Cuộc chiến sắc đẹp
Sắc đẹp là nhiên liệu quan trọng khiến thế giới của phụ nữ xoay tròn, nhưng nó đồng thời là tác nhân tạo “nếp nhăn” giữa thứ tình cảm vốn nổi tiếng là gắn bó của chị em. Câu hỏi “ai là người đẹp nhất thế gian” sẽ trở nên sinh động và thuần khiết hơn bao giờ hết với sự ra mắt của hai bộ phim, cùng được chuyển thể từ chuyện cổ tích Bạch Tuyết và bảy chú lùn, mang tựa đề Mirror, Mirror (3/2012) và Snow White and the Huntsma (6/2012).
Nội dung cả hai tác phẩm này đều mang tính hiện đại khi cho nàng Bạch Tuyết cầm gươm nổi dậy giành lại ngôi báu từ bà hoàng hậu xảo quyệt. Điểm khác biệt rõ ràng nhất ở đây rơi vào phong cách kể chuyện của hai đạo diễn, trong đó Mirror, Mirror của Tarsem Singh với lối dàn dựng hình ảnh, màu sắc rực rỡ thuần chất mỹ thuật, đi đôi cùng những trường cảnh ca vũ kịch vui nhộn, Snow White and the Huntsman của Rupert Sanders với không khí u ám, nặng nề và đại cảnh chiến đấu hoành tráng như một phim “bom tấn”.
Snow White and the Huntsma
Thế nhưng, điểm khiến công chúng tò mò nhất là cuộc chiến sắc đẹp giữa Julia Roberts và Charlize Theron. Hai kiều nữ Oscar chưa phát biểu chính thức về cuộc đối chọi này nhưng sự so sánh một vai diễn giống nhau là điều khó tránh khỏi. Và dù có hay không cuộc chiến giữa Julia Roberts và Charlize Theron thì Hollywood vẫn không thể sắp xếp ngày sản xuất và ra mắt hai bộ phim cách nhau một năm.
Người đàn bà và con gấu
Khi dự án Brave được công bố sẽ là bộ phim hoạt hình cổ tích đầu tiên, có nhân vật chính đầu tiên là nữ, với Brenda Chapman là đạo diễn nữ đầu tiên của Pixar, người ta đã mơ về một bước ngoặt tươi mới cho studio 26 năm tuổi này. Nhưng đáng tiếc, tháng 10/2010, Brenda đã bị thay thế bằng Mark Andrews, một nam đạo diễn. Vì thế, tờ Los Angeles Times ám chỉ, Pixar vẫn là loài gấu đáng sợ trong suy nghĩ của các nữ hoạt họa viên.
Câu chuyện của Brenda không có cái kết có hậu, dù bà là người thai nghén Brave từ năm 2008. Kịch bản Brave do Brenda viết và lấy cảm hứng từ mối quan hệ giữa bà và con gái. Đó là câu chuyện về công chúa Merida ở Scotland xa xưa, nơi chế độ phụ hệ được xem như truyền thống thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Là cung thủ cự phách, Merida muốn chứng tỏ cô cũng bản lĩnh không kém đàn ông. Merida cầu xin sự tự do, điều ước đó biến mẹ cô thành con gấu hung dữ. Liệu Merida có đủ can đảm để phá bỏ lời nguyền và chịu trách nhiệm với những gì cô gây ra trước khi quá muộn? Công chúng sẽ tìm thấy đáp án vào ngày 22/6/2012.
Ánh sáng cuối đường hầm
Đến thời điểm hiện tại, The Hunger Games (3/2012), khởi đầu của một serie phim dự kiến 3 tập là bộ phim đủ cái cớ để tiếp bước Twilight. Thứ nhất, cũng như Twilight, phim được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết 3 tập bán chạy nhất tại Mỹ do nữ văn sĩ Suzanne Collins sáng tác. Thứ hai, nội dung The Hunger Games cũng mang tính viễn tưởng khi lấy bối cảnh là thế giới tương lai với những tổ chức, cuộc thi hết sức dị biệt. The Hunger Games, tuy mở rộng hơn đối tượng khán giả, nhưng sẽ không có được chất ma mị đã tạo nên sức hút cho Twilight.
The Hunger Games
Năm 2012, cho dù hai bộ phim Bạch Tuyết có trở thành trò cười, Brave có mất đi một nữ đạo diễn và hiện tượng Twilight có dừng bước thì từ đây trở đi, Hollywood sẽ đứng trước một làn sóng tranh đấu vì quyền lực đến từ các nhà làm phim nữ. Đỉnh điểm sẽ rơi vào tháng 12/2012, khi bộ phim điện ảnh thứ 9 của đạo diễn Kathyrn Bigelow ra rạp. Một bộ phim về cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden, kẻ cầm đầu một tổ chức Hồi giáo cực đoan, được thực hiện bởi một người đàn bà Mỹ.
Mai Nguyên (theo TGĐA)