Trong khi có nhiều sĩ tử phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, hy sinh tiền bạc, thời gian học tập, rèn luyện nhằm trang bị cho mình hành trang tốt nhất để bước vào đời thì song song với đó cũng có không ít người "đi đường tắt" bằng những tấm bằng giả.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND xã Chu Phan (Mê Linh, Hà Nội) lại một lần nữa khiến dư luận phải dậy sóng khi bị tố cáo sử dụng bằng đại học tại chức giả.
Không biết có phải do thực sự “thấu cảm” với vị Phó Chủ tịch xã đó hay không mà sau khi đọc được những lời phân trần của ông, nỗi bức xúc trong lòng tôi bỗng dịu lại.
Bởi lỗi đâu phải tại ông, lỗi tại bọn “cò mồi” đã khiến ông phải “mờ mắt” trước sự “tiện lợi” của tấm bằng giả.
Chúng ta có thể thấy rõ, giữa 2 phương án: Một là bỏ ra 10 triệu đồng đổi lấy một tấm bằng “y như thật” ngay tức thì, hai là bỏ số tiền học phí tương đương (hoặc hơn) cùng 3 năm học hành, ôn thi vất vả để có tấm bằng thật thì chắc chắn lựa chọn thứ nhất mang tính “ưu việt” hơn. Nhất là đối với những người nắm giữ vị trí lãnh đạo, hàng ngày phải giải quyết “trăm công nghìn việc” như vị Phó Chủ tịch UBND xã Chu Phan.
Không những thế, việc mua bằng giả của vị Phó Chủ tịch xã này còn thể hiện được khát khao cống hiến của ông cho xã hội. Đến mức ông không thể hy sinh thời gian vàng bạc của mình, học tập một cách nghiêm túc mà đã “đi đường tắt” bằng cách chi tiền mua bằng giả.
Người ta thường nói rằng “bằng cấp chẳng nói lên điều gì” nhưng điều đó đâu hoàn toàn chính xác. Bởi chúng ta có thể dễ dàng nhận ra tư cách đạo đức của người đó "thật" hay "giả", cao hay thấp qua những tấm bằng.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả