Thời gian gần đây, trên youtube xuất hiện nhiều tài khoản có tên như: Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… có số lượng từ vài trăm ngàn cho đến hàng triệu lượt người theo dõi.
Có thể thấy, mỗi clip mà các nhân vật “giang hồ online” này đăng tải đều thu hút hàng chục triệu lượt xem, đem lại nguồn thu không nhỏ cho các nhân vật. Điển hình như trường hợp Khá Bảnh, nhân vật này tung 2 clip khoe có tháng kiếm đến 450 triệu đồng từ youtube.
Chưa hết, khi bỗng nổi như cồn trên mạng, những cái tên như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… cũng được chào đón như những ngôi sao ngoài đời thực. Mỗi khi xuất hiện là rất đông giới trẻ, chủ yếu là học sinh vây quanh, hào hứng xin chụp ảnh cùng. Điều này khiến không ít người bày tỏ sự e ngại về lối sống lệch lạc, và mối lo ngại về “thần tượng bẩn” của giới trẻ.
Từ câu chuyện đang nóng dư luận này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ, phân tích hệ luỵ từ ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
ĐBQH Phạm Tất Thắng cho rằng: “Hiện tượng mạng như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền rõ ràng đây là một hiện tượng lệch chuẩn, đối với Khá Bảnh, một thanh niên chưa tốt nghiệp THCS, không có công việc ổn định, đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng xử lý, có những hành vi phản cảm, và dùng ngôn tờ vô văn hoá nhưng lại được giới trẻ tung hô, thì đây là hành vi lệch chuẩn.
Có thể thấy, những nhân vật này làm clip đăng tải trên mạng, mà mạng xã hội tốc độ lan truyền rất nhanh, đối tượng sử dụng mạng xã hội chủ yếu là giới trẻ. Giới trẻ thì lại năng động, thích cái mới, áp dụng công nghệ nhanh.
Tuy nhiên, nhận thức của giới trẻ lại hạn chế, vì thế với xã hội những clip của Khá Bảnh và những hiện tượng mạng khác là hành vi lệch chuẩn, nhưng với giới trẻ nó mang một yếu tố khác lạ so với những chuẩn mực thông thường, kích thích được sự tò mò của một số nhóm bạn trẻ.
Đây vừa là tâm lý lứa tuổi, cũng như ảnh hưởng của công nghệ, vừa là chúng ta chưa có hình thức để quản lý các mạng xã hội hữu hiệu. Đồng thời, truyền thông cũng chưa có nhiều hình thức, nội dung hấp dẫn giới trẻ”.
Nói về những hành động cụ thể để có thể ngăn chặn những clip xấu, độc hại và có ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ, vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội này cho rằng: “Vừa rồi, Quốc Hội đã thông qua luật An ninh mạng, tuy nhiên luật này không quy định quá cụ thể, chi tiết những hành vi vi phạm cũng như mức độ xử lý. Nhưng, các cơ quan chức năng trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật thì phải cụ thể hoá, có quy định những hành vi cụ thể cùng với chế tài xử phạt cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Cùng với đó, cũng phải tuyên truyền cho giới trẻ về những điều đúng, nên làm, đâu là hành vi lệch lạc, không phù hợp với truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đồng thời, các cơ quan truyền thông cũng phải lên án, định hướng giới trẻ, đúng với chuẩn mực của xã hội”.
Cũng trao đổi thêm với PV về chế tài xử lý các video thiếu lành mạnh, cổ xuý cho lối sống tiêu cực, Luật sư Lê Văn Hồi, giám đốc công ty Luật My Way cho biết: “Là một người thường xuyên sử dụng mạng xã hội để kết nối với gia đình, khách hàng, do vậy, tôi cũng biết đến hiện tượng “giang hồ 4.0”. Khi xuất hiện hàng loạt các video trên nền tảng facebook, youtube có nội dung mô tả những hình ảnh bạo lực, văng tục, sử dụng chất kích thích… Những video này sở hữu lượt xem khủng vì những người làm clip đã đánh trúng vào tâm lý của số đông người, đặc biệt là giới trẻ (những bạn sinh từ năm 2000 trở đi). Nhóm bạn trẻ chưa trưởng thành thường có xu hướng bị kích thích và hiếu kỳ với những điều không giống ai, những thứ vượt ra ngoài quy chuẩn của cộng đồng, các thứ được coi là ngổ ngáo kỳ dị.
