"Thắt lưng buộc bụng" cũng phải đi
Thông tin mới nhất liên quan đến việc "xuất ngoại" quay bối cảnh là đoàn làm phim Âm mưu giày gót nhọn (đạo diễn Hàm Trần) đã sang tận New York (Mỹ) để thực hiện những cảnh quay đầu tiên. Bộ phim dự định công chiếu vào tháng 10 này, xoay quanh cuộc sống của một chuyên viên thiết kế thời trang tại Mỹ tên là Anne (do nữ diễn viên Việt kiều Kathy Uyên đóng). Bối cảnh được chọn để quay phim là những địa điểm nổi tiếng của New York như: Khu Manhattan, quảng trường Thời đại, công viên trung tâm Central Park, con đường thời trang Garment District... Dự án phim đầu tay mang tên Con đường vô tận do diễn viên Trần Bảo Sơn làm đạo diễn dự kiến cũng thực hiện nhiều cảnh quay tại Mỹ trong thời gian tới.
Đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, thực hiện cảnh quay ở nước ngoài chưa chắc phim sẽ hay hơn.
Trước đó vào năm 2012, khi có tới hai dự án phim do VTV đặt hàng là Hai phía chân trời và Bí mật tam giác vàng đều được quay tại nước ngoài với chi phí rất tốn kém, đã được coi là hiện tượng của thị trường điện ảnh Việt. Phim Hai phía chân trời (đạo diễn Trần Quốc Trọng và Vũ Trường Khoa) là dự án phim truyền hình dài 33 tập, xoay quanh cuộc sống của bà con Việt kiều tại châu Âu với những bối cảnh quay chính tại Cộng hòa Séc, Ukraine. Và, bộ phim Bí mật tam giác vàng (đạo diễn Nguyễn Dương) dài 40 tập, xoay quanh những vụ buôn lậu ma túy tại khu vực tam giác vàng liên quan đến trùm ma túy khét tiếng một thời Vũ Xuân Trường được ghi hình tại hai nước Đông Nam Á là Lào và Thái Lan. Với hai dự án này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc trung tâm sản xuất Phim truyền hình được coi là người đầu tiên thực hiện dự án phim khai thác các câu chuyện và nhân vật tại nước ngoài một cách đúng nghĩa nhất.
Điều đó cho thấy một thực tế là nếu như cách đây 6-7 năm, đưa đoàn làm phim xuất ngoại ghi hình là chuyện bất đắc dĩ với các nhà sản xuất thì đến thời điểm hiện tại, điều này đã trở thành xu thế tất yếu, cần phải làm với các nhà làm phim trong nước. Bởi trong bối cảnh phim ảnh phát triển nhiều và sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng phim ngày càng tăng lên như hiện nay, việc hút khán giả bằng những yếu tố mới và lạ là điều cần thiết. Kể cả phải "thắt lưng buộc bụng", nhiều nhà sản xuất cũng phải thực hiện để cho "bằng chị bằng em". Dẫn chứng là thời gian trước đây cũng đã có một vài dự án phim từng làm mới bằng việc thực hiện các cảnh quay tại nước ngoài như: Bước chân hoàn vũ (quay tại Thái Lan), Đua nhau làm giàu (quay tại Mỹ) hay Tình ca phố (quay bối cảnh tại Hồng Kông)... nhưng chỉ dừng lại ở vài ba cảnh quay ở nước ngoài để phim có yếu tố mới lạ và hiệu quả mang lại cũng chưa thực sự như mong đợi.
Thêm vào đó, chuyện đưa ê kíp ra nước ngoài quay bối cảnh đã không đơn giản chỉ là chuyện "con gà tức nhau tiếng gáy" nữa mà còn thể hiện sự cạn kiệt đề tài và bối cảnh trong nước. Tiêu biểu như hai dự án phim lịch sử là Thái sư Trần Thủ Độ và Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long có phần lớn các cảnh quay đều phải thuê các bối cảnh tại trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc) vì trong nước không có bối cảnh phù hợp để thực hiện. Điều đáng tiếc là hai bộ phim này đến nay vẫn chưa được phát sóng. Nhất là bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ được nhiều người tỏ ra nuối tiếc vì phim dài 30 tập, có kinh phí trên 56 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và đã đoạt được 3 giải vàng tại giải Cánh diều 2012 nhưng đến nay vẫn bị cất kho!
Bộ phim Hai phía chân trời được quay tại nhiều bối cảnh của Cộng hòa Sec.
