Kundera & tiểu thuyết nổi tiếng nhất trong sự nghiệp
Milan Kundera là một nhà văn Tiệp Khắc (nay là Cộng hoà Séc) sống lưu vong tại Pháp từ năm 1975, trở thành công dân Pháp từ năm 1981. Năm 1984 tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham của ông được xuất bản lần dầu bằng tiếng Pháp, trình bày tỉ mỉ những tác động về đạo đức, chính trị và hậu quả mang tính cá nhân đối với một chuyện tình tay ba phóng túng của một bác sĩ trẻ với hai người phụ nữ.
Đời nhẹ khôn kham bối cảnh ở thủ đô Praha những năm cuối thập niên 1960 – 1970 là một tác phẩm hoa tình. Nó khám phá cuộc sống nghệ thuật và giới trí thức của xã hội Tiệp Khắc trong thời điểm chính trị sục sôi của sự kiện Mùa xuân Praha (Liên Xô và Khối hiệp ước Warsaw đưa xe tăng và quân đội vào Tiệp Khắc tháng 08/1968). Tomas – một bác sĩ phẫu thuật trẻ tuổi, nhân vật chính, cố gắng ngoi lên khỏi thế giới trần tục đầy rẫy những ràng buộc và trách nhiệm cá nhân – để thực hành đời sống tình dục mà không phải cắn rứt lương tâm, để thoát ra một cách nguyên vẹn khỏi thế giới lạc thú dâm ô mà vẫn giữ sự riêng tư và cô độc của mình. Đến cuối câu chuyện, sự tự do này đã trở nên quá nặng nề khiến anh không kham nổi.
Với tính chất nhạy cảm của nội dung nên Đời nhẹ khôn kham bị cấm xuất bản ở Tiệp Khắc, bao gồm luôn tất cả các tác phẩm của Milan Kundera trước đó. Mãi đến nhiều năm sau khi diễn ra Cuộc cách mạng Nhung năm 1989 làm Tiệp Khắc tan rã thì những tác phẩm của Milan Kundera mới được xuất bản ở quê hương ông.
Ngay từ khi mới ra mắt, Đời nhẹ khôn kham đã nhanh chóng làm dậy sóng văn đàn phương Tây. Và mặc dù Milan Kundera có nhiều tác phẩm khá đặc sắc nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông chỉ được biết đến rộng rãi khi Đời nhẹ khôn kham được đưa lên màn bạc.
Đầu tiên và cuối cùng
Đạo diễn gốc Tiệp Khắc xuất chúng Miloš Forman (từng 2 lần đoạt giải Oscar với Bay trên tổ chim cúc cu và Amadeus) – từng là học trò của Kundera – là người đầu tiên được các nhà sản xuất chọn ngồi ghế đạo diễn. Mặc dù cực kỳ thích dự án này, nhưng Forman e ngại chủ đề nhạy cảm của bộ phim sẽ làm liên luỵ đến người thân vẫn còn đang sống ở Tiệp Khắc, nêntừ chối và mời bạn mình là đạo diễn Mỹ Philip Kaufman thay thế.
Do không thể quay phim tại Tiệp Khắc, đạo diễn Kaufman và nhà sản xuất lừng danh Saul Zaentz quyết định quay bộ phim tại Lyons (Pháp), với nhà làm phim người Séc, Jan Němec – người đã sống tại Praha suốt thập niên 1960 – làm cố vấn. Cùng với nhà quay phim Thuỵ Điển nổi tiếng Sven Nykvist, họ sáng tác một câu chuyện đầy hình ảnh tráng lệ và một sự suy ngẫm phức tạp về thói đam mê nhục dục, chính trị, và đạo đức.
Kundera làm cố vấn một cách tích cực (nhưng không được nêu tên ở credit) trong quá trình thực hiện bộ phim. Kundera còn viết riêng cho bộ phim bài thơ mà Tomas thầm thì vào tai của Tereza khi cô đang ngủ thiếp đi. Bộ phim sử dụng nhiều âm nhạc của nhà soạn nhạc người Séc Leoš Janáček. Ngoài ra, nữ ca sĩ người Séc Marta Kubišová hát bài Hey Jude (của The Beatles) bằng tiếng Séc.
Nhà biên kịch Pháp danh tiếng Jean-Claude Carrière đã chuyển thể điện ảnh sát với nguyên tác, nhưng đạo diễn Philip Kaufman e ngại nó quá “nghệ thuật” đối với khán giả phim thương mại, nên đã thêm thắt và sửa lại kịch bản rất nhiều. Kịch bản gốc của Carrière xa rời khỏi phiên bản phim hoàn chỉnh. Kundera sau này khi xem phim đã hoàn toàn thất vọng. Ông tìm đọc lại kịch bản gốc của Carrière và cay đắng thốt lên: “Lẽ ra bộ phim nên được làm như thế này”.
Kundera buồn bã không còn quan tâm tới Đời nhẹ khôn kham nữa. Từ đó ôg cũng không cho phép chuyển thể điện ảnh bất kỳ tác phẩm nào của mình nữa!
Lần đầu tiên Daniel Day-Lewis “hoá thân”
Là một xuất phẩm của Mỹ và được đạo diễn bởi một người Mỹ, nhưng Đời nhẹ khôn kham lại có một dàn diễn viên chính phần lớn từ châu Âu, gồm Daniel Day-Lewis (Anh), Juliette Binoche (Pháp), Lena Olin và Stellan Skarsgard (Thụy Điển) và Derek de Lint (Hà Lan).
