Phim miễn phí và nỗi lo thẩm mỹ văn hóa
Trong thời gian qua, trước sức hút không thể cưỡng lại từ các bộ phim bom tấn như: Diên Hy công lược (Trung Quốc), Thâm cung kế (Hồng Kông), Nhật ký Saimdang (Hàn Quốc)…, hàng loạt sản phẩm giải trí lấy bối cảnh cổ trang Việt Nam đã được tung ra.
Ngay sau khi diễn viên trẻ Nam Thư phát hành phim Nam Phi liên hoàn kế, các nghệ sĩ trẻ khác như: Ca sĩ Thanh Duy Idol, diễn viên Quang Trung, BB Trần, Hải Triều… cũng tung ra phim Kỳ án cung Diên Thọ.
Sắp tới, nghệ sĩ Thu Trang cũng cho ra mắt phim Bổn cung giá lâm. Nghệ sĩ Thu Trang cho biết: "Ý tưởng ban đầu của series phim này hoàn toàn không có phần cổ trang nhưng chúng tôi đã thống nhất bổ sung phần cổ trang vào trong kịch bản gốc để tăng tính giải trí".
"Dòng phim cổ trang luôn là một ý tưởng hấp dẫn, không những là vùng đất màu mỡ cho sự sáng tạo, làm phong phú hơn cho câu chuyện mà còn hợp lý hóa những tình huống vô thực, cũng như dễ tạo mảng miếng hài hước”, nữ diễn viên cho biết thêm.
Điểm chung của những sản phẩm này là có sự tham gia của các diễn viên trẻ, có lối diễn hài hước và được phát hành online. Tuy nhiên, chính vì kinh phí thấp nên các bộ phim đều không có sự đầu tư kỹ lưỡng về bối cảnh, phục trang.
Các tình tiết đều dễ dãi, tùy tiện vì không có câu chuyện chỉn chu. Biểu cảm của các diễn viên đa phần đều thiếu nghiêm túc, tung hứng như tấu hài.
Khán giả Giang Thanh, sinh viên tại TP.HCM nhận xét: “Các phim này chỉ có bề nổi, mượn yếu tố cổ trang để hài hước mà không chú ý đầu tư câu chuyện. Vì thế, phim không có điểm nhấn, hài hước rồi chẳng đọng lại gì”.
Còn chị Diệu Loan (nhân viên văn phòng, quận 3, TP.HCM) lại gay gắt hơn khi cho rằng, những bộ phim này được phát hành miễn phí với chất lượng thấp đang khiến giới trẻ hiểu sai về văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Sẽ ra sao nếu các em học sinh nghĩ rằng các nhân vật lịch sử như Nguyên phi Ỷ Lan, Thái hậu Dương Vân Nga,… cũng cư xử tùy tiện như cách các bộ phim thể hiện”, chị Loan nói thêm.
Sáng tạo nhưng không thể bị hiểu nhầm
Nhận định về thực trạng này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết: “Tất cả các sản phẩm giải trí về cổ trang hiện nay đều được làm bằng cảm hứng, cảm xúc nhất thời. Các bạn làm ở mức độ giải trí, như một làn gió mới chứ ít khi nghiên cứu tỉ mỉ, đầu tư bài bản. Còn về lâu dài, văn hóa giải trí có bối cảnh cổ trang cần dựa trên tư liệu lịch sử chính xác".
"Tôi rất vui mừng và trân quý các bạn nghệ sĩ trẻ tuổi, có ảnh hưởng cộng đồng làm những sản phẩm văn hóa xưa cũ. Nhưng hãy thương thế hệ tương lai bằng cách làm cho đúng, tôn trọng văn hóa và lịch sử chứ đừng chạy theo xu hướng rồi đưa ra thị trường những sản phẩm vô thưởng vô phạt”, nam đạo diễn phân tích thêm.
Cũng theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, điều khó nhất khi làm phim cổ trang ở Việt Nam là yếu tố hư cấu. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố giải trí thì người làm phim cần hiểu rõ tính khoa học và lịch sử.
“Sáng tạo nhưng không thể để cho khán giả trẻ hiểu nhầm. Nếu chúng ta chưa có thế mạnh và kinh nghiệm với dòng văn hóa này thì ngay từ đầu phải làm cho đúng. Các bạn nên cảnh báo trên sản phẩm của mình, rằng đây không phải câu chuyện lịch sử có thật, mà được cảm hứng từ thời kỳ nào, giai đoạn nào. Cái đẹp về lịch sử cần phải chính xác, đúng đắn. Nếu không, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, khiến người xem ngộ nhận về lịch sử dân tộc”, anh Huỳnh Tuấn Anh nói.
Cũng theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, phim ảnh là một phần của văn hóa. Vì thế, muốn có phim cổ trang tạo được ấn tượng thì phong trào “cổ phong” phải phát triển, đáp ứng được những chất liệu về trang phục, ẩm thực, nghi thức,…
“Chúng ta đang làm phim ảnh cổ trang theo cách rất manh mún, tạm bợ. Nhiều nhà sản xuất có tiền nhưng chưa biết cách làm cho bài bản. Phía các cơ quan Nhà nước cũng chưa có phương hướng quản lý cụ thể cho thể loại văn hóa này. Chính vì thế, chúng ta thiếu kết nối với nhau. Nếu phía Nhà nước có chủ trương phát triển văn hóa cổ trang để tạo bản sắc cho đất nước, đầu tư các sản phẩm cổ trang để quảng bá nét đẹp văn hóa, con người, phong tục,.. thì mọi chuyện sẽ có tiến triển hơn”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đánh giá.