Thời gian phát ấn cho người dân và du khách thập phương được bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng ngày 2/3 (tức ngày 15 tháng Giêng), số lượng ấn phát ra không giới hạn để phục vụ mọi du khách.
Nói về công tác tổ chức lễ khai ấn, ban Tổ chức cho biết, lễ khai ấn xuân Mậu Tuất 2018 được diễn ra thành công với hơn 20 vạn ấn được phát ra trong ngày khai ấn. Năm nay, tình trạng chen lấn, xô đẩy để lấy ấn không còn.
Việc lắp đặt camera giám sát đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Những hình ảnh vi phạm được trích xuất từ camera sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng phạt... nguội để tăng thêm phần nghiêm túc khi tham gia lễ hội.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nam Định cho biết, để đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra lễ hội, UBND thành phố giao cho UBND phường Lộc Vượng trông coi phương tiện, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho du khách tới tham dự lễ hội. Bên cạnh đó, lực lượng y tế cũng được bố trí để kịp thời sơ cấp cứu cho du khách có vấn đề về sức khỏe.
Về số lượng ấn phát ra được chuẩn bị đầy đủ ấn lộc, đảm bảo hình thức đẹp, số lượng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân và du khách về tham dự lễ hội.
Năm nay, là năm thứ 6 UBND TP thực hiện đề án tổ chức Lễ hội đền Trần, cho nên mọi công tác chuẩn bị phục vụ cho tổ chức lễ hội đã có kinh nghiệm hơn.
Nói về việc người dân bỏ tiền ra để mua ấn, bà Oanh cho rằng: “Từ xưa đến nay ấn vẫn được phát và người dân không phải trả tiền. Nhưng tâm lý người đi xin họ muốn công đức vào nhà đền nên có đóng góp vào giọt dầu”.
Theo bà Oanh, tiền mà người dân đưa khi lấy ấn là tiền công đức, chứ không phải ban tổ chức bán ấn cho người dân. "Những ấn được bán trước giờ khai ấn toàn là giả. Chúng tôi đã bố trí lực lượng công an làm nhiệm vụ ngoài cổng, nếu phát hiện có tình trạng bán ấn giả là tịch thu hết", bà Oanh khẳng định.
Thế Anh