Theo quy định của Cục điện ảnh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 thì từ nay khán giả vào rạp xem phim, phải tuân thủ việc phim dán nhãn theo độ tuổi, phải trình chứng minh thư khi mua vé.
Theo đó, bảng tiêu chí này đưa ra bốn mức phân loại phim: phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng (PG); phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi (C13); phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (C16); phim cấm phố biến đến khán giả dưới 18 tuổi (C18). Cách phân loại phim được dựa trên chủ đề, nội dung; ngôn ngữ; mức độ cảnh bạo lực, khoả thân, tình dục, sử dụng ma tuý và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh…
So với bảng phân loại phim trước đây (chỉ dán nhãn phim ở hai mức: phim được phổ biến rộng rãi và phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi), cách phân loại mới này được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng duyệt phim quốc gia cũng như đơn vị sản xuất, nhà phát hành. Quy định phân loại phim chi tiết, rõ ràng nhưng việc áp dụng quy định như thế nào lại tùy thuộc vào mỗi rạp chiếu.
Chia sẻ với pv, đạo diễn Trần Hoài Nam cho biết: “Việc phân loại phim theo độ tuổi rất cần thiết vì lứa tuổi nào thì xem phim ấy nhưng cần có một hệ thống đồng bộ, ví dụ như khán giả dưới 16 tuổi không được xem phim dãn nhãn 16+ mà lại xem trên mạng xã hội hay Youtube thì sao? Ai quản lý được điều này? Ở nước ngoài, cho người chưa đủ tuổi vào quán bar, sàn nhảy thì chủ doanh nghiệp cũng bị phạt rất nặng nhưng ở Việt Nam vẫn có chuyện “nhấm nháy” nhau cho vào, vì thế mọi chuyện cần quản lý đồng bộ thì mới đúng quy định được, nếu cứ quy định khơi khơi thì rất khó quản lý…”.
Ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho hay: “Việc phân loại phổ biến phim theo độ tuổi mà Cục Điện ảnh vừa thông qua là cần thiết, tuy nhiên dưới 16 tuổi thì nhiều khán giả chưa có chứng minh thư hay thẻ căn cước, kiểm tra rất khó, việc yêu cầu các em mang giấy khai sinh đi thì càng khó, nhiều em lớn hơn trước tuổi rất nhiều…”.
Đạo diễn Hoài Nam bộc bạch thêm, việc dán nhãn phim cũng là một rào chắn barie để các đạo diễn căn cứ vào đó mà viết kịch bản, sản xuất phim để phim không bị cắt vì bị dán nhãn. Ở các nước phát triển, khán giả mua vé xem phim buộc phải trình chứng minh thư nhưng ở nước mình, mọi chuyện đều lạ lẫm nên vẫn đang “nhìn trước, nhìn sau” để tuân thủ quy định khi đến rạp chiếu phim.
Nhà sản xuất phim Tiến Hưng nêu ý kiến, việc kiểm tra chứng minh thư rất mất thời gian, nhất là những giờ cao điểm nhưng vì quy định nên các rạp chiếu phim cần tuân thủ vì hiện tại, rất khó để dựa vào sự tự giác của khán giả. Nếu khán giả vi phạm, cần có một chế tài mạnh hơn để làm đúng quy định của Cục Điện ảnh.
Lạc Thành