Thị trường phim hài đang dần trở thành một lựa chọn an toàn, được các nhà sản xuất khai thác triệt để. Hàng loạt các phim đang công chiếu và sắp ra rạp từ nay đến cuối năm đều phủ một màu hài. Không dám mạo hiểm, thiếu sự đa dạng, thì đến một thời gian nhất định, dù có là thể loại hài được đông đảo khán giả đón nhận cũng khó có thể cứu vãn được sự "tuột dốc" của phim điện ảnh Việt, vốn còn đang loay hoay tìm một hướng đi, hướng phát triển lên tầm cao mới trong thời hội nhập.
Điện ảnh Việt "một màu" mùa cuối năm
Từ nay cho đến mùa Tết 2014, điện ảnh Việt có tới 8 phim hài được công chiếu. Ngoài hai phim hài đang chiếu là Tiền chùa và Âm mưu giày gót nhọn, đầu tháng 11 sẽ là cuộc đổ bộ của Tía ơi do danh hài Hoài Linh giữ vai trò sản xuất cùng hãng phim Xuân Phước, Công ty điện ảnh SaigonMedia, phim Đại náo học đường của đạo diễn Lê Bảo Trung. Tiếp đến vào dịp Noel các rạp sẽ khởi chiếu phim hài Tèo em của đạo diễn Charlie Nguyễn, Năm sau con lại về của đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Hai lúa của hãng Cinebox, Cô dâu đại chiến 2 của đạo diễn Victor Vũ,...
Hàng loạt phim hài đã và sắp ra rạp dịp cuối năm 2013.
Không phải ngẫu nhiên mà thể loại phim hài lại được các đạo diễn, nhà sản xuất phim lựa chọn. Phim hài dễ làm, dễ được duyệt, kinh phí bỏ ra không lớn, không cần đầu tư thời gian và công sức, mà khán giả lại dễ chấp nhận. Sau hàng loạt các phim "bom tấn" đình đám với kinh phí đầu tư "khủng", kịch bản hấp dẫn, những cảnh quay ấn tượng, được dàn dựng công phu, khi ra rạp lại không nhận được sự đón nhận của khán giả. Thậm chí có phim còn không thể ra rạp vì không lọt qua được vòng kiểm duyệt, đã khiến không ít đạo diễn, nhà sản xuất e dè, không dám mạo hiểm "đồng tiền bát gạo" của mình thêm nữa.
Có vẻ như sau cả một năm "cống hiến" hết mình vì nghệ thuật, nhưng lợi nhuận thu về không cao, thậm chí có nguy cơ "âm" vốn, khiến các nhà sản xuất tranh thủ dịp cuối năm để thu hồi vốn. Và theo như nhận định của những người trong giới, thì chỉ có phim hài mới có nhiều cơ hội thu hồi vốn. Cuối năm, cũng không ai còn háo hức với đấm đá, chết chóc, ai ai cũng chỉ mong có những tiếng cười nhẹ nhàng trước độ xuân về. Tuy nhiên, nếu như mọi năm vẫn thấy được sự đa dạng của phim chiếu rạp mùa cuối năm, như: Nhà có 5 nàng tiên, Bay vào cõi mộng, Mỹ nhân kế, Hoàng tử và lọ lem, Thạch Sanh 3D,... Thì năm nay tìm mỏi mắt cũng khó kiếm được phim theo thể loại tình cảm, lịch sử, chính sự nào ngấp nghé ra mắt.
Tuy nhiên, nếu chỉ làm phim theo số đông, thiếu đi sự mạo hiểm, không dám tìm tòi, đột phá để đa dạng thể loại phim, thì điện ảnh Việt không thể mong chờ một sự khởi sắc trong năm mới. Lựa chọn an toàn chưa bao giờ là lựa chọn của những người làm nên sự khác biệt. Chưa kể đến thể loại phim hài chủ yếu vẫn chỉ là mang giá trị giải trí, giáo dục nhẹ nhàng, bình dân, khó đạt tới đỉnh cao của giá trị nghệ thuật. Món ăn dù có ưa thích mà phải ăn mãi cũng chán. Nếu không đạt được một số tiêu chí nhất định, đua nhau sáng tác kịch bản hài để cạnh tranh, sẽ dễ biến thành hài nhảm, tầm thường, bán mua tiếng cười trên sân khấu.
Phân khúc thị trường rộng lớn?
Có thể thấy, điện ảnh Việt Nam trong khoảng thời gian gần đây dường như tập trung cho mảng phim hài. Hàng loạt bộ phim mang tính chất gây cười thu hút được khán giả như: Âm mưu giày gót nhọn, Nhà có 5 nàng tiên, hay sắp tới đây là phim Tía ơi... Cũng trong lúc này, điện ảnh Việt Nam cũng chứng kiến hàng loạt phim bị cấm chiếu. Hoặc sự èo uột không đủ sức để kéo khán giả ra rạp dù được đầu tư số lượng tiền tỷ khá khủng, cùng với sự chăm chút khá kỹ lưỡng như: Đường đua, Bụi đời Chợ Lớn,...
