Gần đây, PV báo Người Đưa Tin nhận được thông tin từ một số người dân sinh sống tại địa bàn xã Chu Phan phản ánh về việc Phó Chủ tịch UBND của xã này là ông Nguyễn Văn Hưng, dù không đi học ngày nào vẫn có bằng đại học tại chức. Đặc biệt, một số người đặt nghi vấn tấm bằng vị Phó Chủ tịch xã sở hữu là bằng giả.
“Năm 2009, tôi xuống trường đại học Lao động – Xã hội với ý định nộp hồ sơ để thi và học tại chức. Tuy nhiên, tại khu vực cổng trường có dịch vụ không cần học mà vẫn sẽ có bằng, trong khi dấu má đầy đủ nên tôi đã mua với giá gần 10 triệu đồng”, vị Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận.
Trước câu hỏi không học ngày nào mà cũng có bằng, bản thân lại là công chức Nhà nước, không thấy việc làm này là sai trái hay sao, ông Hưng nói: “Tôi cũng biết việc làm này là không đúng và sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật”.
Chia sẻ thêm về quá trình công tác, ông Hưng cho biết: Bản thân giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã từ năm 2011. Nhiệm kỳ thứ 2 của ông còn 3 năm nữa.
Luật sư Trần Tuấn Anh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay: "Hành vi sử dụng bằng giả để lừa dối cơ quan Nhà nước nhằm đáp ứng đủ điều kiện có thể được bầu, bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó thì đã có dấu hiệu của hành vi phạm tội. Cụ thể, theo Điều 267, BLHS, mức hình phạt có thể lên đến 7 năm tù, ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền với mức cao nhất là 50 triệu đồng. Dưới góc độ xã hội, đây là một hành vi đáng bị lên án, nó thể hiện tư cách đạo đức của người cán bộ. Anh là người điều hành, lãnh đạo một địa phương nhưng lại có thái độ gian dối, lừa gạt ngay chính tổ chức và những người dân đã tin tưởng bầu, bổ nhiệm mình. Ngoài ra, có cả trách nhiệm của tổ chức, ở đây chính là phòng Tổ chức cán bộ huyện, Đảng ủy, UBND, HĐND cấp xã đã có sự lơi lỏng trong quản lý và bổ nhiệm cán bộ, dẫn đến hành vi vi phạm diễn ra trong một thời gian dài mới được phát hiện và xử lý". |
Nhất Nam