Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh là ông Đặng Quốc Khánh đã lên tiếng, đề nghị nhà đầu tư nên có phương án phù hợp, giảm giá vé tại trạm thu phí này. Mới đây nhất, khi làm việc với Bộ GT-VT, ông Khánh đã có ý kiến, đề nghị bộ cho dịch chuyển trạm thu phí Bến Thuỷ đến một điểm trung gian tuyến BOT. Nếu được như vậy, người dân đôi bờ Sông Lam (cả Nghệ An và Hà Tĩnh) sẽ tránh bị chịu phí oan.
Kiến nghị của ông Đặng Quốc Khánh được người dân chịu ảnh hưởng và dư luận đồng tình, ủng hộ cao. Chỉ sau kiến nghị này ít ngày, dư luận dậy sóng trước thông tin: Ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói rằng, kiến nghị của ông Khánh là... "vớ vẩn".
Để làm rõ hơn, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Ông Hoa cho biết, sáng ngày 23/9, khi đang điều hành cuộc họp thì có một phóng viên (PV) gọi điện hỏi ông về việc ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị việc di dời và giảm giá vé tại trạm thu phí Bến Thủy.
“Dù đang bận họp nhưng tôn trọng PV, tôi đã trả lời 2 câu hỏi của PV này một cách chân tình và hẹn gặp trực tiếp để giải thích rõ hơn. Trong cuộc nói chuyện, tôi có giải thích việc di dời trạm thu phí là khó thực hiện vì nó có quá nhiều vấn đề phát sinh. Còn về việc giảm giá vé hai trạm thu phí, phía Cienco 4 cũng đã có chính sách ưu đãi giảm giá vé tháng cho người dân hai bên cầu", ông Hoa kể lại.
"Có thể trong lúc nói chuyện trên điện thoại, phóng viên nghe nhầm một từ ngữ nào đấy. Tôi khẳng định, mình không nói Hà Tĩnh hay ông Khánh vớ vẩn”, ông Hoa khẳng định lại với PV báo Người Đưa Tin.
“Khi đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Cienco 4 cho đến bây giờ, tôi luôn luôn ý thức được tình cảm mà lãnh đạo và người dân Hà Tĩnh dành cho tôi. Chính họ đã tạo điều kiện để làm dự án BOT này thành công. Không bao giờ tôi lại có thái độ hoặc phát ngôn để làm tổn thương đến mối quan hệ và tình cảm này”, ông Hoa phân trần.
Liên quan đến kiến nghị di dời trạm phí BOT Bến Thuỷ, ông Hoa cho biết: “Nên hay không nên không phải một câu trả lời là xong. Đầu năm 2016, phía Cienco 4 tăng phí cầu Bến Thủy, bản thân tôi đã đề nghị Cienco 4 nghiên cứu lập hồ sơ danh sách, đưa ra chính sách giảm phí cước cho người dân huyện Nghi Xuân đi lại, làm việc tại TP Vinh và ngược lại".
Theo ông Hoa, để di dời trạm thu phí thì phải xác định được vị trí và xác định chi phí di dời là bao nhiêu. Nếu di dời thì phải tính toán lưu lượng, qua đó thất thoát hay không. Nhà đầu tư cần phải làm việc với Bộ GT - VT, Bộ Tài chính, chính quyền địa phương và người dân xung quanh, để có sự thống nhất.
“Nếu di dời trạm thu phí thì phải xác định, chi phí di dời ai sẽ phải chịu và phương án ấy có thật sự khả thi không; mục đích di dời là gì? Nếu bắt nhà đầu tư phải chịu chi phí di dời thì phải bắt buộc cộng vào giá vé hoặc kéo dài thời gian thu phí.
Nếu di dời vào huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) hay huyện Nghi Lộc (Nghệ An) thì các loại xe sẽ tránh trạm thu phí đi vào các đường làng; xe quá khổ, quá tải sẽ cày nát những con đường này, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chi phí sửa chữa cũng rất cao. Theo tôi, làm việc gì thì trước tiên phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, cho nên cần tính toán kỹ” ông Hoa phân tích thêm.
Được biết, trạm thu phí BOT đoạn TP Vinh – Hà Tĩnh bắt đầu thu phí từ năm 2012 và kéo dài đến năm 2032. Hiện tại, phía Cienco 4 đang chạy lại phương án tài chính để nghiên cứu, có thể giảm được loại phương tiện nào và giảm bao nhiêu. Sắp tới, phía Cienco 4 sẽ công bố cho người dân biết.
Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, vừa ký công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco 4) và cơ quan chức năng, kiến nghị di chuyển vị trí hai trạm thu phí đầu cầu Bến Thủy đến một vị trí khác đảm bảo hợp lý hơn. Kiến nghị này đang được dư luận đồng tình cao. |
Hà Hằng