Lena Olin là một nữ diễn viên Thuỵ Điển nổi tiếng, nhưng Đời nhẹ khôn kham là bộ phim Mỹ đầu tiên cô được chọn vào vai chính, một phần do cô có ngoại hình bốc lửa, một phần do diễn xuất linh hoạt và sự thấu cảm trong diễn xuất. Lena Olin chỉ mới gặp bạn diễn Daniel Day-Lewis vào cái ngày đầu tiên cô có mặt trên phim trường, và theo lịch trình ngày hôm đó, cô không ngần ngại đóng với anh một trong những cảnh khỏa thân yêu đương dữ dội nhất của bộ phim.
Cô đào Pháp Juliette Binoche lúc đó chỉ mới là một gương mặt triển vọng. Trong buổi diễn thử, cô đã khiến đạo diễn Philip Kaufman xúc động đến rơi lệ khi diễn cảnh mô tả cái chết không đau đớn của con chó Karenin, và Juliette Binoche đã được giao vai Tereza.
Daniel Day-Lewis lúc đầu từ chối vai diễn Tomas vì cảm thấy kịch bản cho anh đóng vai một người quá tốt. Kịch bản được sửa lại và thêm vào nhiều chi tiết từ cuốn truyện để cho nhân vật này ít “hoàn hảo” hơn. Đời nhẹ khôn kham đánh dấu rất nhiều thứ đầu tiên trong sự nghiệp sáng chói của Daniel Day-Lewis. Tomas là vai chính đầu tiên, mặc dù anh đóng phim từ năm 1971. Cũng từ phim này, Day-Lewis bắt đầu áp dụng phương pháp nhập vai hà khắc, khi anh từ chối thoát vai cả trong lẫn ngoài phim trường. Anh miệt mài học tiếng Séc trong suốt toàn bộ lịch quay dài 8 tháng, và lần đầu tiên anh làm xáo trộn cuộc đời, khi tự cho phép mình liên hệ cảm xúcvới nhiều phụ nữ.
Phim gợi tình nhất kể từ sau Last Tango in Paris
Bản dựng đầu tiên được chiếu cho hãng phim xem dài chưa đầy 2 tiếng đồng hồ và nội dung khó hiểu. Philip Kaufman được đề nghị bổ sung thêm những cảnh mà ông đã cắt bỏ. Ngày hôm sau, hãng phim được xem phiên bản hoàn chỉnh dài gần 3 tiếng được chiếu rạp sau này. Có tin là Kaufman đã cố tình chiếu cho hãng phim xem một phiên bản khó hiểu và ngắn hơn, để bản dựng của ông được chấp thuận mà không bị yêu cầu cắt bớt.
Không phải bộ phim điện ảnh lớn nào sau hơn 10 buổi chiếu cũng tiếp tục đem lại các khía cạnh mới của sự mê hoặc đặc sắc và chiều sâu về chủ đề, nhưng Đời nhẹ khôn kham chắc chắn là một trong số những bộ phim đó. Mặc dù có độ dài gần 3 tiếng đồng hồ, nhưng không có một khung hình nào thừa. Mọi khoảnh khắc đều góp phần vào một tầm nhìn bao hàm lịch sử chính trị, sự cảm nhận, sự tự do cá nhân, và trên hết là cách kể chuyện bằng hình ảnh khó thể chê được.
Đạo diễn Kaufman đạt được hiệu quả này gần như không cần phải cố gắng. Lúc đầu, phim của ông có vẻ hầu như chỉ nói về sex, nhưng sau đó chúng ta nhận ra rằng ông không cho phép camera trở thành một kẻ rình mò. Có nhiều cảnh khỏa thân trong phim nhưng không có tính khiêu dâm. Camera không nấn ná hoặc di chuyển tới nơi có tầm nhìn rõ nhất, hay vui thú với cảnh tượng khỏa thân. Kết quả là những cảnh sex cay đắng nhất, gần như là buồn – gợi dục nhưng sung sướng xen lẫn với đau đớn.
Đời nhẹ khôn kham thường được chú ý chủ yếu vì tính khiêu dâm của nó. Nhưng điều nổi bật ở Đời nhẹ khôn kham không phải là nội dung tình dục, mà là cách đạo diễn Kaufman sử dụng nó như là một phương tiện để kể một câu chuyện phức tạp về nỗi hoài cổ, mất mát, chủ nghĩa lý tưởng và sự lãng mạn. Có thể nói đây là bộ phim khiêu dâm nghiêm túc nhất kể từ sau bộ phim tình dục khét tiếng năm 1972 của đạo diễn Italia Bernardo Bertolucci, Last Tango in Paris (Bản Tango cuối cùng ở Paris).
Mặc dù được giới phê bình hết sức ca ngợi, nhưng bộ phim không thành công về thương mại khi doanh thu chỉ có 10 triệu USD (kinh phí sản xuất 17 triệu USD). Năm 1988, phim được đề cử 2 giải Oscar cho Quay phim và Kịch bản chuyển thể. Viện phim Mỹ đã xếp Đời nhẹ khôn kham vào danh sách 100 Bộ phim tình cảm hay nhất của điện ảnh Mỹ.
Theo Thể thao Văn hóa