Với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 được tổ chức vào ngày mai (19/9) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.
Chia sẻ với báo chí trước thềm Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kỳ vọng Diễn đàn năm nay sẽ giải quyết được các vấn đề cấp bách ngắn hạn và chiến lược dài hạn cho nền kinh tế.
PV: Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua 2/3 chặng đường với nhiều biến động. Theo ông, Diễn đàn lần này cần ưu tiên trọng tâm thảo luận vào các nội dung gì?
Ông Nguyễn Đức Hiển: Trọng tâm thảo luận tại Diễn đàn tập trung vào hai nhóm vấn đề. Thứ nhất là cơ chế, chính sách cấp bách góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2023; nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách tháo gỡ rào cản của nền kinh tế; tập trung vào một số động lực tăng trưởng như đầu tư công, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Nhóm vấn đề thứ hai là tập trung thảo luận về các giải pháp tăng cường năng lực nội sinh cũng như khơi thông nguồn lực về tài chính, tăng năng suất lao động, khoa học công nghệ cho đến các nguồn lực khác của nền kinh tế để phát triển kinh tế.
Tôi cho rằng, để tăng năng suất lao động cần nhiều chính sách. Trong đó thúc đẩy chuyển dịch lao động phù hợp với cơ cấu các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, cụ thể giảm dần tỉ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; song song với quá trình đó tăng cường tỉ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.
Cùng với đó, điều căn cốt nhất là cần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các ngành, các lĩnh vực, tập trung vào chuyển đổi số, góp phần tăng năng suất lao động. Đồng thời, quan tâm đến nhân lực chất lượng cao và quản trị về tăng năng suất lao động.
PV: Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022, Diễn đàn năm nay có điểm nổi bật như thế nào về công tác tổ chức, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hiển: Điểm nổi bật trong công tác tổ chức của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, thứ nhất đó là quy tụ được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạch định chính sách ở cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như địa phương.
Thứ hai, Diễn đàn cũng xác định các chủ đề, nội dung trọng tâm của các phiên chuyên đề và phiên toàn thể vừa giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt cho năm 2023 để đạt được các mục tiêu.
Đồng thời thảo luận những vấn đề có tính căn cơ, nền tảng của nền kinh tế, chúng ta không hy sinh các mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn, mà phải tạo dựng nền tảng cho phát triển dài hạn, những vấn đề về năng suất, chuyển đổi xanh, vấn đề liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế; thúc đẩy không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
PV: Ông kỳ vọng như thế nào về kết quả của Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2023 giúp Ban Kinh tế Trung ương trong việc tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức Hiển: Năm 2023, Ban Kinh tế Trung ương đang triển khai sơ kết nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó có 3 Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
Đồng thời, tiến hành báo cáo đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về cách mạng công nghệ lần thứ 4; Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; cũng như đánh giá việc triển khai các Nghị quyết về quy hoạch phát triển đô thị bền vững và nhiều Nghị quyết quan trọng khác.
Vì vậy, Diễn đàn là kênh cung cấp thông tin, luận cứ quan trọng cho Ban Kinh tế Trung ương phục vụ việc sơ kết, đánh giá tình hình triển khai các Nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó hoàn thiện các Báo cáo, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng được thể chế hóa, cụ thể hóa đi vào cuộc sống.
PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!.