Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc vốn quen thuộc với những tác phẩm văn chương đầy ám ảnh về những người lính, những người phụ nữ trải qua chiến tranh với nhiều hi sinh, mất mát. Những thân phận đời thường ấy được anh nâng niu, trân trọng bằng tất cả tấm lòng nghiêm túc của người cầm bút. Lần đầu tiên viết kịch bản phim, lại trót lỡ nhận dự án phim chiến tranh dài hơi nhất từ trước đến nay nên anh mất đến 10 tháng trời "cày" bản thảo. Khi đặt dấu chấm cho tập cuối cùng, anh thật thà chia sẻ: "Đó là lúc tôi gần như kiệt sức".
Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Anh có thể nói qua về xuất xứ kịch bản phim “Cao hơn bầu trời”?
Từ nhiều năm nay, là một người viết văn xuôi, song tôi vẫn để mắt sang kịch bản điện ảnh. Bất ngờ vào giữa năm 2011, anh Thái Hòa - Giám đốc Hãng phim Giải Phóng có mời tôi viết kịch bản phim truyện kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ trên không. Thú thực, thấy cách đặt vấn đề nghiêm túc của anh Thái Hòa, tôi thấy choáng ngợp, sợ không kham nổi. Bởi dù rất mê đắm song với tôi đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Mặt khác, chiến tranh là mảng đề tài cực khó. Với tất cả sự khiêm tốn, có thể nói rằng tôi không được quyền lựa chọn, mà chính là đề tài khó nhằn này đã chọn tôi. Thành thử, tôi cũng không còn cách nào khác là xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Anh thuộc thế hệ lớn lên trong chiến tranh, lại có nhiều năm gắn bó với bộ đội Không quân, ít nhiều cũng có trải nghiệm thực tế. Liệu kịch bản của anh có thoát khỏi sai lầm giống như nhiều kịch bản phim chiến tranh khác là thiếu tính triết lý, đơn thuần chỉ là mô tả lại cuộc chiến?
Khi nhận lời viết kịch bản phim, tôi muốn trả món nợ ân tình đối với nơi mình gắn bó suốt quãng đời trai trẻ. Tôi có gần 30 năm gắn bó với Quân chủng Phòng không - Không quân. Tôi lớn lên từ binh nhì ở đấy, tôi trở thành một "ma xó" luôn có ý thức tìm tòi, khám phá. Nhờ vậy, tôi hiểu cặn kẽ mọi ngóc ngách của quân chủng, thuộc hết tính cách và câu chuyện của nhiều người lính đi qua chiến tranh. Khi viết, tôi không lo ngại về mặt vốn sống mà chỉ lo tổ chức đường dây giữa các tuyến nhân vật thế nào cho logic, tập nọ móc xích vào tập kia, tập trước khơi mào cho tập sau.
Tính triết lý ư? Tôi không biến nhân vật của mình thành cái loa phát ngôn cho những triết lý vụn vặt. Tính triết lý nằm ngay ở mạch nguồn câu chuyện của phim. Vì vậy, tôi tin là mình không lặp lại bất kỳ ai!
Tình yêu trong chiến tranh sẽ được anh thể hiện như thế nào?
Tình yêu sẽ là mạch nguồn sâu thẳm và xuyên suốt 50 tập phim. Đó là mối tình của các phi công với các giáo viên, nữ tự vệ, nhà báo; mối tình của sĩ quan điều khiển tên lửa với nữ bác sĩ ở bệnh viện... Những nhân vật trong phim chiến đấu hết mình và yêu cũng hết mình. Việc sử dụng liều lượng thế nào là điều phải cân nhắc, chứ không thể và không bao giờ được lạm dụng tình yêu để câu khách, khiến cho khán giả lầm tưởng bộ phim với một trại yêu đương mùi mẫn. Tuy nhiên, tôi không ngần ngại khi đưa vào phim nhiều cảnh huống yêu đương, làm nổi bật sự khắc nghiệt của chiến tranh. Điều quan trọng là tôi luôn đặt nhân vật của mình trong bối cảnh họ đang sống để xử sự sao cho thật phù hợp.
