Chia sẻ tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu cho biết, việc giáo viên lên lớp mà im lặng suốt 3 tháng là hết sức nghiêm trọng. Đó là một hình thức bạo hành, khủng bố tinh thần học sinh.
Bà Thu nói: “Ba tháng liền, cô giáo lên lớp không nói gì thì các em như thế nào? Không hiểu mình lỗi gì mà cô lại như vậy. Đó là bạo hành về tinh thần”.
![Phó Chủ tịch TP.HCM: 'Trường và sở xử lý quá chậm vụ cô giáo không nói'](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/media/nguyen-thi-lanh/2018/04/06/co-giao-khong-noi-2.jpg)
Đại diện sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tham dự buổi làm việc.
Theo bà Thu, trường THPT Long Thới và sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM xử lý quá chậm. Lẽ ra sau khi vụ việc xảy ra, xác minh phản ánh của em Song Toàn là có thật thì việc cần làm ngay là đình chỉ việc lên lớp của cô giáo, sau đó mới tìm hiểu vụ việc đúng sai như thế nào.
![Phó Chủ tịch TP.HCM: 'Trường và sở xử lý quá chậm vụ cô giáo không nói' (Hình 2).](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/media/nguyen-thi-lanh/2018/04/06/co-giao-3-thang-khong-noi.jpg)
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBNDTP.HCM phát biểu tại cuộc họp.
Cũng chia sẻ tại cuộc họp, bà Thu cho biết: “Việc chúng ta để giáo viên, học sinh gặp gỡ hòa giải, cô giáo vẫn lên lớp có thể gây hiểu nhầm cho dư luận là giáo viên sai nghiêm trọng nhưng ngành Giáo dục không xử lý nghiêm…”.
Bà Thu cũng cho rằng, cần xem xét lại vai trò của cô giáo chủ nhiệm trong vụ việc này. Bà nói: "Vì học sinh lên tiếng mà giáo viên chủ nhiệm cho là chuyện bình thường thì cần xem xét lại cô giáo chủ nhiệm".
Đối với giáo viên dạy toán Trần Thị Minh Châu, bà Thu cho hay, cách xử lý thuộc ngành Giáo dục. Bà Thu đề nghị sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM xử lý không du di, không thỏa hiệp.
Trong khi đó, đối với em Song Toàn, học sinh đưa ra vấn đề này, bà Thu đề nghị cần chuyển trường ngay cho em. Bởi theo bà, sau khi xảy ra sự việc, đã có chuyện học sinh trường lên mạng xã hội tạo áp lực cho em Phạm Song Toàn.