Làm việc từ sáng đến đêm để đẩy nhanh tiến độ dự án
Ngày 5/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn đầu đoàn công tác số 1 đến Đồng Nai để giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khoá tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết của Quốc hội về một số công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Tại Đồng Nai, đoàn đã khảo sát tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành và lắng nghe ý kiến, báo cáo của các đơn vị liên quan trên đại công trường. Đây là một trong những công trình trọng điểm quốc gia đang được triển khai tại Đồng Nai và dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm 2026.
Theo báo cáo của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), trên công trường xây dựng sân bay Long Thành, liên danh các nhà thầu đã huy động 4.000 kỹ sư, công nhân cùng khoảng 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị để phục vụ thi công. Các nhân lực đang làm việc từ sáng đến đêm để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác nội nghiệp bao gồm xây dựng khu nhà điều hành hiện đại, xây dựng phòng thí nghiệm, khu tập kết nguyên vật liệu. Trong đó, gói thầu 3.4 - san nền, thoát nước tổng khối lượng đào đắp thực tế được 108,052 triệu m3 (đạt 93,52%).
Gói thầu 5.10 - nhà ga hành khách, liên danh nhà thầu huy động 493 máy móc thiết bị, vật tư và hơn 2.200 nhân sự để bứt tốc trong mùa khô. Tới nay phần đào đất được 323.570m3 đạt 95%, đã cắt đầu cọc 1.330 cọc. Ngoài ra thi công móng đạt 941 móng, sàn tầng hầm PIT đạt 95%. Phần cốt thép cột tầng 1 đạt 201/1.060 cột, phần thi công bê tông cột tầng 1 đã được 152 cột. Dự kiến hoàn thành toàn bộ phần xây dựng, trước tháng 12/2025, hoàn thành lắp dựng mặt đứng trước tháng 3/2026.
Còn gói thầu 4.6 - đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay liên danh các nhà thầu đã huy động 641 nhân sự và 274 trang thiết bị máy móc thi công. Đến nay hạng mục này đã thành hình, nhiều đoạn được cấp phối đá dăm, bê tông xi măng... Dự kiến hoàn thành đường cất hạ cánh trước 30/4/2025, hệ thống đường lăn, sân đỗ trước tháng 6/2025.
Riêng gói thầu 6.12 - đường giao thông T1, T2 kết nối sân bay có 630 nhân sự, 196 máy móc cùng triển khai nhiều mũi thi công. Thời điểm này đã hoàn tất đắp đất K95 đường công vụ, tuyến chính, rải cấp phối đá dăm và thi công đường công vụ 1, 2... Do mặt bằng đường giao thông mới bàn giao được khoảng 86% nên ACV đề nghị địa phương sớm bàn giao diện tích đất còn lại để đảm bảo thông tuyến kết nối đúng hẹn.
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, hầu hết các hạng mục ở sân bay Long Thành đang đáp ứng tiến độ đề ra. Trong đó, cố gắng phấn đấu hoàn thành đường cất hạ cánh trước 30/4/2025 (trước 3 tháng) đường lăn sân đỗ trước tháng 6/2025. Hệ thống tiêu thoát nước sân bay cũng được đấu nối thoát nước vào hệ thống của tỉnh.
"Cơ bản các nhà thầu thi công tại sân bay đều có kinh nghiệm, đảm bảo tiến độ và vượt tiến độ các hạng mục", ông Phiệt nói.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, tỉnh Đồng Nai và ACV đã đề xuất dùng đất hạ cốt nền tại vị trí xây dựng nhà ga T3 sân bay Long Thành (giai đoạn 2) để tạo nguồn đất đắp cho cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Tại dự án sân bay Long Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng đây là dự án quan trọng của quốc gia nên cần đảm bảo tiến độ, chất lượng. Với các đề nghị của ACV, địa phương, đoàn công tác sẽ ghi nhận.
Ngoài ra Phó Chủ tịch Quốc hội còn động viên tinh thần các kỹ sư, công nhân, giám sát. Cũng nhân chuyến giám sát, đoàn công tác đã tặng quà cho các nhà thầu, đơn vị thi công tại sân bay Long Thành.
Sớm bàn giao mặt bằng để các nhà thầu triển khai thi công
Chiều cùng ngày (5/3), sau khi khảo sát tiến độ tại dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), Đoàn công tác Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn tiếp tục có buổi khảo sát thực địa tại dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Vị trí khảo sát gồm đoạn nút giao tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường T1 (tuyến kết nối sân bay Long Thành), dự án khu tái định cư Long Đức, vị trí trường Giáo dưỡng số 4, nút giao đường Võ Nguyên Giáp - cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 54km qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn qua Đồng Nai dài khoảng 34km và được chia thành hai dự án thành phần. Dự án thành phần 1 có chiều dài 16km qua thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành. Dự án thành phần 2 dài 18,2km qua huyện Long Thành.
Để triển khai dự án, Đồng Nai phải thu hồi diện tích đất khoảng 290ha. Tuy nhiên do vướng đất vắng chủ, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp nên đến nay cả hai dự án thành phần mới chỉ bàn giao được diện tích mặt bằng rất ít.
