Điều khoản bí mật
Theo truyền thông Israel, Mỹ có thể sẽ bán tiêm kích tàng hình F-35 cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Nếu điều này xảy ra, nó được coi là phần thưởng mà Washington dành cho UAE vì quyết định bình thường hóa quan hệ mang tính lịch sử với Israel gần đây.
Giới quan sát tin rằng, với động thái nói trên, cán cân quyền lực vốn bình ổn trên khắp Trung Đông trong nhiều năm qua sẽ sớm chao đảo.
"Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch bán F-35 và máy bay không người lái do thám tiên tiến cho UAE trong một điều khoản bí mật thuộc thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và quốc gia vùng Vịnh", trang web tin tức Ynet của Israel trích dẫn nguồn ẩn danh từ Mỹ và UAE cho biết.
"Điều khoản này làm dấy lên sự phản đối của Israel đối với Mỹ khi bán hệ thống vũ khí chiến lược cho các nước khác trong khu vực".
Vài giờ sau khi có thông tin nói trên, Chính phủ Israel đã lên tiếng cho rằng đây chỉ là "tin giả". Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết: "Thỏa thuận hòa bình với UAE không bao gồm bất kỳ điều khoản nào thuộc loại này và Mỹ đã nói rõ với Israel rằng họ sẽ luôn đảm bảo Israel có lợi thế ưu tiên về vũ khí".
Kể từ sau Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973, chính sách của Mỹ luôn bảo đảm Israel phải có vũ khí tốt hơn đối thủ và các nước láng giềng, kể cả các nước đó có là đồng minh với Mỹ.
Mặc dù thỉnh thoảng có những tranh cãi, như quyết định năm 1981 của chính quyền Reagan khi bán máy bay cảnh báo sớm cho Saudi Arabia bất chấp sự phản đối của Israel - chính sách này hầu hết được tuân thủ một cách chính xác.
Ví dụ, Ai Cập và Jordan đã ký hiệp ước hòa bình với Israel, đổi lại, hai nước có vũ khí của Mỹ như máy bay chiến đấu F-16 và xe tăng M-1, nhưng không phải là những mẫu tiên tiến nhất .
Vậy liệu Mỹ có bán máy bay chiến đấu tàng hình tối tân nhất của mình cho một quốc gia Ả Rập vốn là đối thủ lâu đời của Israel?
Viết trên tờ Forbes, chuyên gia Michael Peck lưu ý rằng tình hình ở Trung Đông lúc này cho thấy không điều gì là không thể xảy ra. Cũng giống như việc chỉ 10 năm trước, khó có ai có thể tưởng tượng được Syria sẽ rơi vào cuộc chiến kéo dài và quân đội Nga, Iran hiện diện quyền lực tại đây. Hay mới đây nhất, thế giới Ả Rập theo dòng Sunni lại bắt tay giảng hòa với Israel như một động thái sát cánh cùng nhau chống lại Iran.
Trung Đông sẽ càng hỗn loạn vì F-35?
Trong một thế giới đảo lộn, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chính quyền Trump đã bí mật đồng ý bán F-35 cho UAE như một động cơ cho thỏa thuận hòa bình. Cũng sẽ không ngạc nhiên nếu Israel, bất chấp những tuyên bố phản đối, cuối cùng vẫn chấp nhận sự đổi chác nói trên.
Israel muốn kết bạn - hoặc ít nhất là không muốn là kẻ thù – với thế giới Ả Rập. Trong khi đó, các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư như UAE vốn có quy mô nhỏ, dân số thưa thớt đang bị lép vế trước sức mạnh bá chủ của láng giềng Iran. Họ muốn tận dụng sức mạnh công nghệ của Israel - và có lẽ là một chiếc ô quân sự kín đáo của Israel chống lại nguy cơ từ Iran. Chính vì vậy, các bên tham gia có động cơ để khiến thỏa thuận này hoạt động trơn tru.
Nhưng cũng như mọi khi ở Trung Đông, vẫn có những yếu tố không mong muốn. Ví dụ, F-35 cho đến nay mới chỉ được cung cấp cho Mỹ và các đối tác NATO, cũng như các đồng minh thân cận của Mỹ như Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trên thực tế, Israel đã được cho phép đặc biệt để tùy chỉnh biến thể F-35 Adir của riêng mình với các tính năng như thùng nhiên liệu phụ và phần mềm do Israel thiết kế.
F-35 mà UAE được phép mua sẽ là phiên bản như thế nào? Trong mắt Israel, người bạn Ả Rập hôm nay cũng có thể là kẻ thù của ngày mai. Sẽ không có chuyện Israel chấp nhận cho UAE mua F-35 mà không bị hạn chế về công nghệ.
Ngoài ra, nếu UAE có thể sở hữu máy bay chiến đấu tàng hình để đổi lấy hòa bình với Israel, thì các quốc gia Ả Rập khác thì sao? Có nguồn tin cho rằng, Bahrain và Oman sẽ sớm bình thường hóa quan hệ với Israel, và thậm chí có khả năng rất xa là Saudi Arabia - nước đã yêu cầu mua F-35 - cũng có thể làm như vậy. Có bao nhiêu quốc gia Trung Đông sẽ nhận được vũ khí tối tân như một phần thưởng cho một thỏa thuận hòa bình?
Ngoài ra còn có câu hỏi về phản ứng của Iran. Iran đã lo lắng trước viễn cảnh kẻ thù không đội trời chung là Israel điều động các máy bay tàng hình để phá hủy các địa điểm hạt nhân của nước này. Nhưng Israel ở một khoảng cách rất xa nên nguy cơ đó chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Tehran sẽ không hài lòng khi các Quốc gia Vùng Vịnh ở ngay sát biên giới mình cũng có F-35.
Người ta cũng đặt câu hỏi liệu một Trung Đông đã quá rối ren có cần thêm những vũ khí tối tân nữa hay không. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, nếu chỉ xuất hiện thêm vài máy bay tàng hình mà đổi lại các quốc gia chuyển từ kẻ thù thành bạn bè, đó có thể là một thương vụ tốt.