Đến dự và chỉ đạo đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình, có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Ngoài ra, tham dự đại hội còn có các đại biểu khách mời: Thào Xuân Sùng, Chủ tịch hội Nông dân Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng bộ LĐTB&XH; Lê Thị Thuỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam; Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định; Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ; Nguyễn Quang Ngọc, Tư lệnh Quân khu 3; đại diện các bộ, ban, ngành của TƯ và các địa phương.
Tại phiên khai mạc, đại hội đã tiến hành nội dung bầu đoàn Chủ tịch đại hội và thẩm tra tư cách đại biểu. Kết quả, các đại biểu đều biểu quyết đồng ý đối với 350 đại biểu.
Cũng tại phiên khai mạc sáng nay, ông Ngô Đông Hải, Uỷ viên dự khuyết TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình đã trình bày báo cáo chính trị của đại hội. Báo cáo cho biết: Trong 5 năm vừa qua, những khó khăn, hạn chế chung của nền kinh tế cùng với những thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai gây ra đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Kinh tế tăng trưởng khá và toàn diện trên các lĩnh vực, tạo được những dấu ấn nổi bật. Tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh năm 2010) bình quân 5 năm (2016-2020) ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người có bước tăng mạnh.
Cơ cấu kinh tế đúng hướng; tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP đạt 75,5%, tăng 9,5% so với năm 2015. Các ngành sản xuất đều tăng trưởng khá cao và toàn diện, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016-2020) ước đạt 235,5 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần 5 năm 2011-2015, tăng bình quân 7,8%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm luôn vượt dự toán được giao; năm 2020 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, gấp 1,35 lần năm 2015.
Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, đang chuyển dần sang sản xuất hàng hoá gắn với tập trung, tích tụ đất đai và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị. Tỉ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp tăng cao; năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất và mức độ cơ giới hóa tăng lên rõ rệt.
Sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá; giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2016-2020) tăng 2,5%/năm, đạt mục tiêu đại hội đề ra. Giữ vững năng suất lúa trên 132 tạ/ha/năm, tăng 1,6 tạ/ha so với bình quân nhiệm kỳ trước, sản lượng thóc duy trì trên 1 triệu tấn/năm.
Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và đạt được những thành quả quan trọng. Đến hết năm 2019, đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đại hội XIX; đặc biệt, có 100% dân cư nông thôn được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, vượt trước 2 năm so với mục tiêu đại hội XIX. Xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả bước đầu; dự kiến hết năm 2020, có 14 xã (5%) đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và đạt được những thành quả quan trọng. Đến hết năm 2019, đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đại hội XIX; đặc biệt, có 100% dân cư nông thôn được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, vượt trước 2 năm so với mục tiêu đại hội XIX. Xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả bước đầu; dự kiến hết năm 2020, có 14 xã (5%) đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Báo cáo chính trị đặt mục tiêu tổng quát phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Thái Bình đặt ra 7 chỉ tiêu cơ bản phấn đấu giai đoạn 2021-2025 gồm tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 90% trở lên; Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 80% trở lên; Cơ quan chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xếp loại tốt đạt 90% trở lên; Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 10%/năm trở lên; Năng suất lao động (theo giá so sánh) tăng từ 9%/năm trở lên, Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10%/năm trở lên; Tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm so với GRDP đạt 60% trở lên; Tốc độ tăng thu ngân sách nội địa (không tính tiền thu sử dụng đất) đạt 12%/năm trở lên.
Trong phiên khai mạc sáng nay, đại hội cũng tiến hành thông qua Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2015-2020 và nghe ý kiến phát biểu, chỉ đạo của lãnh đạo TƯ.
Chiều nay (14/10) đại hội sẽ tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Thái Bình khoá XX, lấy phiếu giới thiệu Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình khoá XX. Cuối ngày 14/10, Ban Chấp hành khoá XX sẽ họp phiên thứ nhất.