Năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo các Sở GD-ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện, công văn mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích các trường đưa dạy bơi vào giờ học ngoại khóa, với trọng tâm là học sinh khối lớp 4. Chưa có quy định bắt buộc các trường phải tổ chức việc dạy bơi cho học sinh.
Tai nạn do đuối nước tăng
Việc dạy bơi cho các em học sinh tiểu học đang được nhiều bậc làm cha, mẹ quan tâm. Điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi thời gian gần đây tỷ lệ trẻ bị chết do đuối nước xu hướng ngày một tăng.
Ngày 12/9/2012, 11 học sinh Trường THCS An Mỹ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội rủ nhau ra hồ Tuy Lai tắm, 8 em học sinh bị chết đuối. Ngày 19/4/2013, 7 học sinh Trường THCS Huỳnh Phước, xã Hữu Phước, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận rủ nhau ra suối chơi, cả 7 em bị đuối nước chết.
Gần đây nhất, ngày 14/5/2013, 4 em học sinh lớp 6 Trường THCS Hồ Tùng Mậu, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc rủ nhau xuống hồ thủy điện Sêrêpôk tắm và bị do đuối nước.
Hồ thủy điện Sêrêpôk - Ảnh: Hoàng Dung
Theo ông Nguyễn Trọng An, phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH, trong các loại hình tai nạn thương tích trẻ em gặp phải dưới 18 tuổi, tai nạn do đuối nước chiếm phần lớn. Năm 2010 trên cả nước có gần 2.500 trẻ em thiệt mạng do đuối nước; năm 2011, có gần 3.000 em thiệt mạng, tăng 300 em so với năm 2010; 6 tháng đầu năm 2012, 823 trẻ em tử vong.
Riêng trong 2 tháng đầu năm 2013, trên cả nước có khoảng 200 em nhỏ chết do đuối nước.
Ông Ngũ Duy Anh, vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, kết quả bước đầu các Sở GD báo cáo, việc dạy bơi cho các em học sinh ở hầu hết các trường tiểu học trên cả nước đều khó thực hiện bởi quỹ đất của trường chật, kinh tế khó khăn, đội ngũ giáo viên còn thiếu. Do vậy, việc dạy bơi cho học sinh ở trường khó thực hiện.
“Nếu chúng tôi bắt các trường đưa việc dạy bơi trở thành môn học bắt buộc ngay sẽ rất khó thực hiện. Bởi ngoài việc các trường thiếu kinh phí đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất.Trường còn phải tính đến chuyện đưa giáo viên học lớp tập huấn về nghiệp vụ, biên chế cho giáo viên….việc này cần phải nghiên cứu dài, có đề án cụ thể”, ông Anh chia sẻ.
Trên thực tế, kể từ khi có công văn dạy bơi của Bộ, mới có TP. Đà Nẵng triển khai dạy bơi cho học sinh hiệu quả, với sự giúp đỡ Tổ chức Unicef, Liên minh vì sự an toàn trẻ em (TASC) và Hiệp hội cứu hộ Hoàng Gia Úc. Dự án triển khai từ năm 2009 đến này với gần 20 bể bơi mini (kích thước rộng 6m, dài12m) đặt tại các trường tiểu học và một số địa điểm dạy bơi ở bãi biển. Mỗi năm chương trình dạy được khoảng 7000 đến 8000 học sinh cấp tiểu học biết bơi.
Cũng tại Đà Nẵng, từ ngày 24 đến 30/7/2010, Bộ GD-ĐT đã tổ chức khóa tập huấn thí điểm Chương trình dạy bơi an toàn cho 14 học viên là giáo viên của 7 sở Giáo dục và đào tạo (Nam Định, Nghệ An, An Giang, Bình Thuận, Thanh Hóa, Đồng Tháp và Hải Dương). Đây là những tỉnh có tỷ lệ trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước cao trong những năm qua.
Ở Hải Dương, năm 2011, Sở GD–ĐT tỉnh đã triển khai đề án dạy bơi cho học sinh giai đoạn 1, xây dựng 18 bể bơi mini thí điểm tại các trường tiểu học.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp triển khai công tác dạy bơi cho học sinh bằng việc tận dụng lồng bơi trên các sông, ngòi, kênh rạch để tổ chức dạy bơi cho học sinh.
Còn ở Hà Nội, một số trường Tiểu học công lập có điều kiện vật chất tốt như trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, huyện Từ Liêm, Hà Nội cũng chưa thể xây dựng được bể bơi tại trường. Trong năm 2012, các em học sinh được nhà trường lồng ghép việc học bơi vào chương trình học tập chính khóa của khối 5. Học sinh được học bơi trong 2 tháng 8 và 9, với 2 buổi/1 tuần ở Cung Thể thao dưới nước, Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, Mỹ Đình.
Như vậy trong 3 năm triển khai công văn tới các Sở GD-ĐT trên cả nước, việc thực hiện việc dạy bơi cho học sinh mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích các trường tiểu học. Với nhiều tỉnh, thành phố có kinh phí, việc đưa giáo viên đi tập huấn về dạy học sinh bơi còn khá khiêm tốn. So với con số khoảng 3.500 trẻ em bị đuối nước mỗi năm, hiệu quả từ việc triển khai công văn của Bộ đem lại chưa thực sự tốt.
Xây dựng đề án phổ cập bơi năm 2013
Ông Ngũ Duy Anh, vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên cho hay, hiện Bộ đang nghiên cứu án phổ cập bơi cho học sinh tiểu học trên toàn quốc. Sau khi nghiên cứu xong, đề án dạy bơi cho học sinh trình lên Thủ tướng Chính phủ xin kinh phí.
Ông Ngũ Duy Anh, vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên - Ảnh: Đức Nguyễn
Đề án tập trung vào việc đưa ra giải pháp, hỗ trợ các trường kinh phí xây dựng bể bơi tại trường; nghiên cứu các bể bơi phù hợp với học sinh; tuyển đội ngũ giáo viên dạy bơi cho các trường; đưa giáo viên đi học nghiệp vụ dạy bơi…
Đồng thời đề án cũng chọn quận huyện, địa phương có điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất tốt để hỗ trợ việc thực hiện xây bể bơi tại trường. Trường chưa có điều kiện Bộ sẽ có phương án phù hợp để trường có thể kết hợp việc dạy bơi xen kẽ với các giờ học ngoại khóa của các em.
Hiện tại Bộ chưa dụ trù được kinh phí cho đề án là con số cụ thể là bao nhiêu. Tuy nhiên địa phương được hỗ trợ, Bộ sẽ nghiên cứu trước về đặc điểm, vùng miền của địa phương đó để tìm được bể bơi di động lắp đặt cho phù hợp. Mỗi năm, Bộ thực hiện thí điểm riêng tại nhiều cụm, trường trên cả nước.
Theo ông Anh, Bộ cũng đang nghiên cứu đến phương án sẽ bắt buộc phải đưa môn bơi vào chương trình học tại trường tiểu học nưng với điều kiện các trường có đủ đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật, đáp ứng được việc dạy bơi cho học sinh.
Ngày 09/02/2010, Bộ GD-ĐT ra công văn chỉ đạo các Sở GD triển khai công tác phòng chống đuối nước. Theo kế hoạch, từ năm 2010-2015, Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy bơi cho học sinh khối 3 và 5. Chương trình này yêu cầu, bể bơi được đầu tư xây dựng tại trường học, hoặc cụm trường tại tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước. Các trường lựa chọn, tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên thể dục cốt cán để bảo đảm về chuyên môn, kỹ thuật dạy bơi cho học sinh. |
Theo Khám phá