B-52 phơi xác trên đường phố Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Tên phim là "Cao hơn bầu trời" khá lạ, anh có thể nói rõ hơn về ẩn nghĩa của nó?
Bầu trời vốn dĩ đã tít trên cao, nhưng cao hơn bầu trời là Tổ quốc Việt Nam, là con người và ý chí Việt Nam. Trong kịch bản, tôi chú trọng khai thác và xây dựng hình tượng những người con của miền Nam tham gia đánh không quân Mỹ trên đất Bắc. Họ sát cánh chiến đấu bên cạnh những người con Hà Nội hào hoa. Nhiều người chiến đấu cực kỳ anh dũng và hy sinh rất oanh liệt.
Từ khi máy bay ném bom chiến lược B52 ra đời, trên thế giới chưa hề có quân đội nước nào dám đụng đến loại vũ khí ngáo ộp này cả. Với uy lực khủng khiếp của nó, người Mỹ dự tính san phẳng Hà Nội và buộc nhân dân ta phải quỳ gối. Tuy nhiên, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán: Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi đã thua trên bầu trời Hà Nội! Trong chiến dịch Linebacker II, diễn ra cuối tháng 12 năm 1972, bộ đội Phòng không-Không quân đã bắn hạ 81 máy bay Mỹ, có 34 chiếc B-52 và 5 chiếc F111, làm nên trận Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy. Vì vậy, có thể nói “Cao hơn bầu trời” là khúc tráng ca về con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam chiến đấu cho độc lập, tự do!
Theo anh, điều khó khăn lớn nhất khi viết kịch bản phim chiến tranh là gì?
Khó nhất vẫn là viết sao cho thật hay, thật mới mẻ và đầy xúc cảm, làm sao để các nhà làm phim có thể thực hiện được. Nhân vật thì người viết có thể hư cấu, song bối cảnh phải thực. Đặc biệt lời thoại trong phim phải ngắn gọn, ngôn ngữ phải bật lên được tính cách nhân vật. Nếu anh dễ dãi theo đường mòn lối cũ, hiện đại hóa ngôn từ, hoặc lai kiểu cách của Tây, Tàu, đều hỏng.
Phim chiến tranh không đơn thuần chỉ kể lại diễn biến các trận đánh theo kiểu ùng oàng, ta thắng địch thua, vì nếu vậy chắc chẳng có ma nào xem. Có điều, chiến tranh không bao giờ đi liền với sự viên mãn của tình yêu và hạnh phúc, bởi nó luôn là nỗi đau giằng xé khôn nguôi. Tựu trung, vấn đề cốt lõi của phim vẫn phải xoay quanh số phận con người với nhiều cảnh đời éo le, trắc trở. Mỗi tập phim với tôi tựa như một ngọn núi lớn. Tôi phải lấy hết sức bình sinh để leo lên từng ngọn núi một, rồi cắn răng, bấm chí mà vượt.
Có một sự thật là phim về đề tài chiến tranh ở Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Theo anh, nguyên nhân nằm ở đâu?
Tôi không phải là nhà sản xuất nên không dám lạm bàn. Nhưng theo tôi vấn đề đầu tiên nằm ở khâu đầu tư kinh phí. Tiếp đến là bối cảnh và phục trang. Nhiều phim chiến tranh của ta dùng phục trang giả cầy, xem rất chối. Còn ở góc độ kịch bản, xin nói nếu kịch bản dở làm sao phim hay được?
Xin cảm ơn anh!
Được biết bộ phim "Cao hơn bầu trời" do đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc chắp bút đã khởi quay. Đây là bộ phim hoành tráng nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không do hãng phim Giải phóng sản xuất. Bộ phim nhằm tôn vinh chiến thắng oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong chiến dịch chống tập kích đường không 12 ngày đêm cuối năm 1972 với chất bi tráng xuyên suốt. Với đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, "Cao hơn bầu trời" không chỉ là kịch bản phim mà còn là nỗi lòng tri ân của anh với Quân chủng Phòng không - Không quân, cái nôi đưa anh đến với nghiệp viết lách. |
Linh Lan