Ngày 16/8, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.
Theo đó, báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng.
Trong 4 năm, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10.000 vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy); lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ xử lý được trên 3.000 vụ cháy từ khi phát sinh.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: "Công tác phòng cháy chữa cháy có nhiều kết quả tích cực nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Các vụ cháy chợ, cháy khu công nghiệp, cháy rừng thường xảy ra. Công tác truyền thông chưa tốt, có người có trách nhiệm nhưng không thực hiện nghiêm các quy định này. Nhiều trang thiết bị phòng cháy chữa cháy cũ và lạc hậu, có thiết bị trên 20 năm, khi xảy ra cháy mang đến lại không vận hành được".
Ông Vũ Hồng Thanh đưa ra câu hỏi: “Khi cháy các nhà cao tầng, trung tâm thương mại, xe thang của ta không đến được, vậy chúng ta có trực thăng chữa cháy chưa?
Còn hơn 2.600 công trình đưa vào hoạt động nhưng chưa có thẩm định chữa cháy. Đặc biệt, nhiều chung cư cao tầng dân vào ở chưa có nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, khi xảy ra hỏa hoạn chết người thì trách nhiệm thuộc về ai?”.
Bên cạnh đó, ông Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra rằng, hiện nay có tình trạng hàng nghìn trụ nước ở các địa phương thiếu nguồn nước. Việc bố trí kinh phí bảo đảm ngân sách cho công tác phòng cháy chữa cháy rất hạn chế, chỉ gọi là hỗ trợ thôi. Đề nghị đoàn giám sát chỉ ra địa phương nào làm tốt, bố trí đủ ngân sách cho công tác này.
“Thêm nữa, vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước hay của doanh nghiệp, chủ đầu tư, vì tiết kiệm chi phí mà đưa trang thiết bị phòng cháy chữa cháy cũ kỹ, lạc hậu vào. Báo cháy không phát hiện cháy, khi phát hiện cháy không chữa cháy được. Nếu cơ quan quản lý nghiêm ngay từ đầu thì chủ đầu tư không dám làm như thế”, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.
Liên quan tới ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, thang chữa cháy chưa có thang nào cao lên hết các tầng mà các nhà cao tầng phải có tầng chống cháy.
Nói về trực thăng chữa cháy, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: “Còn trực thăng không phải không có, nếu cần huy động thì quân đội sẵn sàng huy động ngay, tôi đã trực tiếp chỉ đạo thử dùng trực thăng một lần nhưng không giải quyết được gì cả.
Năm 2010 cháy Fansipan, bộ Quốc phòng cho huy động trực thăng, trực thăng xuống hồ của Sapa múc được gầu nước lên. Lên đến nơi, nếu bay thấp thì cháy máy bay, buộc phải bay cao để thả xuống thì nước chưa xuống đến lửa đã bốc hơi hết rồi, không giải quyết được.
Hoặc nếu dùng máy bay, thì phải dùng hóa chất chứ dùng nước không thể dập tắt được cháy rừng. Cần dùng trực thăng bao nhiêu cũng có nhưng cái chính là có khắc phục được không”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị cần phải nghiên cứu quá trình thiết kế xây dựng các nhà cao tầng phải thiết kế tầng chống cháy. Và khi dùng trực thăng phải dùng hóa chất chứ không thể dùng nước được, vì như thế không hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đánh giá cao đợt giám sát này của đoàn giám sát, đã đề cập đến vấn đề rất bức xúc, rất thời sự của đất nước, dù tiến hành trong một thời gian ngắn nhưng đưa ra đánh giá khá đầy đủ, khá toàn diện về tình hình cháy nổ trong thời gian vừa qua. Đánh giá được những mặt tốt, hạn chế bất cập và chỉ ra được khó khăn, đề ra được nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc phòng chống cháy nổ thì nhiệm vụ đầu tiên vẫn là phòng, khi đã xảy ra rồi thì phải chống, chữa. Trách nhiệm ở đây không phải chỉ có lực lượng chuyên trách mà là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và của các cấp chính quyền phải vào cuộc từ Trung ương đến địa phương.