Đường Thái Tông Lý Thế Dân là bậc minh quân với tài năng xuất chúng cả về phương diện quân sự lẫn chính trị tuy nhiên để có trong tay ngai vàng, vị vua này không ngại việc làm trái với luân thường đạo lý.
Thậm chí vị vua nhà Đường còn dùng quyền lực của mình để thay đổi cả quốc sử hòng bao biện, che giấu những vết đen khó có thể gột sạch.
Một trong số những "vết đen" nổi bật của vị vua này chính là sự biến đẫm máu xảy ra ở cửa Huyền Vũ.
Sự biến Huyền Vũ môn là sự kiện tranh giành quyền lực giữa các con trai Đường Cao Tổ là Thái tử Lý Kiến Thành, Tần Vương Lý Thế Dân và Tề Vương Lý Nguyên Cát.
Trong đó, Kiến Thành và Nguyên Cát liên minh chống lại Thế Dân, hai bên mâu thuẫn gay gắt, ra sức xây dựng thế lực riêng và dùng nhiều thủ đoạn để triệt hạ lẫn nhau.
Năm Võ Đức thứ 9, sao Thái Bạch Kim Tinh xuất hiện trên bầu trời phía nam thuộc lãnh thổ nhà Đường – đây là điềm báo hung về một trận chiến đẫm máu sắp xảy ra.
Bấy giờ, người nổi danh tinh thông thiên văn, lịch pháp là Thái sử từ Phó Dịch Hướng đã bí mật dâng tấu cho Đường Cao Tổ Lý Uyên. Trong tấu sớ nói rằng: "Thái Bạch Kim Tinh xuất hiện trên bầu trời ở đất phong của Tần vương Lý Thế Dân. Tần vương sẽ có được thiên hạ".
Chẳng qua là chuyện đệ - huynh!
Khi còn nhỏ Lý Thế Dân đã bộc lộ thiên chất thông minh, tài hoa, rất giỏi võ nghệ, có tài cầm quân, sử dụng binh pháp, lại rất can đảm, không nề những việc nguy hiểm nhất, khi tấn công thì như vũ bão.
Đương thời không ai có thể đoán ra được tâm trí của ông.
Không chỉ vậy, Lý Thế Dân còn có năng khiếu về nghệ thuật, đặc biệt về thư pháp và đánh đàn, thư pháp của ông luôn học tập theo Vương Hi Chi.
Cùng Đường Cao Tổ Lý Uyên, Lý Thế Dân cùng vua cha sát cánh mọi trận địa, lập nhiều chiến công lẫy lừng trên chiến trường, đồng thời chiêu mộ được nhiều người tài về dưới trướng mình.
Hơn người anh cả, Lý Thế Dân quả thực xứng đáng với ngôi vị Thái tử nếu xét về tài trí.
Tuy nhiên, luật cũ để lại, trước giờ chưa có chuyện Phế trưởng lập thứ, trong khi Lý Kiến Thành danh chính ngôn thuận là con trưởng, lại có năng lực chính trị tốt hiển nhiên ngôi vị Thái tử của y không thể suy chuyển.
Khác với Lý Thế Dân, Lý Kiến Thành được Đường Cao Tổ chuyên tâm bồi dưỡng đạo trị quốc trong khi Lý Thế Dân còn đang nam chinh bắc chiến, có đóng góp không nhỏ trong việc xử lý chính sự, định ra luật pháp, chiêu an dân chúng, khuyến khích sản xuất.
Đường Cao Tổ cảm kích công lao của Lý Thế Dân, phong Lý Thế Dân làm Thiên Sách Thượng tướng, ban cho nhiều đặc quyền, nhưng tuyệt nhiên không muốn ông trở thành Thái tử.
Lý Kiến Thành cũng cảm thấy Lý Thế Dân có ý đe dọa đến ngôi thái tử của mình nên tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của người em thứ ba là Lý Nguyên Cát cùng với một số phi tần và đại thần của Đường Cao Tổ, ý đồ hạ thấp uy tín, tước dần quyền lực và triệt hạ vây cánh của Lý Thế Dân, khiến Lý Thế Dân không còn đủ thực lực đe dọa ngôi vị của mình nữa.
