Năm Trinh Quán năm thứ 13, gần thành Trường An có sông Kinh Hà nước trong, có một người thuyền chài tên gọi là Trương Tiêu, có người bạn đốn củi là Lý Định.
Một lần Trương Tiêu khoe rằng mình quen biết một ông thầy bói giỏi tên là Viên Thủ Thành, thường xuyên chỉ chỗ câu được nhiều cá lớn.
Không ngờ Long Vương nghe được chuyện, rất tức giận, cho rằng như vầy thì tôm cá ở sông sẽ bị vây bắt hết, liền cải trang vào thành coi xem Viên Thủ Thành bói xem thời tiết ngày mai ra sao.
Viên Thủ Thành bói rằng: "Giờ Thìn thì có mây, giờ Tỵ có sấm, giờ Ngọ thì mưa, giờ Mùi thì tạnh, mưa được là ba thước ba tấc, lẻ 48 giọt".
Long Vương cười nhạt, nhưng không ngờ chiếu chỉ của Ngọc Hoàng lại y như lời Viên Thủ Thành phán.
Vốn cao ngạo, Long Vương bèn cố tình đổi sai giờ rồi đến quầy của Viên Thủ Thành gây sự.
Nhìn thấy Long Vương, Viên Thủ Thành lạnh nhạt nói rằng: "Người thân là Long Vương dám cãi lệnh trời, khó thoát khỏi lưỡi đao ở Oa Long Đài, giờ Ngọ ngày mai sẽ bị quan Nhâm tào là Ngụy Trưng chém đầu. Ngụy Trưng là quan tể tướng, ngươi còn không mau đến cầu cứu nhà vua".
Long Vương run sợ, ngay tối hôm đó đến cầu xin Đường Thái Tông trong giấc mơ.
Long Vương nói: "Bệ hạ là chân Long, thần là nghiệt Long. Thần bởi vì phạm tội ở thiên đình, sẽ bị hiền thần của bệ hạ là Tào Quan Ngụy Trưng xử trảm, vậy nên thần cố đến đây bái cầu, mong bệ hạ cứu thần một phen!".
Hôm sau, vua hỏi Từ Mậu Công (Từ Thế Tích) về giấc mơ đêm qua, Thế Tích khuyên vua mời Ngụy Trưng đến cùng chơi cờ.
Hai người đánh cờ đến giờ ngọ ba khắc, chưa xong một ván, Ngụy Trưng bỗng nhiên quỵ xuống dưới án, ngủ gáy khò khò. Thái Tông nói: "Hiền khanh thật là hết lòng gây dựng non sông, ra sức giữ nước, cho nên bất giấc ngủ gà đây.
Mãi một hồi lâu, Ngụy Trưng tỉnh dậy, phủ lạy dưới đất tâu: "Hạ thần thật đáng tội chết, vừa rồi không biết thế nào tự nhiên ngất đi, mong bệ hạ tha cho hạ thần cái tội khinh quân".
Chợt nghe thấy ngoài triều có tiếng kêu gào ầm ĩ. Tần Thúc Bảo, Từ Mậu Công mang một cái đầu rồng từ trên trời rơi xuống hãy còn máu me nhầy nhụa, đến trước mặt Đường Thái Tông.
Vua ngạc nhiên, Ngụy Trưng tâu rằng: "Thần ở bên vua hầu cờ, mơ màng chợp mắt chiêm bao, cưỡi mây lành, mạnh mẽ xuất thần. Trên Oa Long Đài, con rồng kia bị trói giải tới, hạ thần nói, mi phạm phép trời, phải khép vào tội chết, ta vâng mệnh Trời chém đầu của mi làm lệnh. Rồng nghe đau đớn, cụt móng, khép vây, cam chịu chết, Hạ thần vận tinh thần, vén áo, rảo bước múa gươm thần. Tiếng đao vừa đánh phập xuống, đầu rồng đã rụng ra".
Kinh Hà Long Vương oan ức, đến đòi mạng với Đường Thái Tông, rồi kiện Đường Thái Tông với Diêm Vương.
Giải mã cho chuyện này, người xưa coi trải dài Thần Châu là một long mạch khổng lồ. Người có thể khống chế kiểm soát được long mạch, chính là chân mệnh Thiên tử - Hoàng đế.
Kính Hà là một phần của Đại Đường, đương nhiên Kính Hà Long Vương phải kiêng nể Lý Thế Dân vài phần, nên gặp chuyện bất trắc, phải tới gặp Đường Thái Tông cầu cứu.
Đường Thái Tông có ý muốn cho Long Vương một con đường sống nên đã triệu Nguỵ Trưng đến chơi cờ. Huyền cơ là để cho Nguỵ Trưng biết mà “quan liêu” nhắm mắt bỏ qua cho Long vương. Thế nhưng khổ nõi, Long Vương chỉ báo mỗi thông tin bị trảm mà không báo ngày giờ.
Cho nên đến thời gian xử trảm, Ngụy Trưng đang ở trước mặt Đường Thái Tông thì hôn mê bất tỉnh, và cuối cùng đã xử trảm Long Vương ở trong mộng.
Vong hồn Long Vương uất ức, trách móc Đường Thái Tông, lôi ông xuống Địa phủ tranh biện. Sau khi Đường Thái Tông đến Địa phủ, được Thập Đại Diêm Vương nghênh đón, nói chuyện với ông rất cung kính, không dám vượt quá lễ tiết. Có thể thấy Đường Thái Tông địa vị rất cao, đến cả Thần cũng không dám thất lễ.
Lúc sống, Ngụy Trưng có bạn thân là Thôi Giác, nay chết làm chức Phán quan dưới âm ty giữ sổ sinh tử, trong giấc chiêm bao thường gặp gỡ cùng chuyện trò, Ngụy Trưng bèn gửi cho Thái Tông một phong thư trước lúc xuống âm ty đưa cho Thôi Giác nghĩ đến nghĩa cũ mà trả vua về dương gian. Giác còn ghi thêm tuổi thọ cho vua.
Để tạ ơn, Thái Tông cho Lưu Toàn xuống Diêm phủ dâng bí, câu chuyện "Lưu Toàn dâng bí" có ghi lại trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh.
Tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân xây dựng Nguỵ Trưng thành một ẩn thần, thẳng thắn, làm Thừa tướng dưới triều vua Đường Thái Tông, nhận lệnh của trời chém Long vương sông Kinh, đó gọi là "Câu chuyện Ngụy Trưng xử trảm Long Vương".
(còn nữa)
Phim về Võ Tắc Thiên: Lý Thế Dân nguy hiểm cơ nào mà Diêm Vương phải kính sợ?
Minh Anh