Chưa khi nào việc lồng ghép quảng cáo sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp vào phim Việt lại xuất hiện với tần suất dày đặc như hiện nay. Vẫn biết, để có thể ra đời tác phẩm điện ảnh không thể thiếu đi dấu ấn của các nhà tài trợ, nhưng việc quảng cáo lộ liễu và khiên cưỡng trong phim Việt khiến nhiều người xem phát cáu và phải đặt câu hỏi hoài nghi: Phải chăng “quyền lực” của nhà tài trợ đã khiến các nhà làm phim phải cài cắm vô tội vạ các phân đoạn quảng cáo vào phim?
Một cảnh trong phim “Xin thề anh nói thật” gây chướng mắt khán giả khi logo của nhà tài trợ xuất hiện lộ liễu và chiếm dụng mất phân nửa màn hình.
Phim thành “nô lệ” cho quảng cáo
Giới làm phim ai cũng biết một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của bộ phim là nhà tài trợ. Nhiều nhà làm phim cũng không bỏ lỡ cơ hội lợi dụng những “ông lớn” này để giảm chi phí cho những đứa con tinh thần của mình. Khi các nhà quảng cáo và nhà làm phim bắt tay nhau vào một dự án theo kiểu hai bên cùng có lợi, nó đòi hỏi sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng từ cả hai phía bởi khi thiếu chuyên nghiệp, người lãnh đủ sẽ là khán giả - đối tượng mà họ nhắm đến. Và nghiễm nhiên, tài năng sáng tạo của nhà biên kịch và đạo diễn trở nên vô cùng quan trọng khi phải lồng ghép thật khéo léo và tự nhiên các sản phẩm quảng cáo vào phim.
Trên thực tế, đặt sản phẩm trong phim (một phần trong PR) là thuật ngữ mới xuất hiện trong ngành quảng cáo ở Việt Nam từ năm 2004 đến nay. Đây là một hình thức quảng cáo mới và thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia bởi lợi ích của việc quảng cáo trên phim là chi phí bỏ ra ít trong khi hiệu quả thu được lại cao hơn rất nhiều so với TVC (quảng cáo truyền hình). Nắm bắt được lợi thế này nên các nhà quảng cáo không ngại dốc hầu bao vào các bộ phim để sản phẩm của mình được lên ngôi. Thế nên, phim Việt thời hiện đại mới nhan nhản các quảng cáo từ thời trang, điện thoại, xe hơi, cho đến mỹ phẩm, thuốc, kẹo cao su... Nhưng, quảng cáo trong phim Việt lại là bức tranh chưa hẳn định hình và ngành công nghiệp này vẫn còn đang phát triển ở Việt Nam.
Còn nhớ Vũ Ngọc Đãng, anh chàng khá điển trai trong làng đạo diễn phim Việt từng kể về cảnh lồng ghép rất tự nhiên và hợp lý quảng cáo kẹo cao su trong một bộ phim do anh đạo diễn. Để đẩy cảnh quay từ 30 giây lên 4 phút theo yêu cầu của nhà tài trợ, anh đã nghĩ ra cách để cho nhân vật lấy giấy kẹo gấp thành hạc giấy trong khi chờ người yêu. Kết quả là cảnh quay đạt được hiệu quả như mong muốn và cũng không kém phần lãng mạn. Trong Chuyện tình xa xứ, quảng cáo của nhà tài trợ Ponds cũng được đạo diễn trẻ Victor Vũ khéo léo lồng ghép trong một cảnh quay khá tự nhiên trong phim. Nhưng nhìn lại những quảng cáo xuất hiện dày đặc trong cả phim nhựa lẫn phim truyền hình hiện nay mới thấy sự nghèo nàn trong ý tưởng của các đạo diễn, khiến không ít khán giả quay lưng với phim Việt.
Cách đây 8 năm, bộ phim Lọ lem hè phố từng khiến khán giả dị ứng vì các cảnh quảng cáo điện thoại di động Samsung, xe hơi Vitara, băng vệ sinh Diana hết sức phô và tức mắt trong phim. Phim dài tập Dốc tình thì "bán mình" cho thương hiệu thời trang Nino Maxx đồng thời khơi mào xu hướng quảng cáo sản phẩm thời trang trên phim: Hương phù xa với thời trang Foci, Công ty thời trang với Sanding, Hồng Ty, Dexnol; Ban mai xanh với thương hiệu thời trang Nem có ở hầu hết trang phục của các diễn viên chính; Nếu chỉ là giấc mơ với thời trang Chic - land. C13 đón tết thì khiến khán giả đau đầu với đủ các thể loại kẹo và thuốc ho được cài cắm vô cùng lộ liễu và chướng tai, gai mắt trong suốt 6 tập phim. Xin thề anh nói thật bị chỉ trích bởi logo quảng cáo Ecopark- thành phố của những màu xanh đứng chình ình chiếm mất hơn phân nửa màn hình của phim. Còn những cô gái chân dài lại trở thành món ăn thập cẩm với điện thoại Nokia, taxi Mai Linh, mỹ phẩm Clinique, mì gói Vifon, dầu gội Sunsilk...
