Philippines đàm phán mua thêm gạo Việt Nam

Philippines đàm phán mua thêm gạo Việt Nam

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 2, 14/08/2023 16:25

Philippines đang đàm phán để nhập khẩu thêm gạo từ Việt Nam nhằm tìm cách hạ nhiệt giá gạo trong nước thời gian qua.

Philippines đàm phán mua thêm gạo Việt Nam

Báo Thanh Niên dẫn nguồn tờ PhilStar, mới đây Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Domingo Panganiban cho biết đã nhận được báo giá thấp hơn từ 30 USD đến 40 USD mỗi tấn từ các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sau cuộc đàm phán mới nhất.

Ngoài ra, Philippines đang đàm phán với Ấn Độ để mua thêm gạo. Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo từ cuối tháng 7.

Năm nay, phía Philippines muốn Ấn Độ xuất khẩu gạo trên cơ sở nhân đạo. Điều này sẽ cho phép Philippines nhập khẩu thêm 300.000 tấn đến 500.000 tấn gạo trong năm nay.

Trước tình hình giá gạo thế giới nhiều biến động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines cho hay nước này cần mua thêm gạo Việt Nam và Ấn Độ nhằm hạ nhiệt giá trong nước. Việc nhập khẩu gạo từ hai nước sẽ giúp giảm giá vì tăng dự trữ quốc gia. Ngay cả khi không nhập khẩu, Philippines vẫn có đủ gạo dùng trong 52 đến 57 ngày vào cuối năm.

Đất nước Philippines cũng là một trong những nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới, nhưng nước này thường mua gạo từ các nhà cung cấp lớn như Thái Lan và Việt Nam để bù đắp thiệt hại sản xuất do các cơn bão gây ra. Họ dự kiến cần nhập 2,5 triệu tấn gạo trong năm nay, so với mức khoảng 3,5 triệu tấn vào 2022.

Thời gian gần đây, giá gạo ở nước này đang tăng "đột biến" tương đương với cuộc khủng hoảng gạo năm 1998.

Trước đó, Vụ Thị trường châu Á-Châu Phi chia sẻ, thời gian còn lại của năm 2023 và sang năm 2024, dự kiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục gia tăng. Vì thế, để tận dụng cơ hội tăng cường xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và chính sách của Philippines liên quan tới thương mại gạo.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tích cực phối hợp với các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động giao thương và tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang Philippines.

Kinh tế vĩ mô -  Philippines đàm phán mua thêm gạo Việt Nam

Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về xuất gạo sang Philippines

Thông tin trên báo Vietnam+, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu ra thế giới 3,6 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đạt 1,5 triệu tấn, chiếm 42,3%. Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines trong giai đoạn trên đạt 772,4 triệu USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Philippines trong 5 tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức tăng trưởng dương trong bối cảnh xuất khẩu nhiều loại mặt hàng khác có chiều hướng sụt giảm.

Mới đây, Fitch Solutions dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua vào năm 2023. Dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022 -2023, mức cao nhất kể từ niên vụ 2003 -2004, khi lượng thiếu hụt ở mức 18,6 triệu tấn.

Trước những dự báo trên sẽ khiến thị trường lúa gạo thế giới càng trở nên sôi động; trong đó có Việt Nam. Chuyên gia trong ngành nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo sẽ ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Thêm vào đó, thông tin Indonesia sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay khiến giá gạo xuất khẩu 5% tấm liên tục tăng.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.