Khoảnh khắc cuối đời của Đường Cao Tông bên cạnh Võ Tắc Thiên:
Võ Tắc Thiên sinh thời là con nhà họ Võ. Những năm Đại Nghiệp thời Tùy Dượng Đế, Đường Cao Tổ - khi ấy còn giữ tước Đường quốc công, từng nhiều lần thăm nhà họ Võ. Hai nhà được cho là có quan hệ thân thiết.
Khi nhà Đường thay thế nhà Tùy, nhà họ Võ được Đường Cao Tổ hậu đãi, ban cho bổng lộc, đất đai và nhiều châu báu.
Cha bà là Võ Sĩ Hoạch được ban nhiều chức vị quan trọng, làm đến chức Đô đốc Kinh châu, Thượng thư bộ Công.
Do được sinh trưởng trong một gia đình khá giả, từ nhỏ Võ Tắc Thiên tỏ ra là người con gái có chí khí, mạnh mẽ, có kiến thức uyên bác hơn nhiều phụ nữ đương thời, tinh thông về chính trị, văn học, nghi lễ và âm nhạc.
Võ Tắc Thiên hơn Thái tử Lý Trị 4 tuổi. Năm 635, bà được đưa vào cung và trở thành Võ Tài Nhân – cấp bậc thấp nhất trong hậu cung của Đường Thái Tông.
Trong thời gian bên cạnh Đường Thái Tông, Võ Mị Nương trót đem lòng yêu thương và lén lút qua lại với Lý Trị, một phần do tính toán kế sách tiến thân, phần nhiều do Võ Mị Nương vốn không được Đường Thái Tông sủng ái.
Sau khi Đường Thái Tông băng hà, Võ Mị Nương đáng ra phải sống trong am ni cô Cảm Nghiệp Tự nhưng lại được lòng Thái tử Đường Cao Tông. Vì vậy, khi lên nắm quyền, Đường Cao Tông Lý Trị quyết gọi bà về và cưới làm phi bất chấp lời can ngăn của quần thần, trước buổi chầu, Lý Trị quát lớn: "Bất kể bị các đại thần phản đối. Thậm chí bị cả thiên hạ quay lưng. Ta cũng sẽ làm đến cùng. Quyết đưa nàng (Võ Mị Nương) hồi cung".
Sau khi hồi cung, hoàng đế Cao Tông gạt bỏ mọi lời can ngăn của quần thần sắc phong bà làm Chiêu Nghi - thứ bậc chỉ xếp sau Hoàng hậu.
Chẳng bao lâu sau, Cao Tông lại muốn phế truất hoàng hậu để đưa Võ Tắc Thiên thay thế. Quyết định này khiến nhiều đại thần trong triều phản đối.
Sự kiện trên chính là bước ngoặt đối với cả Cao Tông và Võ Mị Nương. Kể từ khi về được cung, Võ Mị Nương từng bước chiếm được niềm tin của Lý Trị, leo lên ngôi Hoàng Hậu, sau đó là trở thành Nữ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Theo các nhà sử học, nếu dựa vào nghi lễ Nho giáo, đây là điều không thể chấp nhận vào thời đó.
Năm 660, Cao Tông mắc bệnh phong hàn, không thể lo liệu chính sự. Bệnh này dường như là bệnh di truyền của hoàng tộc nhà Đường, bởi có đến 7 vị hoàng đế đều mắc bệnh.
Theo các sử gia Trung Quốc hiện đại, năm 662, Cao Tông suýt chút nữa đã nghe lời Tể tướng Thượng Quan Nghi phế truất bà, ngay đến cả chiếu thư phế truất hoàng hậu cũng đã soạn thảo xong.
May mắn cho Võ Tắc Thiên là một vị đại thần trong triều biết được nên đem chuyện đem nói với bà. Tân Đường Thư do tác giả Âu Dương Tu thời Bắc Tống chủ biên chép lại rằng: "Võ hoàng hậu tức tốc đến gặp Cao Tông kêu oan, khiến hoàng đế thay đổi quyết định".