Và những người nhất quyết không xuất ngoại
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn các nhà làm phim phải "xuất ngoại" ghi hình như: "Đổi món" để hút khán giả, tạo yếu tố mới lạ cho phim; bối cảnh trong nước không phù hợp, không có một phim trường quy mô; hay để học hỏi công nghệ và tính chuyên nghiệp của các nhà làm phim nước ngoài. Mong mỏi là vậy nhưng hầu hết các nhà làm phim đều vấp phải khó khăn lớn nhất luôn được đặt ra là vấn đề kinh phí.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc sản xuất phim Hai phía chân trời từng tiết lộ rằng, ngoài kinh phí được duyệt như làm phim trong nước, đoàn làm phim được Đài bổ sung thêm tiền vé máy bay, khoản ăn, ở cũng như những chi phí đặc biệt (bối cảnh, diễn viên nước ngoài, phiên dịch): "So với kinh phí sản xuất phim trong nước thì phim này có thể lên đến cả tỷ đồng (phim dài 33 tập, kinh phí trên 300 triệu đồng/tập), do vậy chúng tôi phải tính toán liệu cơm gắp mắm".
Đoàn phim cổ trang Duyên trần thoát tục cũng từng đưa ê-kíp làm phim gồm 8 người sang Ấn Độ để thu hình rất nhiều thắng cảnh nổi tiếng liên quan đến đức Phật. Chuyến đi chỉ 10 ngày nhưng đã chiếm khoảng 1/3 kinh phí làm phim (khoảng 40.000- 50.000 USD). Hãng phim Phước Sang vào năm 2007 cũng đã đưa đoàn phim Mười (bộ phim kinh dị đầu tiên của Việt Nam) sang Hàn Quốc một tuần ghi hình và hạn chế tối đa ê-kíp chỉ gồm 10 người. Thế nhưng, Giám đốc hãng phim, ông Phước Sang cho biết, chi phí một ngày quay ở nước ngoài cũng bằng tiền làm cả một bộ phim ở trong nước. Ngoài khó khăn về kinh phí, khi quay ở nước ngoài, các đoàn làm phim còn gặp rất nhiều những khó khăn khác cả ở khía cạnh chủ quan lẫn khách quan để đạt được cái giá là sự mới lạ cho phim. Nhưng vấn đề đặt ra là không phải cứ phim quay ở nước ngoài là sẽ hay, sẽ hấp dẫn.
Khước từ yêu cầu từ nhà sản xuất, không ra nước ngoài quay nhưng "đứa con" của đạo diễn Đào Bá Sơn vẫn đạt được hiệu quả ngoài mong đợi. Nhà biên kịch, đạo diễn Lê Phương từng nhận xét rằng, Long thành cầm giả ca là bộ phim thành công nhất trong loạt phim lịch sử dựng nhân dịp 1.000 năm Thăng Long, còn các nhà phê bình thì đánh giá rằng: "Phải nói, đã rất lâu người ta mới được xem một bộ phim lịch sử Việt Nam đẹp và cầu kỳ như vậy. Chất thi ca còn in đậm trong từng khuôn hình, thể hiện qua sự trau chuốt ở từng góc quay, ánh sáng trong phim, sự chỉn chu kỹ lưỡng trong từng bối cảnh, đạo cụ, trang phục lịch sử. Tất cả toát lên vẻ đẹp cổ xưa. Có thể nói, về mặt nội dung chưa hẳn bộ phim đã làm hài lòng một số khán giả, song về mặt hình ảnh, đây là một trong những bộ phim lịch sử đẹp nhất từ trước đến nay của điện ảnh Việt Nam".
Có thể thấy trong nỗ lực làm mới phim truyền hình, việc mở rộng bối cảnh bộ phim ra nước ngoài là một "chiêu" khá hiệu quả để các hãng lôi kéo sự chú ý của người xem. Nhưng quyết định "xuất ngoại" ghi hình dù chi phí phải bỏ ra không nhỏ chưa hẳn đã là một hướng đi cần thiết và đúng đắn của các nhà làm phim và phản ứng của khán giả mới là yếu tố quyết định sự thành bại của một tác phẩm.
Việt Nam thiếu gì cảnh quay, mà phải đi nước ngoài? Nói về điều này, đạo diễn Đào Bá Sơn thẳng thắn chia sẻ: "Khi làm Long thành cầm giả ca, chúng tôi kiên quyết không ra nước ngoài quay, mặc dù Giám đốc sản xuất phản ứng rất gay gắt về vấn đề này. Bởi chúng tôi biết, nếu đi là thất bại, mà thất bại ấy không quan trọng bằng lòng tự trọng. Hồi đó, bọn tôi quyết định quay ở Việt Nam vì mình đã cất công đi tìm những bối cảnh hay, bối cảnh phù hợp với lịch sử và thuần Việt, thì sao phải ra nước ngoài quay? Khi quay bối cảnh ở nước ngoài, chắc chắn chi phí sẽ tốn kém hơn nhưng phim chắc gì sẽ hay hơn? Làm Long thành cầm giả ca, tôi muốn chứng minh một điều rằng, anh hoàn toàn có thể làm phim lịch sử ở Việt Nam". |
Loan Thanh