Nhiều ý kiến trái chiều sau khi những bộ phim trên ra mắt. Có người cho rằng phim quá bạo lực, hoặc chưa đủ chiêu trò hút khán giả, bởi cách PR quá “sạch sẽ” và không có được nhiều chiêu trò gây hút khách. Nghịch lý rõ ràng là những bộ phim hành động, ít được chấp nhận hơn vì yếu tố này hoặc yếu tố khác. Trong khi đó, phim hài nhẹ nhàng lãng mạn có đất sống một sức hấp dẫn lạ kỳ với các khán giả. Điều gì khiến phim hài có mảnh đất sống mãnh liệt trên thị trường giải trí ở Việt Nam?
Có rất nhiều giả thiết để lý giải, chẳng hạn như phải chăng vì người Việt không thích những cảnh đấm đá, chết chóc, hay cách làm phim dễ dãi của các đạo diễn không phù hợp với khán giả ngày càng khó tính. Chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Hồ Quang Minh cho biết: "Thực tế hiện nay, nhu cầu của khán giả đối với các bộ phim hài, lãng mạn khá cao. Phân khúc phim hài khiến thị trường này rộng lắm. Bao giờ cũng vậy, phim hài dễ gây cảm tình với khán giả bởi nó dễ xem, nó giúp tâm lý con người khuây khỏa hơn. Thêm một phần do cuộc sống bộn bề, người ta thường tìm đến hài như một cách giải trí và xua đi những phiền muộn, lấy lại tinh thần hơn".
Thực tế cũng cho thấy rằng, sự hấp dẫn của phim hài không chỉ ở phía khán giả, mà nó còn làm cho các nhà sản xuất, các đạo diễn khá ưa chuộng. Lý giải một phần sự hấp dẫn của thể loại phim hài, nhà biên kịch Tô Hoàng, giảng viên trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh TP.HCM cho biết: "Sở dĩ nhiều người thích làm phim hài vì một phần các sản phẩm này dễ được công chúng hưởng ứng. Bên cạnh đó, việc mời những tên tuổi nổi tiếng, ăn khách xuất hiện trong thể loại này dễ thu hút được sự quan tâm của khán giả. Hiện nay, có những tên tuổi đã được gây dựng đảm bảo độ hài hước nhất định, vì thế nếu các nhà sản xuất mời được thì một phần việc đảm bảo tính ăn khách của phim, chính vì thế các nhà sản xuất cũng thêm phần an tâm về sự thắng lợi của bộ phim".
Đạo diễn Hồ Quang Minh.
Hài “chỉn chu” và hài “rẻ tiền”
Xét về những ưu điểm của dòng phim hài, như mang tính giải trí nhiều, được công chúng hưởng ứng, lại không đụng chạm nhiều đến các vấn đề xã hội nên mức độ nhạy cảm mà phim này đem lại không nhiều, thế nên nó dễ dàng được nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên, để phim hài chinh phục được thị trường khán giả Việt vẫn không hề bằng phẳng và cũng chẳng thật sự dễ dàng. Đạo diễn Hồ Quang Minh chia sẻ: "Để làm một bộ phim lấy nước mắt khán giả không khó, nhưng để lấy nụ cười của khán giả không dễ dàng chút nào. Đó phải là cái duyên dáng thật sự, cái cười thật sự phải bật ra từ tình huống, nhân vật chứ không phải là những tình huống chọc lét người xem. Vì thế nó đòi hỏi tay nghề rất cao từ đạo diễn, diễn viên cũng như các yếu tố khác".
Thế mới thấy, để chinh phục được khán giả, đòi hỏi người làm phim phải bỏ rất nhiều công sức, sự cố gắng hết mình. Một tín hiệu vui rằng khán giả cũng còn dành rất nhiều tình cảm cho phim, đặc biệt là thể loại hài. Vậy nên, đó sẽ là một cơ hội rất tốt để các đạo diễn, nhà sản xuất tiếp cận và chinh phục thị trường bằng những thể loại phim hài có chất lượng. Và mặc dù, thể loại phim hài khá đông đảo, nhưng chính sự phát triển đông và mạnh như vậy nó cũng chính là sự cạnh tranh khắc nghiệt để thu hút khán giả. Khi ấy những bộ phim hài chỉn chu, đầu tư kỹ lưỡng sẽ thắng thế những phim hài nhảm, rẻ tiền. Chính yếu tố này sẽ là thước đo và là đòn bẩy để một phim hài tốt xuất hiện.
Khán giả quyết định số phận phim hài "Khi điện ảnh cũng là một nền công nghiệp giải trí nó sẽ đáp ứng những nhu cầu của mọi khán giả. Bên cạnh đó, việc phát triển đa dạng của các hãng phim tư nhân cũng sẽ là một nhân tố tạo nên sự phong phú cho thị trường điện ảnh Việt. Vậy nên chuyện phát triển của phim hài sẽ được quyết định bằng quy luật thị trường, và khán giả chính là người hưởng lợi", đạo diễn Hồ Quang Minh chia sẻ. |
Hợp Phố - Hương Lam