“Tuýt còi” vì nhạy cảm
Mới đây thôi, khán giả hâm mộ Quỳnh búp bê bỗng nhận được tin “sét đánh ngang tai” khi bộ phim này bị ngừng chiếu chỉ sau 6 tập phát sóng. Ngay từ khi lên sóng, Quỳnh búp bê – bộ phim khai thác trực diện chủ đề gái mại dâm và nạn buôn người, liên tục vấp phải những tranh cãi vì “nặng” yếu tố cảnh nóng, bạo lực và ngôn ngữ quá bạo không hợp với khung giờ vàng. Dù VTV đã chủ động dán nhãn 18+ để giới hạn người xem sau hàng loạt tranh cãi, nhưng hành động chậm trễ này vẫn không thể cứu vãn được tình hình. Đây cũng là lần đầu tiên một bộ phim truyền hình Việt bị “tuýt còi”.
Thực tế, Quỳnh búp bê không phải là phim truyền hình đầu tiên gây tranh cãi vì có nhiều cảnh bạo lực, nhạy cảm. Trước Quỳnh búp bê, liên tục các phim như Người phán xử, Mộng phù hoa hay Mỹ nhân Sài thành cũng từng khiến dư luận “chia phe” vì tràn ngập cảnh nhạy cảm.
Không thể phủ nhận, các bộ phim truyền hình của VTV thời gian trở lại đây gây được nhiều chú ý, dần kéo được khán giả về lại với màn ảnh nhỏ mỗi tối sau thời gian dài bị thờ ơ, lạnh nhạt. Nhưng, đôi khi, giới hạn của những "chiêu trò" giữ khách bằng nội dung, hình ảnh gây sốc có lẽ đã bị đẩy đi quá xa. Câu hỏi đặt ra, phải chăng, vì áp lực rating (lượng người xem-PV) khiến nhà đài, ê-kíp sản xuất tìm mọi cách để “câu” khán giả.
Đừng vội phán xét cảnh nóng, bạo lực
Bản thân cũng rơi vào trường hợp gây tranh cãi vì cảnh nóng trên màn ảnh, diễn viên Khánh My (vai Hồng Trà – phim Mỹ nhân Sài thành) cho hay: “Thật ra, những cảnh nóng trong các phim truyền hình Việt hiện nay không thực sự quá đáng như mọi người vẫn nghĩ. Có chăng, cái nhìn của khán giả về cảnh nóng vẫn chưa thoáng. Hơn nữa, cảnh nóng phản cảm hay nghệ thuật còn phụ thuộc vào góc nhìn của đạo diễn. Mọi thứ không phô quá, chừng mực thì cảnh nóng đó chấp nhận được. Với Mỹ nhân Sài thành cũng vậy, có những cảnh tình cảm của vợ chồng hay cảnh tắm đạo diễn cũng giữ chừng mực, vừa đủ”.
Nữ diễn viên sinh năm 1990 cũng chia sẻ thêm: “Nhưng cũng không thể phủ nhận những cảnh nóng hot này sẽ thu hút được khán giả. Người ta vẫn thường nói “phim là đời”, vì vậy khi quyết định khai thác một góc cạnh nào thì phải thể hiện chân thật nhất có thể. Tuy nhiên, nếu cho rằng sử dụng cảnh nóng, bạo lực để “câu” khán giả, điều đó là không đúng. Bởi, yếu tố này là cái vốn có của kịch bản, là mạch phim, bắt buộc đạo diễn, diễn viên phải thể hiện được. Còn nếu diễn đơn thuần, nhạt nhòa thì sẽ không “chạm” tới cảm xúc khán giả”.
Với cú vấp ngã của Quỳnh búp bê, một lần nữa, câu hỏi về chất lượng và giá trị nhân văn của các tác phẩm trên màn ảnh nhỏ tiếp tục được khơi lại. Nói về điều này, diễn viên Hồng Kim Hạnh bày tỏ: “Không thể phủ nhận, những điều giật gân, nhạy cảm vẫn luôn thu hút khán giả. Nhưng nếu các yếu tố đó không chứa đựng nội dung, khiên cưỡng thì khó chạm được tới cảm xúc khán giả, thậm chí còn bị phản ứng ngược. Việc tạo được câu chuyện hấp dẫn, góp phần giúp nhận thức của người xem tích cực hơn thì yếu tố giật gân, thời sự lại được xem là gia vị.
