Cần chấp hành nghiêm quy định giãn cách
Sáng 15/8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã tham dự buổi lễ Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng chống dịch Covid-19 của UB MTTQ Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh.
Tại đây, ông Mãi đã đưa ra nhận định và phương hướng phòng chống dịch Covid-19 cho địa phương trong thời gian tới, sau 80 ngày kể từ khi thành phố phát hiện ổ dịch trong cộng đồng.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh đã phần nào lắng dịu nhưng vẫn còn rất phức tạp khi số ca nhiễm vẫn còn cao, hệ thống điều trị quá tải và vận hành chưa đồng bộ. Quy trình tiếp nhận và điều trị các ca bệnh có lúc, có nơi chưa kịp thời và tỷ lệ tử vong chưa giảm.
Phó Bí thư Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Hiện nay, nguy cơ dịch tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn vẫn còn cao nếu chúng ta mất cảnh giác, chủ quan”.
Do đó, việc thực hiện yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 như Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra là vô cùng nặng nề, đầy thách thức nhưng đây cũng là mong muốn của người dân thành phố.
Khẳng định ưu tiên tối đa cho công tác phòng chống dịch; đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, lãnh đạo Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh cho biết, địa phương sẽ phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng.
Trong thời gian này, công tác phòng chống dịch sẽ tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất, đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế, giảm nhanh số ca tử vong. Chỉ có như vậy mới có thể từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.
Tính đến hết ngày 14/8, Tp. Hồ Chí Minh đã chữa khỏi cho hơn 70.000 người; đã tiêm 4,5 triệu liều, đạt tỷ lệ 64% dân số trên 18 tuổi.
Phó Bí thư Phan Văn Mãi phát biểu: “Chúng ta cần tiếp tục huy động sự đồng lòng, chung sức và phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong phòng, chống dịch”.
Trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất là người dân phải chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và luôn tuân thủ thực hiện 5K.
Người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa tiếp tục thực hiện triệt để “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà”.
“Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi tha thiết kêu gọi toàn thể đồng bào cùng siết chặt tay, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn trước mắt. Chúng ta “đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa” để chống dịch và chiến thắng”, ông Mãi chia sẻ.
Chống dịch theo từng giai đoạn
Cùng thời điểm, UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi Chính phủ về sơ kết thực hiện Chỉ thị 16. Thành phố không xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới và số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm.
Bình quân trong 13 ngày gần đây (2/8-14/8), địa phương ghi nhận 3.830 ca nhiễm/ngày. Nếu so với 13 ngày liền kề (20/7-1/8) là 4.615 ca nhiễm/ngày, số ca nhiễm đã giảm 18%.
Bình quân mỗi ngày có 2.500 ca được xuất viện và lũy kế đến nay, thành phố có 70.727 trường hợp đã xuất viện.
Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã cơ bản thực hiện hiệu quả, nhất là tại các khu phong tỏa. Đến nay, các phương tiện tham gia giao thông đã giảm 75% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16 và tỷ lệ ca nhiễm tại khu phong tỏa chỉ còn 57% (thời điểm đầu tháng 8 tỷ lệ ca nhiễm ở khu phong tỏa là 80%).
Báo cáo của UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh đang đi ngang và có xu hướng giảm, tuy nhiên kết quả này chưa bền vững, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức thực hiện.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 86 của Chính phủ, thành phố đã xây dựng kế hoạch phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 với 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ ngày 15/8 đến ngày 31/8 sẽ cố gắng kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị.
Địa phương tiếp tục mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, quận Phú Nhuận, quận 5, quận 7 và quận 11.
Giai đoạn 2 từ ngày 1/9 đến ngày 15/9, thành phố phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh với các chỉ tiêu như giảm 20% số trường hợp tử vong, giảm 20% số trường hợp nặng.
Thêm vào đó, số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày, số nhập viện không quá 2.000 người mỗi ngày.
Quyết liệt hơn là đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19.