Do chưa có nhiều mặt bằng nên công tác thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai còn chậm. Các nhà thầu trong lúc chờ mặt bằng đang tranh thủ đúc dầm, xây dựng cầu vượt, phát quang dọn dẹp một số khu vực…
Báo cáo trước đoàn công tác, ông Đinh Lê Thông, Giám đốc Ban điều hành dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Ban 85 - Bộ Giao thông vận tải) cho biết, đến nay dự án thành phần 1 khối lượng mặt bằng bàn giao đạt 6,8ha, dự án thành phần 2 mặt bằng bàn giao được 26,28ha, dự án thành phần 3 trên 97ha. Khối lượng thi công của dự án thành phần 2 đạt khoảng 170 tỷ đồng.
Ông Thông cho biết, khó khăn của dự án hiện nay là đất đắp và mặt bằng. Vì vậy Ban 85 đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm bàn giao mặt bằng để các nhà thầu triển khai thi công, đảm bảo được tiến độ dự án đề ra. Ngoài ra Ban 85 cũng tiếp tục đề xuất xin dùng đất ở vị trí quy hoạch nhà ga T3 sân bay Long Thành để dùng đắp cao tốc. Bởi vị trí từ sân bay đến cao tốc rất thuận lợi, ít ảnh hưởng đến người dân, môi trường.
Còn ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai mong muốn xin chốt bố trí tái định cư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (sân bay Long Thành). Bởi khu tái định cư này đã hoàn thiện hạ tầng, thuận lợi cho người dân di dời đến có thể xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống sớm.
“Quyết được tái định cư, có tái định cư thì việc di dời người dân rời vị trí xây dựng cao tốc sẽ thuận lợi hơn”, ông Cường nói.
Đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, đây là hệ thống cao tốc xương sống, là tuyến đường kết nối quan trọng. Khi đi vào khai thác, tuyến cao tốc này cùng với đường Vành đai 3, cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành cùng nhiều tuyến đường nội tỉnh sẽ tạo nên hệ thống giao thông đa dạng quanh sân bay Long Thành. Đồng thời còn kết nối thuận lợi với cụm cảng biển, Tp.HCM… để người dân giao thông, giao thương ổn định, thuận lợi.
“Dự kiến sau khi cất cánh, sân bay Long Thành sẽ khai thác phần lớn chặng bay quốc tế và khách nội địa chỉ khoảng 30% nên việc kết nối đa dạng hạ tầng giao thông sẽ giúp người dân, du khách di chuyển dễ dàng hơn. Ngoài đường bộ, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu về tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua sân bay, như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh những người di chuyển bằng ô tô thì Bộ Giao thông vận tải cũng mong muốn có những tuyến đường để bà con lưu thông bằng xe máy được thuận lợi. Vì vậy Bộ cũng đề nghị Đồng Nai sớm bàn giao mặt bằng để sớm đưa dự án cầu Nhơn Trạch về đích cũng như triển khai xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó địa phương cũng cần nghiên cứu làm nút giao lớn, hợp lý tại đường 25C kết nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng mong Đồng Nai sớm quan tâm, đôn đốc các địa phương, đơn vị tăng cường giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công triển khai dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Còn tại khu tái định cư Long Đức (phục vụ tái định cư cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), ông Trần Xuân Thám, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Long Thành cho biết khu tái định cư này có diện tích gần 30ha, sau khi hoàn thành xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho gần 3.400 người, tương đương với khoảng 843 hộ dân.
Vì trước đó bị vướng mặt bằng cây cao su nên khu tái định cư Long Đức cũng bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Đến nay khu tái định cư mới đạt 58% khối lượng và dự kiến trong tháng 3 này sẽ cắm mốc vì đã hoàn thành gờ lề dự án, cấp phối đá dăm, hình thành các tuyến đường nội khu. Sau khi cắm mốc sẽ cho người dân bốc thăm, lựa chọn vị trí lô đất và xây dựng nhà cửa.
“Khu tái định cư cơ bản đã có nhiều hạng mục hoàn thiện nên người dân có thể vào xây dựng nhà cửa song song với hoàn thiện hạ tầng toàn khu. Ở đây sẽ có công viên cây xanh, đầu tư hệ thống điện âm, nước máy, phục vụ người dân”, ông Thám nói.
Về tái định cư, ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, nguyên nhân tiến độ dự án bị chậm là do vướng đền bù, thanh lý cây cao su kéo dài.
Trước báo cáo từ các đơn vị và địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần quan tâm đến sinh kế, hỗ trợ việc làm cho người dân địa phương. Còn về việc lấy đất từ sân bay Long Thành để đắp cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng khá khả thi. “Bộ GTVT sớm nghiên cứu đề xuất khẩn trương các nội dung mà các đơn vị vừa đề xuất. Ngoài ra địa phương phải chủ động, ưu tiên bố trí tái định cư cho người dân để ổn định cuộc sống”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Còn các đại biểu trong đoàn công tác cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai xem xét điều chỉnh mức phí, thuế, hạ tầng phù hợp đối với các lô đất tái định cư. Phải điều phối các nội dung để phù hợp, chính sách hài hòa để người dân không so sánh, không khiếu nại.