Tại hội thảo quốc gia góp ý dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) với sự tham dự của nhiều chuyên gia giáo dục tại TP.HCM mới đây, TS. Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng viện Nghiên cứu giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: "Chúng ta đã làm một việc rất tốt ở chỗ nâng trình độ giáo viên mầm non lên cao đẳng, nên tôi cũng đề nghị giáo viên bậc THPT cần có bằng thạc sĩ về giáo dục.
Tôi nghĩ đây là điều cần thiết vì rất nhiều nước ngay ở giáo viên bậc mầm non thôi đã là thạc sĩ giáo dục. Nếu thực hiện điều này thì giáo viên chỉ cần học thêm khoảng hai năm hoặc một năm tùy điều kiện".
Trước đề xuất của TS. Nguyễn Kim Dung, nhiều người đã đưa ra những ý kiến tranh luận trái chiều. Trong đó, có không ít ý kiến cho rằng việc nâng chuẩn trình độ giáo viên bậc THPT một lần nữa đề cao việc coi trọng bằng cấp.
Từ câu chuyện này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh.
Thưa thầy, khi biết đến đề xuất giáo viên bậc THPT cần có bằng thạc sĩ về giáo dục, cá nhân thầy có những suy nghĩ gì?
Tôi chỉ có một suy nghĩ rằng đôi khi bằng cấp không đi đôi với năng lực. Nghĩa là, có những giáo viên ở bậc THPT dạy rất tốt mặc dù không có bằng thạc sĩ, ngược lại cũng có giáo viên là thạc sĩ nhưng vào trường tư dạy chỉ được 3, 4 tháng vì không đáp ứng được yêu cầu công việc. Vậy, cần bằng thạc sĩ để làm gì?
Như vậy theo thầy, đề xuất này có phù hợp với điều kiện giáo dục hiện tại của đất nước ta hiện nay?
Tôi thấy rằng, hiện nay mọi người đang nhầm lẫn giữa kiến thức và năng lực giảng dạy. Hai điều này không đi chung với nhau, có thể có những người kiến thức rất tốt nhưng phương pháp truyền đạt không phù hợp. Còn có những giáo viên kiến thức vừa phải nhưng lại có phương pháp truyền đạt thì hiệu quả rất cao.
Vì vậy, bằng cấp và năng lực công việc hoàn toàn không liên quan đến nhau. Tôi không phủ định thạc sĩ dạy không tốt, nhưng không có nghĩa cứ học thạc sĩ là có thể dạy tốt.
Theo thầy, đề xuất của TS. Nguyễn Kim Dung có thể dẫn đến những hệ lụy như thế nào nếu đi vào thực tiễn?
Đề xuất của TS. Nguyễn Kim Dung nếu trở thành hiện thực sẽ dẫn đến tình trạng mà chúng tôi hay đùa là “phổ cập”, có nghĩa là người người, nhà nhà đi học thạc sĩ. Tôi chắc chắn khi cái gì phát triển nóng quá, ồ ạt quá thì sẽ dẫn đến chất lượng không ổn.
Liên tiếp thời gian gần đây, giáo dục nước nhà xảy ra nhiều sự việc đau lòng. Cùng với đó, để nâng cao chất lượng giáo dục, cũng đã có không ít đề xuất được đưa ra. Tuy nhiên, những đề xuất này đều không được giải quyết một cách triệt để. Theo thầy, phải chăng người đưa ra đề xuất cũng bị bế tắc?
Có thể khi tôi nói ra sẽ nhiều người phản ứng. Nhưng tôi nghĩ trong ngành giáo dục có những tiêu chuẩn đưa ra không biết để làm gì. Tôi lấy ví dụ, trước đây, có tiêu chuẩn đưa ra là giáo viên phải biết tiếng Anh trình độ B. Tôi có những người bạn dạy ở vùng sâu cho học sinh dân tộc thiểu số, không có người nước ngoài lui đến, vậy thì một câu hỏi họ đặt ra cho tôi là “học tiếng Anh để làm gì?”. Khi chia sẻ câu chuyện này, tôi muốn dành một câu hỏi cuối cùng, hiệu quả ở đây là gì?
Vì vậy, tôi mong muốn làm sao đầu vào của sư phạm, con người mà ngành sư phạm đào tạo ra phải đúng với đam mê nghề nghiệp. Tôi nhấn mạnh thêm, ở bậc THPT không cần bằng thạc sĩ mới có thể dạy tốt. Tôi nghĩ, chỉ cần chuẩn ở mức độ đại học là được.
Trân trọng cảm ơn thầy!