế nào?
Mục đích của việc xây dựng Nghị quyết là nhằm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, luật Tổ chức Quốc hội, luật Giám sát Quốc hội về việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng, trong đó có quyết định về việc hàng năm lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức danh mà Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nếu thu hẹp đối tượng lấy phiếu tín nhiệm sẽ không ôm hết được các đối tượng đã nêu trong các nghị quyết trên. Việc lo ngại mở rộng tất cả các đối tượng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, dễ dẫn đến nguy cơ trở thành hình thức, cũng có lí.
Ông Lê Minh Thông.
Ý kiến không cần trải qua công đoạn lấy phiếu tín nhiệm mà nên bỏ phiếu luôn, theo ông phương án này được không?
Lấy phiếu tín nhiệm là để những người được lấy phiếu có thể đo được uy tín của mình qua các đại biểu QH để họ tự điều chỉnh, tự sắp xếp lại công việc điều hành sao cho đạt yêu cầu. Mục tiêu của việc lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò uy tín, đo uy tín, đánh giá lãnh đạo hàng năm và nó sẽ được làm thường xuyên, không nặng nề. Đến khâu bỏ phiếu tín nhiệm thì lại khác, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm ít đặt ra.
Trong dự thảo Nghị quyết đề cập đến việc người được bỏ phiếu tín nhiệm không đạt yêu cầu có thể xin rút lui, từ chức. Đây có phải là một cách để người có chức, có quyền ứng xử theo văn hóa từ chức không, thưa ông?
Lấy phiếu tín nhiệm cũng như là sự cảnh báo cho các cán bộ giữ vị trí lãnh đạo biết được uy tín của mình. Đó là cơ sở để người đó tự mình xem lại mình nên từ chức hay không? Vì thước đo đó là căn cứ để người có chức vụ tự vấn mình, tìm cho mình giải pháp tốt nhất. Có lẽ việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm này sẽ đặt nền móng cho văn hóa từ chức. Nhiều người thấy cần phải từ chức nhưng họ lại có những ảo tưởng cho rằng mình không đến mức như thế. Kết quả phiếu chính là số đo khách quan để người đó có giải pháp tốt nhất cho mình và tuyên bố từ chức trong danh dự, trong văn hóa.
Vậy còn nhân sự thay thế khi một lãnh đạo nào đó không đủ phiếu tín nhiệm, thưa ông?
Đương nhiên các cơ quan Đảng phải có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự thay thế. Cũng qua đây công tác quy hoạch cán bộ của chúng ta phải nâng lên một bước để luôn có sẵn nhân sự đủ tiêu chuẩn để thay thế khi một lãnh đạo bị bất tín nhiệm.
Tại sao trong dự thảo Nghị quyết không đưa ra vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm bất thường, thưa ông?
Không loại bỏ chuyện đó vì trong mục về bỏ phiếu tín nhiệm có 4 trường hợp bỏ phiếu: UBTVQH tự mình bỏ phiếu trong bất cứ thời điểm nào mà thấy cán bộ không còn tín nhiệm; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khi thấy bất cứ ai có vấn đề cũng có thể đề xuất bỏ phiếu; 20% đại biểu có kiến nghị bỏ phiếu và cuối cùng mới là căn cứ theo kết quả lấy phiếu.
Việc đưa ra tỷ lệ nếu có trên 50% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm thì người bị bỏ phiếu phải bị miễn nhiệm chức vụ, điều này có quá khó để đạt được trong thực tế không, thưa ông?
Phỏng đoán thì rất khó vì chúng ta chưa tiến hành làm nên nhìn vào con số 50% vẫn là quá lớn, phải chờ xem thực tế. Tôi cho rằng dự thảo Nghị quyết này là khả thi vì khi xây dựng dự thảo UBTVQH cùng các bên liên quan đã nghiên cứu và đưa ra nhiều phương án lựa chọn.
Quyền lực và giám sát Tại các phiên thảo luận trước, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị từ chức là một trong những nội dung được bổ sung vào sửa Hiến pháp tại kì họp Quốc hội. Theo bà Khánh, nếu chức vụ có ý nghĩa chức quyền, thì chức vụ gắn với vô số quyền lợi và không bị giám sát. Không có ai tự dưng từ bỏ quyền lợi của mình, trừ khi thế vào đó là quyền lợi còn lớn hơn. Vì vậy, trong các chế độ mà quyền lực không bị giám sát chặt chẽ, cũng chính là các chế độ vẫn bị tố cáo là chuyên chế hay tham nhũng, từ chức là chuyện rất hiếm hoi. Từ chức chỉ xảy ra một cách bình thường khi chức vụ đồng nghĩa với chức trách. Đó là lý do từ chức còn có cách diễn đạt khác: Từ nhiệm. Khi nhiệm vụ được giao gắn với chức vụ đã trao không được hoặc không thể hoàn thành, người ta rời bỏ chức vụ hay rời bỏ trách nhiệm. Người ta sẵn sàng rời bỏ chức vụ, khi chức vụ không gắn với đặc quyền về chính trị. |
Giang- Phương (ghi)