Do đó, những video có các nội dung liên quan đến bạo lực, chất kích thích, giang hồ hay những thứ thuộc về mặt trái của xã hội luôn thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Nắm bắt được xu hướng này, cộng với chính sách thanh toán của Youtube dựa trên lượng view, lượng click vào quảng cáo trên viden nên những thành phần được gọi là “giang hồ 4.0” đua nhau sản xuất clip xoay quanh những chủ đề nêu trên.
Trước khi đề cập đến pháp luật Việt Nam, tôi cho rằng những video kể trên có thể còn vi phạm một loạt các chính sách của Youtube như “chính sách về quấy rối và bắt nạt qua mạng” với việc kích động người khác quấy rối hoặc đe dọa cá nhân trên hoặc ngoài Youtube khi có nhiều người làm clip chửi bới, dọa nạt nhau trên Youtube; hay chính sách “về nội dung bạo lực hoặc phản cảm” khi những clip có những hình ảnh bạo lực là tâm điểm của video; chính sách “nội dung gây hại hoặc nguy hiểm” khi mô tả những hành vi bạo lực không được tiến hành bởi các chuyên gia đào tạo. Tuy nhiên, có thể do những thuật toán của Youtube không thể xử lý được toàn bộ những sai phạm nêu trên, đồng thời chính những người xem cũng không có những báo cáo nội dung xấu nên dù có vi phạm một loạt chính sách của Youtube nhưng các clip vẫn tồn tại.
Quay trở về hành lang pháp lý của pháp luật Việt Nam đối với các clip này, hẳn chúng ta còn nhớ bộ phim đình đám “Bụi Đời Chợ Lớn” không được Hội Đồng Duyệt Phim và Cục Điện Ảnh cấp phép trình chiếu, đối với clip do những “Giang hồ 4.0” phát hành lại không buộc phải tuân thủ quy định về việc thẩm duyệt trước khi đến với công chúng dù số lượng người tiếp cận là rất lớn. Điều này, cũng thể hiện phần nào quyền tự do dân chủ của người dân, khi chúng ta hướng đến một xã hội dân chủ thì buộc phải chấp nhận những clip nêu trên xuất hiện. Pháp luật lúc này chỉ đóng vai trò xử lý đối với những clip có hành vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành, theo quan điểm của cá nhân tôi thì một số chế tài có thể áp dụng đối với những cá nhân đăng clip có nội dung thiếu lành mạnh, cổ xúy cho lối sống tiêu cực như sau:
Thứ nhất, một số nội dung mô tả hành động bạo lực, kích động bạo lực thường xuất hiện trong thời gian qua có thể bị xử phạt từ 3 – 40.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP do có hành vi “sản xuất phim có nội dung kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội”;
Thứ hai, như thông tin tôi được biết thì có nhiều video còn có nội dung có lồng ghép quảng cáo cho các web cá cược bóng đá, lô đề, xóc đĩa… đây là những sản phẩm, dịch vụ bị cấm quảng cáo, trường hợp cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt từ 40 - 50.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 50 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP do có hành vi “Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác".
Thứ ba, với video gần đây của Khá Bảnh (Ngô Bá Khá) vừa đưa đêm ngày 1/4/2019, hành vi đốt xe máy để chuyển sang xe đẹp điện của Khá còn vi phạm quy định về việc cấm quảng cáo so sánh sản phẩm cùng loại với nhau. Hành vi so sánh trực tiếp giữa xe PCX do Khá đốt với xe đạp điện với những tiêu chí như tốn xăng, hay hư hỏng… vi phạm quy định về pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, hành vi này có thể bị xử phạt từ 60 – 80.000.000 VND theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP do hành vi quảng cáo “So sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác””.