Phó Bí thư Hoà Bình Trần Đăng Ninh: "Công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà phải chịu trách nhiệm"

Phó Bí thư Hoà Bình Trần Đăng Ninh: "Công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà phải chịu trách nhiệm"

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 3, 22/10/2019 14:32

Phó Bí thư Hoà Bình Trần Đăng Ninh khẳng định, vụ việc nước sông Đà bị ô nhiễm dầu thải xảy ra ảnh hưởng đến cả triệu người dân Thủ đô là "vấn đề kiểm soát nguồn vào và trách nhiệm của nhà máy nước sạch Sông Đà".

Như đã đưa tin, Công an tỉnh Hòa Bình hiện đang tạm giữ ba nghi phạm trong vụ án xả dầu thải vào nguồn nước Nhà máy sông Đà, gồm: Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại (cùng trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (trú tại Văn Quan, Lạng Sơn) để tiến hành điều tra, làm rõ.

Từ khi thông tin được phát hiện bởi công nhân nhà máy nước sạch sông Đà (ngày 8/10), cho tới nay đã được 2 tuần, nhưng nguyên nhân vụ việc và trách nhiệm các bên liên quan vẫn đang được điều tra, làm rõ.

Bên hành lang Quốc hội sáng 22/10, ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình đã dành thời gian trao đổi với báo chí về một số thông tin xung quanh vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.

Chính sách - Phó Bí thư Hoà Bình Trần Đăng Ninh: 'Công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà phải chịu trách nhiệm'

Ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình.

Ông Ninh khẳng định, vụ việc nước sông Đà bị ô nhiễm dầu thải xảy ra ảnh hưởng đến cả triệu người dân Thủ đô là "vấn đề kiểm soát nguồn vào và trách nhiệm của nhà máy nước sạch Sông Đà".

Vị Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Hoà Bình cũng chia sẻ: "Ngay khi nhận thông tin, chính quyền địa phương đã đến xác minh. Khi công ty thuê đơn vị đến xử lý vụ việc, chính quyền cũng có mặt".

“Tôi cũng gặp anh Tốn (ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà Viwasupco), anh Tốn nói cũng rất băn khoăn vì tất cả thông số không có vấn đề gì. Nhưng thực tế, người dân thấy mùi khét rất ghê, đứng ở bên ngoài nhà máy đã thấy mùi khét”, ông Ninh chia sẻ.

Đề cập đến việc, đại diện của Viwasupco nói rằng chờ có kết luận cuối cùng sẽ xin lỗi người dân, thậm chí còn cho rằng mình là nạn nhân chịu thiệt hại lớn... ông Trần Đăng Ninh nêu quan điểm: "Theo tôi, đã cung cấp nước sạch thì phải đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Khi nguồn nước chưa đảm bảo thì trước hết phải nhận trách nhiệm vì công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà Viwasupco là đơn vị cung cấp nước cho người dân".

"Công ty nói một số số liệu vẫn đảm bảo nhưng người dân phản ánh nước có mùi khét thì họ (công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà Viwasupco - PV) phải chịu trách nhiệm”, ông Ninh nhấn mạnh.

Trước đó, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 15/10, lãnh đạo Cty nước sạch Sông Đà nhận được nhiều câu hỏi, chất vấn của phóng viên về sự cố ô nhiễm nguồn nước.

Trả lời về việc không thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện sự việc hôm 8/10, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc công ty nước sạch Sông Đà khẳng định: "Ngay khi phát hiện, công ty đã gọi điện cho chính quyền địa phương xuống lập biên bản nhưng sáng hôm sau cơ quan chức năng mới xuống".

Ông Tốn cho hay, công ty đã huy động cán bộ công nhân viên, thuê cả người dân ở ngoài và dùng phao chuyên dụng quây không cho dầu lan ra mặt hồ Đầm Bài. Sau đó tiến hành vớt, dùng hút dầu chuyên dụng, một là cô lập dầu lại, hai là tránh ô nhiễm nguồn nước.

Ông này nói thêm, bản thân "đã cho anh em xét nghiệm và với chỉ tiêu A cho kết quả, mùi vị vẫn bình thường, nên công ty tiếp tục sản xuất, xử lý".

Về lý do tại sao công ty không dừng cấp nước khi phát hiện nguồn nước bị nhiễm dầu, ông Tốn xin chia sẻ thật: "Thực ra lúc bấy giờ với thâm tâm của tôi 80% là dừng cấp nước. Tại vì nghĩ có thể chất lượng nước có vấn đề. 

Tại sao vẫn cấp nước? Vì đến ngày 10/10, tôi yêu cầu xét nghiệm, nội kiểm chỉ tiêu A không vấn đề gì. Cộng thêm việc tham khảo một số chuyên gia khuyến cáo, phản biện rằng bây giờ anh đồng ý cắt nước thì lý do gì cắt nước, anh bảo ô nhiễm thì chứng cứ đâu, trong khi kết quả kiểm tra nội hàm của anh vẫn đảm bảo.

Công ty cấp tốc lấy mẫu nước đi kiểm tra chỉ tiêu C, bình thường mất 10 – 20 ngày mới ra, còn bình thường như trước thì phải quá 20 ngày với chỉ tiêu B, C. Lúc bấy giờ, lấy cớ gì để dừng cấp nước.

Thực ra nước sông Đà ảnh hưởng đến người dân rất nhiều nếu mất nước. Người dân mất nước mà người dân không biết vì sao thì không được. Tôi cũng tham khảo ý kiến chuyên gia và phản biện như thế thì tiếp tục cấp nước".

Hoa Liên - Công Luân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.