Khi cuộc tranh đấu giữa hai người đến hồi cao trào, Lý Kiến Thành đã khuyên Đường Cao Tổ cô lập Lý Thế Dân bằng cách điều đi xa hoặc là xử tội chết những văn thần võ tướng trong phủ Tần Vương như: Trình Giảo Kim, Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối bị điều ra khỏi phủ Tần Vương, Uất Trì Kính Đức suýt nữa bị xử tử.
Năm 626 khi Đông Đột Quyết xâm phạm lãnh thổ, Đường Cao Tổ đã nghe lời Lý Kiến Thành cử Lý Nguyên Cát lãnh binh thay Lý Thế Dân kháng địch nhưng mang theo nhiều binh tướng cũ của Lý Thế Dân.
Lúc đó trong phủ Tần Vương, Trưởng Tôn Vô Kị cảm nhận được sự nguy hiểm, dồn dập khuyên Lý Thế Dân nên có sự chuẩn bị sớm để tránh bị hại.
Huyền Vũ môn – cuộc "tắm máu" tình thân
Lý Thế Dân quyết định ra tay trước.
Năm 626, Lý Thế Dân dâng sớ tố giác Thái tử Lý Kiến Thành và Tề vương Lý Nguyên Cát thông gian với hai phi tần của Đường Cao Tổ là Doãn Đức phi và Trương Tiệp dư.
Hay tin, Đường Cao Tổ nổi cơn thịnh nộ tức tốc hạ chỉ triệu Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát vào cung để trần tình.
Trong khi Kiến Thành và Nguyên Cát trở về kinh, Lý Thế Dân bí mật sai Tần Thúc Bảo và Uất Trì Kính Đức dẫn phục binh mai phục ở cửa Huyền Vũ, đợi lúc Kiến Thành và Nguyên Cát đi vào liền đổ ra tấn công.
Khi Kiến Thành và Nguyên Cát vào cổng Huyền Vũ, do không có sự chuẩn bị nên bị thất thế.
Trong trận chiến đẫm máu ấy, Lý Kiến Thành bị Lý Thế Dân dùng cung tên bắn chết, còn Lý Nguyên Cát thì bị Uất Trì Kính Đức giết chết.
Không dừng lại ở đó, với mục đích "nhổ cỏ tận gốc", Lý Thế Dân vu cho huynh đệ của mình tội danh tạo phản, giết hại toàn bộ các con trai của hai huynh đệ mình và xóa sổ gia tộc của họ khỏi danh sách hoàng tộc Lý Đường để diệt trừ hậu hoạ.
Đường Cao Tổ Lý Uyên khi biết chuyện vô cùng sửng sốt, nhưng không thể giết Lý Thế Dân bởi xét thực tài, Lý Thế Dân hoàn toàn có thể gánh trọng trách cai quản thiên hạ.
Trước tình hình này, Lý Uyên buộc phải ban chiếu lập Lý Thế Dân làm Thái tử và nhường ngôi lui về làm Thái thượng hoàng chỉ hai tháng sau đó.
Tuy nhiên lại có tài liệu cho rằng Lý Thế Dân còn ép Lý Uyên thoái vị, buộc cha ruột lui về làm Thái thượng hoàng để nhường lại ngai vàng cho mình.
Mặc dù là một cuộc tranh ngôi đoạt vị đẫm máu, nhưng hành động này vẫn chưa trở thành vết đen trong cuộc đời Đường Thái Tông.
Từ cổ chí kim, đấu tranh chính trị vốn mang bản chất tàn khốc, dù là cha con hay huynh đệ cũng khó tránh khỏi cảnh tương tàn.
Năm đó, nếu Lý Thế Dân không ra tay động thủ, bản thân ông cũng sẽ chết trong tay của chính những người anh em ruột thịt của mình.
(Còn nữa)
Phim về Võ Tắc Thiên: Trận huyết chiến bị lên án nhất trong lịch sử cầm quân của Tần vương Lý Thế Dân
Minh Anh