Ngày 23/2, hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay khẳng định ông Tập đã cam kết với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rằng Trung Quốc sẽ không cải tạo, xây dựng các công trình trên bãi cạn Scarborough, nơi hai nước đang có tranh chấp.
Ông Yasay cho hay cam kết này được đưa ra trong cuộc họp song phương giữa hai phía hồi tháng 10 năm ngoái, sau khi Manila đặt vấn đề, nhắc tới báo cáo của tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc đã đưa tàu nạo vét tới khu vực tranh chấp này.
Ngoại trưởng Philippines khẳng định ông tự tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ giữ lời hứa trên.
Trước đó, cũng trong ngày 23/2, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành đã bất ngờ tuyên bố hoãn công du tới Philippines vào đúng phút chót mà không thông báo lý do cụ thể. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Reuters, nhiều khả năng ông Cao không tới thăm Philippines vì Bắc Kinh giận dữ với phát ngôn gần đây của Ngoại trưởng Philippines về Biển Đông.
Cụ thể, tại cuộc họp ngày 21/2 của Ngoại trưởng các nước ASEAN, ông Yasay nhấn mạnh rằng ASEAN hiện đang quan ngại sâu sắc với việc Trung Quốc đưa vũ khí ra Biển Đông, một hành động nhằm quân sự hóa khu vực tranh chấp này.
“Điều đó không phù hợp với sự phát triển lành mạnh và nhanh chóng hiện tại của quan hệ Trung Quốc – Philippines”, ông Yasay nói.
Theo kế hoạch thống nhất giữa hai bên, ông Cao sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới Philippines vào ngày 23/2. Bắc Kinh cũng đã ký khoảng 40 dự án trị giá hàng tỷ USD với Manila. Lẽ ra đây là một chuyến làm việc quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước nhưng nó đã không diễn ra theo đúng lộ trình.
Trung Quốc đã xây dựng một số đảo nhỏ, bãi cạn tại Biển Đông và đặt một số căn cứ quân sự trái phép ở trên đó. Theo các chuyên gia quân sự, những căn cứ tương tự ở Scarborough có thể giúp Bắc Kinh kiểm soát tình hình quân sự ở Biển Đông hiệu quả hơn. Mỹ cũng đã từng lên tiếng phản đối khả năng trên.
Trung Quốc giành kiểm soát khu vực bãi cạn Scarborough từ Philippines vào năm 2012 và thường điều tàu tới khu vực, không cho ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường và tiến hành các hoạt động đánh bắt. Tuy nhiên, sau chuyến thăm cấp nhà nước của ông Duterte, Bắc Kinh đã cho phép các ngư dân Philippines được khai thác trở lại khu vực ngư trường gần bãi cạn tranh chấp này.
Xem thêm: Công trình phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông là phép thử chính trị?
Danh Tuyên