Phim Cô gái xấu xí bày ra ma trận với đủ các loại quảng cáo các nhãn hàng thời trang.
Chơi dao hai lưỡi
Trong kinh doanh, lợi nhuận luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Vì thế cũng không khó hiểu khi các nhà tài trợ chỉ quan tâm đến việc quảng cáo sản phẩm mà quên đi tính nghệ thuật của phim. Họ sẵn sàng bỏ tiền để sửa đổi và chi phối kịch bản nhằm đạt được mục đích dù không hiểu gì về môn nghệ thuật thứ 7. Thế nên mới có chuyện, nhân vật người cha trong Lời thú nhận của Eva dù vội cuống cuồng đưa con đến trường vẫn không quên mang theo thuốc đông dược, khán giả phim Blog nàng dâu hay Người đàn bà thứ hai thường xuyên được dắt vào cửa hàng thời trang Nem chọn trang phục; ông tổ trưởng chung cư trong C13 đón tết thì vừa uống thuốc ho xong đã hồn nhiên phán: "Uống loại này vào là khỏi ngay"; bộ phim dài cả trăm tập Cô gái xấu xí với các phân cảnh quảng cáo nước suối xuất hiện với tần suất liên tục dù trong bất kỳ hoàn cảnh, thời gian nào...
Một đạo diễn lâu năm trong nghề bộc bạch: "Khi đưa quảng cáo vào phim, giữa nhà quảng cáo với giám đốc sản xuất đã có sự thoả thuận rõ ràng. Sau đó, nhà sản xuất mới bàn bạc với đạo diễn để đưa quảng cáo vào phân khúc nào của phim. Quyết định quảng cáo hay không là do nhà sản xuất yêu cầu và áp đặt đạo diễn buộc phải thực hiện. Khi đạo diễn ký hợp đồng với nhà sản xuất, trong đó có điều khoản khi nhà sản xuất muốn quảng bá sản phẩm thì anh phải tuân thủ, không có quyền chống lại trừ phi những đạo diễn có tên tuổi không muốn làm điều đó thì họ sẽ không ký điều khoản này. Nhưng thông thường các đạo diễn phải ký và đã ký thì phải thực hiện. Khi đưa quảng cáo vào phim, vấn đề quan trọng nhất là anh phải linh động và sáng tạo để người xem không có cảm giác quảng cáo, giống như tự thân câu chuyện toát lên chứ không phải sự áp đặt. Phim gò cẩu thả thì lỗi đầu tiên sẽ thuộc về đạo diễn và anh không thể đổ thừa cho giám đốc sản xuất hay ai khác.
Cũng cùng quan điểm trên, một đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Việt Nam (hiện đang sống tại TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Gần như tất cả các phim truyền hình trên thế giới đều bán quảng cáo để các nhà sản xuất trừ bớt chi phí cho sản xuất. Đấy là việc cần thiết và người ta làm thường xuyên nhưng vấn đề là phía nhà sản xuất và đạo diễn phải đưa nó vào như thế nào cho thật hợp lý và logic để không tạo cảm giác gượng gạo, khó chịu và phản cảm trong phim. Vì vậy nhiều người mới nói quảng cáo trong phim như con dao hai lưỡi”.
Vị đạo diễn này cũng cho biết thêm, hiện nay chúng ta đang hướng tới tính chuyên nghiệp trong sản xuất phim truyền hình và ở Việt Nam chưa có ngành quảng cáo trên phim mà mới chỉ dừng ở mức độ đang phát triển.
Vô duyên và phi lý Cuối tháng 4 vừa qua, bộ phim Saigon Yo!, câu chuyện về thế giới sống động của những người trẻ đam mê hip - hop trong TP. Sài Gòn đã có dịp ra mắt công chúng và báo giới tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bộ phim được đánh giá là tương đối làm hài lòng người xem với kịch bản được xây dựng dễ hiểu, logic và không có quá nhiều chi tiết gây chán hay bất thường. Nhưng điều khiến bộ phim trở nên có tính thời sự hơn cả không nằm ở nội dung của nó mà ở việc các phân đoạn quảng cáo xuất hiện với tần suất liên tục và khiên cưỡng trong phim gây phản cảm với người xem như: Thương hiệu thể thao Adidas, ti vi Samsung 3D, cafe lon Highland… Điều này khiến cho người xem, dù có dễ tính đến mấy cũng không khỏi phát cáu với các phân đoạn quảng cáo vô duyên xuất hiện vô cùng phi lý trên phim. "Chuyện tình tay ba" "Có một vấn đề giữa phía nhà sản xuất với nhà truyền hình, đó là khi quảng cáo nhà sản xuất phải tính với đài truyền hình hoặc bên phát sóng. Bởi việc chia tỉ lệ cho quảng cáo trên phim phải có sự thương lượng rõ ràng trước khi lên sóng". |
Loan Thanh