Hơn nữa, đối với khung giờ vàng hay khung giờ bình thường, một bộ phim dù có những cảnh nóng nhạy cảm, nhưng đằng sau đó chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc thì cũng cân nhắc theo dõi hết phim rồi hãy bình luận, phán xét”.
Diễn viên Khánh My cũng cho biết, tiết chế được hay không không chỉ nằm ở nhà đài, ê-kíp sản xuất mà còn phụ thuộc vào nhận thức của mỗi khán giả. “Tôi không nghĩ rằng, những bộ phim có cảnh nhạy cảm như: Bạo lực, cảnh nóng sẽ làm ảnh hưởng đến một con người. Thực tế, phim ảnh mới chỉ khai thác một góc rất nhỏ của xã hội, và khán giả có nhận thức thì rõ ràng họ sẽ có cái nhìn khách quan về mọi mặt”, Khánh My chia sẻ.
Ngập cảnh nóng, bạo lực vì loay hoay tìm cách thoát xác
Trước câu chuyện ồn ào này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho hay: “Từng là tác giả kịch bản của mảng phim truyền hình, tôi thấy rằng, từ lâu thuật ngữ rating như một “ẩn ngữ” treo lơ lửng trên đầu tất cả những người làm phim. Bởi, thật sự nó không được phổ biến một cách rõ ràng, đó là cái gì, cơ chế tính toán ra sao, và có thước đo nào cho sự minh bạch đó. Chính vì vậy, sức ép rating với những người làm chuyên môn thực sự nhiều khi không có thật. Thực tế, tình trạng những phim được báo cáo là rating cao vẫn dở như thường. Quảng cáo nhảy vào ngập ngụa vẫn không thể xem nổi đến tập thứ 5”.
Xoay quanh những tranh cãi về cảnh nhạy cảm ngập ngụa trong phim Việt thời gian qua, đạo diễn phim Bình tĩnh mà yêu nhìn nhận: “Thật ra, hiện tượng cảnh nóng trên phim cũng không hẳn để hút rating mà đơn thuần các đạo diễn và nhà sản xuất loay hoay với việc thoát xác của loạt phim nhà lầu, xe hơi, hồ bơi và biệt thự,... Đôi khi, cảnh nhạy cảm là cứu cánh cuối cùng cho thảm cảnh nghèo nàn đề tài, heo hút chất liệu. Cảnh nóng không phải chọn lựa mà để cứu rỗi sự cạn kiệt tư duy của người sáng tạo”.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhận định, đã đến lúc phải thật sự nhìn nhận, màn ảnh nhỏ cũng cần phải tâm huyết và kỹ lưỡng. “Tại sao để tình trạng phim lên sóng mới cho ngưng? Vấn đề không phải cảnh nóng hay bạo lực có hợp lý, có cần thiết không, mà câu chuyện phim mới quyết định tất cả. Tất cả hệ lụy đó là hậu quả của một thời gian dài thả nổi chất lượng và qua loa trong cách khai thác phim ảnh trên truyền hình”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết.
Dưới góc độ đạo diễn nhìn nhận về giá trị của cảnh nóng trên phim, Huỳnh Tuấn Anh cho rằng: “Khi sex để làm dáng, tô màu, trưng trổ thì hẳn nó sẽ gây phản cảm. Thật sự, cá nhân tôi không nghĩ cảnh nóng, nhạy cảm trên phim là xấu, những nó xuất hiện để làm gì mới đáng nói”.
Nhìn lại trường hợp “cú ngã ngựa” của Quỳnh búp bê, nên chăng, trước khi quyết định lên sóng cho số đông công chúng thưởng thức, các nhà sản xuất cần có sự điều chỉnh, tiết chế cho phù hợp, hoặc chọn khung giờ hợp lý, để tránh những ồn ào không đáng có.