Về phía trung thần Thượng Quan Nghi, ông bị xử bị chém đầu, thái tử Lý Trung phải uống rượu độc.
Sức khoẻ ngày một yếu, Cao Tông không đủ lực chăm lo triều chính dần giao lại giang sơn cho hoàng hậu Võ Tắc Thiên cùng sự giúp sức của Trưởng Tôn Vô Kỵ - một đại công thần trong triều đại nhà Đường, người trải qua ba đời hoàng đế nhà Đường từ những ngày đầu lập quốc.
Nắm quyền trong tay, Võ Tắc Thiên quay lại trừng phạt những người từng phản đối bà. Có đại thần phải chọn lấy cái chết, có người may mắn hơn chỉ bị giáng chức, cách chức.
Lịch sử Trung Quốc cũng không thiếu các trường hợp hoàng hậu can thiệp triều chính cho đến khi thái tử đủ tuổi nối ngôi thế nhưng trường hợp như Võ Tắc Thiên là duy nhất.
Về sau, Cao Tông nghe lời vợ mù quáng tới mức phế Thái tử Lý Hiền, mù mờ trước nguyên nhân Lý Hoằng chết.
Năm 683, Đường Cao Tông băng hà. Võ Tắc Thiên lần lượt đưa hai con trai của mình lên ngôi hoàng đế nhưng hai vị vua này rút cục đều không vừa lòng bà.
Võ Tắc Thiên nhanh chóng tìm cách phế truất Trung Tông và giam lỏng Duệ Tông, để tự mình thiết triều với danh nghĩa Thái hậu.
Sau này, khi được các quan trong triều và hơn 6 vạn người dân đồng ý, Võ Tắc Thiên mới chấp nhận trở thành Hoàng đế, lập ra nhà Võ Chu tồn tại từ năm 690 đến năm 705.
Trên thực tế, Võ Tắc Thiên là người phụ nữ quyết đoán, có tài trị nước. Đó là lý do dưới thời Võ Tắc Thiên dân chúng sống trong cảnh thái bình, yên ổn làm ăn, đất nước lớn mạnh, còn những vụ lộn xộn, tranh quyền ở triều chỉ được coi là việc riêng nhỏ lẻ không đáng bàn cãi.
Sử gia Trung Quốc Tư Mã Quang từng đánh giá về Võ Tắc Thiên trong Tư trị thông giám rằng: "Nếu bà nhìn thấy một đại thần nào đó là không đủ năng lực, sẽ ngay lập tức sẽ bãi chức. Thái hậu có óc quan sát và phán đoán tốt, vì vậy những nhân tài đương thời cũng đều có cơ hội được dùng".
Tuy nhiên, đến khi qua đời, cái chết của bà vẫn mãi là một ẩn số.
Lật lại cái chết của Võ Tắc Thiên, hậu thế có thể dễ dàng nhận thấy, nguyên nhân tử vong của vị nữ hoàng này được ghi chép hết sức giản lược: "Tuổi già đau ốm, buộc phải thoái vị nhường ngôi cho Thái tử, một thời gian sau thì băng hà."
Thậm chí, chính sử cũng không hề nhắc tới bất kỳ một di ngôn, di chiếu hay bút tích nào của bà trong những năm cuối đời.
Sử cũ chép lại, bà chấp nhận trở về với thân phận khiêm nhường là một nàng dâu của họ Lý. Bà tỏ lòng khoan dung đối với cả hậu duệ của những kẻ thù năm xưa.
Những trăn trối ấy dường như trái ngược hoàn toàn với tính cách cao ngạo, với vẻ uy phong trong suốt cuộc đời Võ Tắc Thiên.
Ngoài tấm vô bia bí ẩn, Võ Tắc Thiên mong muốn được chôn cất cùng chồng Đường Cao Tông. Điều này cho thấy tấm lòng của bà vẫn một mực hướng về người chồng đã khuất.
Minh Anh